Ba Lan thắt chặt kiểm soát biên giới với Đức và Lithuania do lo ngại về di cư

Hôm nay, ngày 7/7, Ba Lan áp dụng các biện pháp kiểm soát tạm thời tại các biên giới với Đức và Lithuania nhằm ngăn chặn làn sóng ngày càng gia tăng của người di cư không có giấy tờ đi từ phía Bắc và phía Tây vào nước này.

Ba Lan tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới từ ngày 7/7-5/8 và có thể gia hạn. (Nguồn: Euronews)

Ba Lan tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới từ ngày 7/7-5/8 và có thể gia hạn. (Nguồn: Euronews)

Việc tái thiết lập các trạm kiểm soát biên giới là ví dụ mới nhất cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng trên khắp Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề di cư, nhất là khu vực Schengen. Hà Lan, Bỉ và cả Đức cũng áp dụng các biện pháp tương tự.

Tại Ba Lan, cuộc tranh luận về di cư trở nên gay gắt hơn trong vài tuần gần đây khi các nhóm cực hữu tổ chức nhiều “cuộc tuần tra công dân” tại biên giới phía Tây.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình tư nhân TVN24 ngày 7/7 sau khi lệnh kiểm soát có hiệu lực, Bộ trưởng Nội vụ Tomasz Siemoniak cho biết, hiện tại "giao thông vẫn thông suốt, có 800 cảnh sát, 200 binh sĩ hiến binh, 500 binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ lãnh thổ, tất cả lực lượng đều trong trạng thái sẵn sàng cao nhất".

Theo ông Siemoniak, chỉ các lực lượng nhà nước như lính biên phòng mới có quyền kiểm tra các phương tiện vào Ba Lan, ám chỉ các “cuộc tuần tra công dân”.

Lực lượng biên phòng quốc gia Trung Âu thông báo trên nền tảng X rằng đã bắt giữ một công dân Estonia tại biên giới với Lithuania vì chở bốn người di cư trái phép được cho là người Afghanistan.

Trong khi đó, vào tối 5/7, một người đàn ông Ba Lan tử vong sau khi bị đâm trong cuộc ẩu đả tại thị trấn Nowe, miền Bắc nước này. Một công dân Colombia bị bắt vì bị tình nghi là hung thủ.

Cảnh sát ngày 7/7 tuyên bố bắt giữ tổng cộng 13 người liên quan đến vụ việc, bao gồm ba người Ba Lan và mười người Colombia.

Kênh truyền hình nhà nước TVP Info cho thấy đám đông phẫn nộ tụ tập bên ngoài khu nhà ở cho công nhân nơi những người Colombia sinh sống.

Các nhà hoạt động nhân quyền lên án các “cuộc tuần tra công dân”.

“Hành động của những nhóm cực hữu này là kết quả của diễn ngôn chính trị đang ngày càng cực đoan hóa, xem di cư như một mối đe dọa, từ đó kích động nỗi sợ hãi trong xã hội và làm suy giảm niềm tin vào các thể chế nhà nước”, Quỹ Helsinki vì nhân quyền nhấn mạnh hôm 4/7, đồng thời "kêu gọi có một cuộc tranh luận công khai trung thực và đáng tin cậy về tình hình di cư và chính sách biên giới, dựa trên sự thật chứ không phải nỗi sợ hãi hay sự thao túng".

Các biện pháp kiểm soát biên giới kéo dài từ ngày 7/7-5/8 và có thể gia hạn. Theo giới chức Ba Lan, các biện pháp chủ yếu là kiểm tra ngẫu nhiên, đặc biệt đối với những phương tiện chở nhiều người.

Vấn đề nhập cư từng là trọng tâm của cuộc bầu cử Tổng thống tại Ba Lan hồi tháng 6/2025, khi ứng cử viên theo dân tộc chủ nghĩa Karol Nawrocki - người tranh cử với khẩu hiệu “Ba Lan trước tiên, người Ba Lan trước tiên” - suýt đánh bại ứng cử viên được Thủ tướng Donald Tusk hậu thuẫn.

Chính phủ của ông Tusk hiện tìm cách vượt lên các đối thủ bằng lập trường cứng rắn đối với nhập cư.

(theo US News & World Report)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-lan-that-chat-kiem-soat-bien-gioi-voi-duc-va-lithuania-do-lo-ngai-ve-di-cu-320193.html