Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện với 4 vùng chức năng, 3 trục động lực
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng chức năng và hình thành 3 trục kinh tế động lực được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới, giúp Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) phát triển toàn diện, bền vững cả về kinh tế và xã hội.
Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện
Với tinh thần “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững” tại Nghị quyết 05/NQ-HĐND, ngày 31/5/2023, tỉnh BR-VT xác định mục tiêu đến 2030 sẽ xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu đô thị đa phương thức; duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách cao nhất nước…
Tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, BR-VT đặt mục tiêu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ. BR-VT cũng sẽ phấn đấu đến giai đoạn 2031 - 2050, GRDP bình quân đầu người đạt 55.000 - 58.000 USD, chỉ số phát triển con người đạt chuẩn châu Âu, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, lao động có việc làm bền vững, có mức thu nhập thỏa đáng.
Phương án tổ chức 4 vùng chức năng, 3 trục động lực
Một trong nhiều bước chuẩn bị đầu tiên nhằm hướng đến đạt được các mục tiêu nêu trên, BR-VT đã lên phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh theo 4 vùng chức năng gồm 3 vùng lãnh thổ và 1 vùng biển - hải đảo, hình thành 3 trục kinh tế động lực.
Cụ thể: Vùng chức năng công nghiệp - cảng biển được xác định theo hướng Bắc - Nam từ ranh giới Đồng Nai đến TP. Vũng Tàu; theo hướng Tây - Đông từ khu vực sông Thị Vải - Cái Mép - Vịnh Gành Rái đến Quốc lộ 56. Vùng chức năng này sẽ tập trung phát triển công nghiệp, cảng biển và phát triển đô thị với động lực kinh tế chủ yếu dịch vụ phục vụ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ đa ngành; Kết nối chặt chẽ về không gian kinh tế với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ; gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam của quốc gia (Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu) và với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Tại vùng chức năng này hình thành 2 trục động lực phát triển gồm: trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng, quốc lộ51; và trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP. HCM.
Vùng chức năng du lịch và đô thị biển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, từ ranh giới Bình Thuận đến TP. Vũng Tàu; theo hướng Tây Bắc - Đông Nam dọc từ quốc lộ 55 và phía Đông Nam quốc lộ 51 đến khu vực đường tỉnh ĐT994. Vùng chủ yếu phát triển du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng khai thác thủy sản trong vùng cũng được định hướng phát triển phục vụ du lịch. Vùng chức năng này có trục động lực kinh tế du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống các đô thị du lịch ven biển như: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu, các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng…
Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh thuộc lãnh thổ hành chính các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức. Là vùng vừa phát triển kinh tế, ổn định dân cư trong khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ cây xanh, bảo vệ nguồn nước ngọt… Định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững.
Vùng biển và hải đảo bao gồm không gian biển do tỉnh quản lý và hải đảo. Vùng này sẽ tập trung phát triển kinh tế biển, bảo vệ nguồn lợi biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Đồng thời, nghiên cứu khoa học về biển, thăm dò, khai thác dầu khí…
Trên cơ sở hiểu rõ thế mạnh và nhiệm vụ phát triển chuyên biệt cho từng vùng chức năng, BR-VT đặt kỳ vọng các vùng chức năng này sẽ tạo động lực thúc đẩy tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, giúp tỉnh sớm đạt được các mục tiêu đã xác định.
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào tháng 2/2023, ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy BR-VT cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã giúp tỉnh có định hướng rõ nét trong xây dựng quy hoạch tỉnh. Trong xu thế phát triển xanh và bền vững, lần quy hoạch này, BR-VT cơ cấu lại nền kinh tế phát triển theo hướng tích cực, bền vững.