Ba Lan: Cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Sau cuộc kiểm toán đánh giá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ba Lan cho rằng, Bộ Giáo dục và các đơn vị liên quan chưa chú trọng công tác đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chưa có những hành động khắc phục cần thiết để kịp thời cải thiện chất lượng giáo dục.
![Kế hoạch cải cách giáo dục được thực hiện nhưng không được đánh giá đầy đủ. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_624_51466681/f6a74d467c089556cc19.jpg)
Kế hoạch cải cách giáo dục được thực hiện nhưng không được đánh giá đầy đủ. Ảnh minh họa
Từ năm học 2017-2018, một cuộc cải cách hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai tại Ba Lan. Các giải pháp mới được thực hiện nhằm tăng sức hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp từ cấp độ trung học; thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình giáo dục, tăng cường chương trình thực tập và đào tạo nghề cho giáo viên tại doanh nghiệp.
Giám sát lỏng lẻo
Cuộc kiểm toán được thực hiện đối với các đơn vị liên quan, gồm: Bộ Giáo dục quốc gia; Bộ Giáo dục và Khoa học; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cùng 15 tổ hợp trường dạy nghề, trường kỹ thuật trong giai đoạn 2019-2023 nhằm đánh giá chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp sau cải cách.
Qua kiểm toán, KTNN Ba Lan chỉ ra rằng, kế hoạch cải cách đã được thực hiện nhưng không được đánh giá đầy đủ. Lãnh đạo các đơn vị trên đã lên kế hoạch thực hiện cải cách giáo dục nghề nghiệp, đưa ra ước tính chi phí cho những thay đổi và nhu cầu về nhân sự. Tuy nhiên, công tác giáo dục tại các trường dạy nghề chưa được đánh giá, hiệu ứng của công tác giáo dục và các lĩnh vực cần hành động khắc phục chưa được xác định.
Trong một cuộc kiểm toán trước đó, KTNN Ba Lan yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trên tiến hành giám sát tính hiệu quả, hiệu lực của các giải pháp đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ dẫn đến một số thực trạng như nhiều sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề không được cấp bằng, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã không tiếp tục học lên nhưng cũng không báo cáo về công việc thực hiện.
Đặc biệt, cuộc kiểm toán cho thấy việc thành lập các trung tâm kỹ năng công nghiệp gây tốn kém kinh phí. Chi phí thành lập 120 trung tâm lên tới 345 triệu USD với thời gian thực hiện là 3 năm. Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị liên quan đã không tiến hành phân tích vai trò của mạng lưới các trung tâm; tác động của chúng đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các khu vực và không xác định được những rủi ro liên quan. Kinh phí trên và chi phí vận hành các trung tâm này có thể tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, KTNN Ba Lan chỉ ra những bất thường trong việc tổ chức các khóa học thực hành. Các hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động không đề cập đến chương trình giáo dục nghề nghiệp. Các trường được kiểm toán không chuẩn bị thiết bị bảo hộ cá nhân, không cung cấp bảo hiểm tai nạn đầy đủ cho học sinh, chưa đảm bảo điều kiện lưu trú an toàn và vệ sinh. Tại 5 trường được kiểm toán, có nhiều trường hợp giáo viên vắng mặt trong chương trình đào tạo bắt buộc và 3 trường không xây dựng lịch trình làm việc cho giáo viên.
Cần kịp thời có giải pháp khắc phục
Tại Ba Lan, cuộc cải cách giáo dục nghề nghiệp được thực hiện từ năm học 2017-2018 nhằm đào tạo một đội ngũ chuyên gia có thể góp phần giải quyết những thách thức của nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, một phần ba số sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không làm việc trong các lĩnh vực được đào tạo, gây ra nhiều bất cập. KTNN Ba Lan cho rằng, lãnh đạo các đơn vị trên đã không đánh giá công tác giáo dục để có thể thực hiện những hành động khắc phục kịp thời.
Các cuộc kiểm toán trước đây đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng chỉ ra nhiều vấn đề như: Tỷ lệ thất nghiệp cao trong số sinh viên tốt nghiệp trường nghề, người sử dụng lao động đánh giá tiêu cực về kỹ năng của học viên, trang thiết bị của một số trường không đầy đủ, thiếu sự hợp tác với các doanh nghiệp trong việc định hướng cho lĩnh vực này…
Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, KTNN Ba Lan đã đưa ra một số kiến nghị đối với lãnh đạo các đơn vị trên. Theo đó, một số biện pháp cần sớm được thực hiện bao gồm: Đánh giá chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, thực hiện các hành động khắc phục từ kết quả đánh giá; phân tích tác động của việc thành lập các trung tâm kỹ năng đối với quá trình đào tạo kiến thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn, đối với hoạt động của các đơn vị khác trong hệ thống giáo dục; tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến các hình thức và định hướng giáo dục trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
KTNN Ba Lan nhấn mạnh, mục đích của giáo dục nghề nghiệp là cung cấp cho học viên những kỹ năng cần thiết để thực hiện chuyên môn nghề nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao. Quá trình giáo dục nghề nghiệp phải hỗ trợ sự phát triển của học viên, đặc biệt chú trọng định hướng nghề nghiệp, giúp nắm bắt cơ hội nâng cao trình độ học vấn và trình độ chuyên môn./.
(Theo nik.gov.pl và tổng hợp)