Bắc Ninh có thêm 3 bảo vật quốc gia
Tại Festival 'Về miền Quan họ - 2023', Bắc Ninh đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 hiện vật của tỉnh là bảo vật quốc gia.
Tối 25/2, Bắc Ninh tổ chức khai mạc Festival “Về miền Quan họ - 2023”, kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về dự.
Cùng dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các đại biểu và nhân dân trong tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, Festival “Về miền Quan họ - 2023” là ngày hội văn hóa lớn với 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc diễn ra trên địa bàn tỉnh. Ngày hội là nơi kết nối những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho các vùng miền trên cả nước về hội tụ và tỏa sáng trên vùng đất Bắc Ninh ngàn năm văn hiến.
Ngoài việc giới thiệu, trình diễn những nét tinh hoa văn hóa độc đáo của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, chương trình Festival lần này còn có sự tham gia của các địa phương trên mọi miền tổ quốc có Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Đó là Hát Xoan (Phú Thọ), Ví Giặm Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh), Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk), Đờn ca tài tử Nam bộ (Bạc Liêu), Bài chòi (Quảng Nam).
Theo bà Nguyễn Hương Giang, với chuỗi hoạt động, trong đó điểm nhấn là Chương trình khai mạc Festival “Về miền Quan họ - 2023” và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về công nhận 3 hiện vật của tỉnh Bắc Ninh là bảo vật quốc gia. Nâng tổng số hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia của tỉnh lên 17 hiện vật, nhóm hiện vật.
Đầu tiên là bảo vật quốc gia Bia đá chùa Tĩnh Lự trên núi Thiên Thai (Gia Bình, Bắc Ninh) là một kiệt tác nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Nội dung văn bia cung cấp rất nhiều tư liệu nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam. Điểm nhấn của bia đá chùa Tĩnh Lự nằm ở hai bức phù điêu, hai bức chạm hai hoạt cảnh khác nhau nhưng cùng một đề tài "cầu hiền". Một bên chạm tích vua Thành Thang cử người cầu Y Doãn đang ẩn cư ở đất Hữu Sằn, một bên chạm tích vua nhà Chu phái người cầu Khương Tử Nha (Lã Vọng) đang câu cá trên sông Vị Thủy. Các chuyên gia đánh giá hai tấm đá chạm phù điêu được chạm nổi với kỹ thuật cao, dày đặc trên bề mặt tấm đá nhưng lại phóng khoáng, có điểm nhấn.
Bảo vật quốc gia Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm (Quế Võ, Bắc Ninh) niên đại từ năm Kỷ Tị (1449). Đây là một hiện vật gốc, chất liệu đá mang tính độc bản duy nhất thời Lê Sơ còn sót lại. Pho tượng được tạo tác bởi những người thuộc tầng lớp bình dân ở địa phương thể hiện văn hóa Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Điểm đặc biệt là bức tượng này được khắc đầy đủ thông tin ở lưng và phần bệ đá của tượng.
Dịp này, Bảo vật quốc gia Thạp đồng văn hóa Đông Sơn hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cũng được vinh danh. Đây là một trong những hiện vật đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm (thuộc thế kỷ thứ 3, thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên). Chiếc thạp nổi tiếng với sự độc đáo của băng hoa văn ở giữa thân có trang trí 14 con thú trong tư thế đuổi nhau ngược chiều kim đồng hồ. Thoạt nhìn, thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài. Đây là chiếc thạp đồng duy nhất đến nay được phát hiện có trang trí hoa văn này.
"Thông qua Festival Về miền Quan họ - 2023, Bắc Ninh mong muốn đưa sự kiện này thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch Bắc Ninh trên nền tảng các giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước. Tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển...", bà Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.
Festival “Về miền Quan họ - 2023” gồm 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Ước tính lượng du khách và đại biểu các tỉnh, thành trên cả nước về dự có thể vượt qua con số 100 nghìn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bac-ninh-co-them-3-bao-vat-quoc-gia-post627669.html