Ba Đình tỏa nắng mùa thu
“Người về đem tới niềm vui - Mùa thu nắng tỏa Ba Đình”, đó là câu hát trong bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của cố nhạc sĩ Văn Cao. 77 năm đã qua, hình ảnh Ba Đình trong nắng mùa thu thật đẹp và lộng lẫy, xao xuyến lòng người gợi nhớ về một ngày mùa thu lịch sử. Đó là ngày 2/9/1945, Bác Hồ kính yêu đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên kỳ đài lộng gió giữa Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và từ đây Ba Đình tỏa nắng, rạng ngời ấm áp lòng người. Ánh nắng như vẻ đẹp lý tưởng soi sáng, ánh nắng chan hòa thân ái, ánh nắng hồi sinh sức sống mới, một hào quang mới. Đó là cái chất “diệp lục” khơi dậy tốt tươi, vươn dậy tốt tươi sức mạnh tiềm ẩn của con người và thiên nhiên xứ sở của miền nhiệt đới, của một đất nước sông núi chan hòa ruộng đồng xứ sở, của một dân tộc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Cũng từ cảm hứng những ngày thu lịch sử thiêng liêng hào hùng đó, nhạc sĩ Bùi Công Ký đã viết bài hát “Ba Đình nắng” từ cảm xúc dâng trào của mùa thu cách mạng, của ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập: “Gió vút lên ngọn kỳ đào phất phới - Gió vút lên đây bao người sóng mới dạt dào”. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật giản dị, vô cùng thân thiết gần gũi với mọi người như một vị cha già dân tộc được nhạc sĩ “vẽ” lên thật đẹp trong lời ca ấm áp: “Giọng nói hẹn thành công “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” - Ôi thân thiết lời cha già dân tộc - Bộ ka ki đã bạc với gió sương”. Từ ánh nắng Ba Đình ngày ấy tỏa đến mỗi bờ tre, ruộng lúa, con đê xanh màu cỏ, dòng sông lấp lánh ánh vàng. Và hân hoan trong lòng người là màu nắng mới chín dậy những ước mơ hạnh phúc.
Mỗi sáng mai trên Quảng trường Ba Đình lộng gió, lá cờ Tổ quốc được kéo lên phần phật bay trong nắng sớm, hồn Tổ quốc tỏa lộng muôn phương. Và lăng Bác như một đài hoa kỳ vĩ, xung quang lăng là muôn sắc màu hoa của mọi miền đất nước hương thơm tỏa trong nắng Ba Đình. Đó là sắc nắng hòa bình, nắng của tự do độc lập, nắng của ước ao muôn đời, nắng xua tan bóng tối để rạng rỡ bình mình, nắng đến với muôn người, đến từng ngõ xóm, đến từng miền quê. Và đẹp nhất là hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong sắc nắng Ba Đình rạng rỡ: “Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín - Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình - Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín - Bỗng vang lên tiếng hát ân tình - Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!!! - Người đứng trên đài lặng phút giây - Trông đàn con đó vẫy hai tay - Cao cao vầng trán ngời đôi mắt - Độc lập bây giờ mới thấy đây” (Tố Hữu).
Để có Ba Đình tỏa nắng mùa thu, Bác Hồ đã từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, phía đằng sau con tàu xé nước cuộn sóng trắng là ánh nắng ấm áp của miền nhiệt đới quê hương để đến với mùa đông xứ lạnh. “Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá” (Chế Lan Viên). Có lẽ trong những đêm trường thao thức, Bác đã nghĩ nhiều về Tổ quốc thân yêu, nhớ về những điệu dân ca ví phường vải lấp lánh nắng sông Lam (Nam Đàn - Nghệ An) để tìm ra ánh sáng bản Luận cương của Lê nin, tìm ra con đường đi của cách mạng. Và chắc những đêm đông buốt giá sương muối của núi rừng Cao Bằng trong hang Pác Bó khi đốt lên đống lửa sưởi ấm chắc người đã khát khao một ngày nắng thu vàng lan tỏa nồng nàn đến với mọi người dưới bầu trời xanh thắm tự do: “Mây của ta trời thắm của ta - Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (Tố Hữu). Và niềm mong muốn vô bờ bến ấy đã thành hiện thực. Chắc có lẽ khi người viết những dòng chữ cho bản Tuyên ngôn độc lập được coi như là bản “Thiên cổ hùng văn” trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) thì âm vang của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công vẫn còn vọng lại; và bản tuyên ngôn đó là sự kết tinh trầm tích quá khứ, cội nguồn lịch sử oai hùng của dân tộc ta đã từng đánh bại bao quân xâm lược. Bản tuyên ngôn đó cùng âm vang với hào khí bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI và “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi viết năm 1428. Bản tuyên ngôn đó còn âm vang lời thề “Sát thát” đánh thắng giặc Nguyên trong Hội nghị Diên Hồng...
77 năm đi qua trong lòng chúng ta vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc dâng trào, lòng tự hào khi lời Bác ấm áp dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Những lý lẽ sắc sảo có sức cuốn hút của một trí tuệ lớn, từ bản tuyên ngôn mở ra những luồng sáng của lương tri nhân loại thức tỉnh mọi người: “Quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời của Bác là lời của cha ông ngàn xưa vọng về, lời của hàng triệu trái tim vang lên đồng vọng thiết tha. Đó cũng là lời nhắc nhở về quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời, làm chủ xã hội. Có lẽ tại Lễ Quốc khánh này hai chữ “đồng bào” được Bác gọi tên thật ân cần gần gũi khẳng định lại khối đại đoàn kết, truyền thống giống nòi nguồn cội tổ tiên chung bọc trứng của mẹ Âu Cơ thân yêu.
Bản Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn chặt chẽ, sắc bén gồm 3 phần đó là: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn, cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn, lời tuyên bố độc lập không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trên thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, Nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập trong những ngày mùa thu lịch sử này ta lại càng thấy một trí tuệ lớn lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện tầm tư duy sâu sắc đối với sự phát triển của văn minh nhân loại khi Người trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạnh Pháp năm 1791. Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt để rồi với lập luận sắc bén có sức thuyết phục của mình, Bác đi đến khẳng định: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó “Là những lẽ phải không ai chối cải được”. Giáo sư Singo Sibata người Nhật khi nghiên cứu về Tuyên ngôn độc lập, ông cho rằng: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Cả cuộc đời của Bác đã hy sinh hạnh phúc riêng lo cho hạnh phúc chung của đất nước bởi với Người, chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là bất diệt...
Trong những ngày mùa thu nắng vàng sắc thắm này, trên khắp mọi miền Tổ quốc đồng bào miền xuôi, miền núi nô nức và háo hức đón Ngày Quốc khánh - Ngày “Tết Độc lập” trong niềm vui khi đất nước đã có nhiều đổi thay. Những sắc màu của bộ mặt “nông thôn mới” rạng rỡ hơn, tươi thắm hơn không chỉ đường làng ngõ xóm khang trang rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng và màu sắc hoa tươi thắm trong nắng vàng mà lòng người hân hoan tràn trề sức sống mới, khí thế mới. Còn đường sáng từ mùa thu năm ấy đã biến thành những đại lộ cao tốc rộng thênh thang, những đường bay hàng không nối liền với bạn bè quốc tế. Và đường thủy, những con tàu rẽ sóng cuộn sóng trắng chấp chới nắng mùa thu vừa mặn mòi vừa tinh khiết đến với những hòn đảo khơi xa bảo vệ trọn vẹn lãnh hải Tổ quốc thân yêu. Và tình người được nhân lên lan rộng sau đại dịch COVID-19, đó là con đường nhân ái, nhân hậu từ “Trái tim đến với trái tim” của tình thân nghĩa đồng bào trong nắng mùa thu từ Ba Đình tỏa rạng. Mùa thu này ta lại càng nhớ Bác Hồ kính yêu, Người đã chọn một ngày thu nắng đẹp để về với thế giới “Người hiền”, để lại bản Di chúc lịch sử: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Mùa thu nắng tỏa Ba Đình và từ Ba Đình tỏa nắng mùa thu. Một mùa thu lịch sử, mùa thu cách mạng, mùa thu sắc thắm nắng vàng như tình cảm dạt dào mà nhạc sĩ Vũ Thanh đã gửi gắm trong bài ca “Hà Nội mùa thu” đi cùng năm tháng: “Như buâng khuâng - Nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình - Lời Người thu năm ấy - Màu cờ thu năm ấy - Vẫn đây xanh trời mây”.
Tùy bút: NGUYỄN NGỌC PHÚ
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202209/ba-dinh-toa-nang-mua-thu-3132991/