Ba Vì đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh

Ngoài dồn lực hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Ba Vì đang tích cực vận động người dân chung sức, đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Kết quả bước đầu đã gợi mở nhiều cách làm hay, cần nhân rộng.

Quang cảnh tọa đàm “Giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ” trên địa bàn huyện Ba Vì, tháng 6-2024.

Quang cảnh tọa đàm “Giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ” trên địa bàn huyện Ba Vì, tháng 6-2024.

Xã vùng núi Khánh Thượng của huyện Ba Vì là nơi sinh sống của 3 dân tộc: Kinh, Mường, Dao. Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Hoàng Văn Chìu, trong đời sống của người dân địa phương trước đây còn tồn tại nhiều hủ tục, như: Tổ chức đám tang trong nhiều ngày, hình thức chôn cất chủ yếu là địa táng, rải vàng mã trên đường…

Tương tự, nhiều gia đình ở các xã: Ba Vì, Minh Quang, Ba Trại… trước đây còn làm cỗ mời khách dự lễ tang hoặc mở nhạc hiếu to, quá sớm, quá khuya. Nhiều gia đình chôn cất, xây mộ không theo quy hoạch sử dụng đất và xây dựng nghĩa trang, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến sản xuất, vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, nhiều đám cưới trước đây ở các xã: Chu Minh, Đông Quang, Cam Thượng… diễn ra trong 3 ngày, làm cỗ to, mời nhiều khách. Tại các thôn: Chu Quyến 1, Chu Quyến 2, Chu Quyến 3 của xã Chu Minh, nhiều gia đình còn mời ăn cỗ sáng từ 7h, ăn cỗ chiều từ 13h…

Xác định những hủ tục nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, huyện Ba Vì đã ban hành nghị quyết về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Chu Minh Nguyễn Danh Quân thông tin, xã đã thành lập Ban vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới; giao các ban, ngành, đoàn thể của xã, thôn đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động. Các chi bộ Đảng đưa nội dung xây dựng nếp sống mới vào các buổi sinh hoạt. Năm 2023, UBND xã Chu Minh đã xây dựng và triển khai mô hình đám cưới “6 không” (Không ăn uống linh đình, kéo dài; không hút thuốc lá; không tổ chức quá 1,5 ngày; không tổ chức vui chơi văn nghệ quá 22h; không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu, bia, gây mất trật tự an ninh và tổ chức đánh bạc; không vi phạm quy định an toàn giao thông, nhất là trong quá trình đưa đón dâu). Đồng thời, xã duy trì việc trao giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đôi đến đăng ký tại “Phòng trao giấy chứng nhận kết hôn”. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ năm 2023 đến tháng 6-2024, xã đã vận động được 86 đám cưới tổ chức theo mô hình cưới văn minh.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Hoàng Văn Chìu, xã coi việc thực hiện tang văn minh là tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Các khu dân cư thống nhất đưa vào hương ước, mỗi hộ dân trên địa bàn hỗ trợ 50.000 đồng cho tang chủ đưa thi hài người thân đi hỏa táng, chôn cất đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, không rải vàng mã dọc đường khi đưa tang… Nhờ cách làm này, đến nay, hơn 80% tang chủ ở Khánh Thượng đã đưa thi hài người thân đi hỏa táng. Đặc biệt, tại các xã: Cổ Đô, Phong Vân, Phú Đông, Phú Sơn…, nhiều tang chủ đưa thi hài người thân đi hỏa táng, sau đó mới phát tang.

Trong mừng thọ, nhiều xã, thị trấn của huyện Ba Vì đã tổ chức gặp mặt chúc mừng, trao giấy chứng nhận của Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng các cụ đến tuổi chúc thọ tại nhà văn hóa thôn.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức mừng thọ theo nếp sống văn hóa mới, Chủ tịch UBND xã Phú Phương Nguyễn Văn Chí cho hay, các thôn đã đưa vào hương ước là chỉ tổ chức mừng thọ cho các cụ trong một ngày mùng 4 hoặc mùng 6 Tết Nguyên đán; không tổ chức tiệc, cỗ linh đình, kéo dài...

“Từ tháng 7 hằng năm, Hội Người cao tuổi xã cùng cán bộ văn hóa - xã hội rà soát, lập danh sách các cụ tròn từ 70 tuổi trở lên. Trên cơ sở đó, xã tổ chức chúc thọ các cụ tại hội trường UBND xã vào ngày 26 tháng Chạp và được phát trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên các cụ…”, ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, đến nay, toàn huyện có 83,3% đám tang thực hiện hỏa táng, 88,5% đám cưới và 96,1% đám mừng thọ thực hiện nếp sống văn minh. Phát huy kết quả đạt được, Ba Vì sẽ nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả; phấn đấu trong thời gian tới sẽ có 95% đám cưới, 95% đám tang và 100% đám mừng thọ thực hiện nếp sống văn minh, tạo chuyển biến thực chất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã trên địa bàn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ba-vi-dong-long-xay-dung-nep-song-van-minh-670284.html