Bài 1: Chuyện cổ tích dưới chân núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray

'Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy…'. Nhắc lại câu nói này của Bác Hồ, những Đảng viên của các dân tộc thiểu số ít người nhất cả nước ở miền biên viễn Kon Tum khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Với họ, chính ánh sáng của Đảng đã thay đổi số phận của đất và người nơi đây; tưới lên mảnh vùng đất biên cương nhọc nhằn những hạt mầm tốt tươi và đất khó đã nở hoa…

Bài 2: Nền móng vững chắc vươn mình nơi đại ngàn Trường Sơn
Bài 3: Hướng về phía mặt trời!
Bài cuối: Khắc ghi lời thề sắt son

Cách đây chưa đến một thập kỷ, người Rơ Măm của Làng Le chúng tôi chỉ sống ở lưng chừng đỉnh núi cao chót vót. Thức ăn còn chưa biết nấu chín; người chết chôn chung mộ; ốm đau tại Yàng; mẹ chết con đi theo… "Tất cả những hủ tục đó như đã đẩy dân tộc Rơ Măm chúng tôi đứng trước bờ vực diệt vong nếu không có ánh sáng của Đảng dẫn đường. Với chúng tôi, cuộc sống hôm nay chính là một câu chuyện cổ tích có hậu dưới chân núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray hùng vĩ”.

Hệ lụy do hôn nhân cận huyết đã khiến cho những đứa trẻ không thể phát triển bình thường. Ảnh: Thanh Mai

Hệ lụy do hôn nhân cận huyết đã khiến cho những đứa trẻ không thể phát triển bình thường. Ảnh: Thanh Mai

Đó là chia sẻ của những Đảng viên làng Le, nơi sinh sống của cộng đồng người Rơ Măm - một trong năm dân tộc ít người bậc nhất của Việt Nam hiện nay ở vùng biên viễn Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Bước qua “lời nguyền”, “hạ sơn lập làng”

Chúng tôi đến được với làng Le đúng lúc mặt trời nhôcao tựa như một quả cầu lửa khổng lồ giữa đại ngàn Chư Mom Ray hùng vĩ. Từ xa, tiếng hát trầm bổng đã ngân vang bên trong ngôi nhà Rông ở giữa làng. Trong lời bài hát ấy kể về thời ngày xửa ngày xưa, người Rơ Măm có tới 12 làng sống biệt lập ở những nơi cao nhất so với các dân tộc khác, nhưng vì một trận đại dịch bệnh đã xóa sạch các làng, chỉ để lại một làng duy nhất là làng Le hôm nay…

Bất giác, tiếng hát trầm hùng ấy dừng lại, vì mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, đảng viên cao tuổi A Dói lại trầm ngâm. Theo lời ông kể, xưa kia người Rơ Măm luôn có quan niệm, ngọn núi phía trên là của trời, là nơi linh thiêng con người không với tới được; phía dưới thuộc về cõi âm, người dân không sống được và người Rơ Măm chỉ sống ở lưng chừng núi cao… Đó là sự phân định, một lời nguyền!

Thời đó, người Rơ Măm còn chưa biết nấu chín thức ăn, săn bắt hái lượm là chủ yếu. Đáng sợ hơn, hễ trong làng có người chết, gia đình đó sẽ bật nắp “quan tài” của dòng họ mình lên để đưa cái xác người mới chết đè lên những cái xác cũ. Chính vì thói quen “chôn chung mộ” cùng với việc ăn uống không hợp vệ sinh đã tạo nên một đại dịch khủng khiếp khiến người Rơ Măm đứng trên bờ vực “xóa sổ”…

Để tránh nạn “diệt vong”, năm 1976, được sự động viên khuyến khích của chính quyền và các chiến sĩ Bộ đội biên phòng, ông đã cùng 3 đảng viên khác rời khỏi ngọn núi Yang Sít để “hạ sơn” lập nên làng mới. Ngày ông thông báo ý định đưa bà con xuống núi, nhiều người sợ hãi bảo ông điên, sẽ bị Yàng trừng phạt vì dám động đến lời nguyền của tổ tiên. Phải mất một thời gian khá lâu, bà con mới chấp nhận “xuống núi lập làng”, tạo nên làng Le dưới chân núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray như ngày hôm nay.

Sau khi người dân xuống núi, ông đã cùng với các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng Mo Rai dạy cho người dân cách trồng lúa nước; trồng cây củ mì; nấu chín thức ăn và từ bỏ tập tục “chôn chung mộ” để tránh phát tán dịch bệnh. Đặc biệt, giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi về “lời nguyền” không được nuôi bò vốn đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay.

Khi chúng tôi hỏi những lớp đảng viên đời đầu của làng Le sức mạnh nào đã giúp các ông dám đi ngược lại “lời nguyền” của tổ tiên để đưa ra những quyết định táo bạo như vậy, họ chỉ cười và hướng lên bức ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trong ngôi nhà Rông: Vì sự tồn vong của dân tộc Rơ Măm, vì lời dạy của Cụ Hồ “Đảng viên phải tiên phong đi trước, gương mẫu nói điều hay, làm việc tốt” nên chúng tôi thực hiện thôi!

Trận chiến xóa bỏ những hủ tục

“Hạ sơn lập làng” và thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi thực sự là bước tiến chưa từng có trong tiền lệ của người Rơ Măm. Tuy nhiên, để người Rơ Măm thực sự bước qua bóng tối của u mê và hòa nhập cộng đồng, một cuộc cách mạng khác mà những đảng viên tiên phong của làng Le tiếp tục thực hiện đó chính là loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Đây được xem là cuộc chiến “sống còn” quyết định đến sự tồn vong dân tộc Rơ Măm.

Hướng về phía những ngọn núi cao, già làng A Blong bồi hồi nhớ lại: Những năm 1990 về trước, làng Le gần như là một “ốc đảo” biệt lập với thế giới bên ngoài. Cả làng gần như mù chữ, sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến nhiều câu chuyện bi thương. Thời đó, bà con luôn quan niệm ốm đau tại Yàng; ở đâu có người ốm là ở đó có ma. Phụ nữ đến ngày sinh nở là phải vào rừng “vượt cạn” một mình. Rùng mình nhất là tập tục “mẹ chết, con phải chôn theo”.

Chỉ tay về phía một thanh niên cường tráng, rắn rỏi, giọng ông vang ngân như tiếng gió đại ngàn: Nó là A Lương, ngày nó được sinh ra cùng là ngày mẹ nó qua đời. Theo phong tục, A Lương sẽ phải chôn theo mẹ. Một cuộc đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết kịch tính theo đúng nghĩa. Chỉ đến khi các chiến sĩ Biên phòng đưa A Lương về Đồn làm con nuôi thì “lưỡi hái tử thần” mới buông tha cho A Lương. Thấm thoát đã 22 năm trôi qua, A Lương giờ đã trưởng thành và là một công nhân cạo mủ cao su. Em luôn biết ơn những người đã tái sinh ra em lần thứ 2. Chỉ đôi mắt em vẫn ánh lên nỗi buồn, em chưa bao giờ được biết đến hơi ấm của vòng tay mẹ.

Đó vẫn chưa phải là cơn ác mộng của làng Le những năm về trước, mà theo già làng A BLong, nạn tảo hôn và tình trạng hôn nhân cận huyết mới là vấn nạn nhức nhối của làng Le. Minh chứng cho điều này, ông đã chỉ cho chúng tôi đến nhà của vợ chồng nhà A Then và Y Day.

Trong căn nhà cũ kỹ, không có gì đáng giá, người phụ nữ có tên là Y Day có dáng người khắc khổ, khuôn mặt sạm đen có phần già hơn rất nhiều so với năm sinh 1990 đang quát cậu bé A Thân đừng nghịch ngợm, phá phách lung tung. Gọi là “cậu bé” nhưng A Thân năm nay cũng đã ngót nghét 16 tuổi, do hệ lụy của hôn nhân cận huyết, hình hài và nhận thức của A Thân không hơn đứa trẻ lên ba. A Thân là đứa con đầu lòng của cuộc hôn nhân cận huyết giữa chị và chồng là A Then, họ vốn là anh em con chú bác ruột. Trong số 4 đứa con của vợ chồng chị, cả ba đứa lớn đều phát triển không bình thường.

Những cặp vợ chồng như A Then và Y Day không hiếm ở làng Le những năm về trước. Tình trạng hôn nhân cận huyết đã khiến người Rơ Mă đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi rất cao. Rất may, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và những đảng viên gương mẫu, đến nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt, những người trẻ hôm nay đã dựng vợ gả chồng với các dân tộc khác và sinh con đẻ cái thông minh, khỏe mạnh.

Chuyện về làng Le cứ trôi đi trong ánh chiều tà! Trong ánh lửa bập bùng bên bếp nhà Rông, những cây cổ thụ của cộng đồng người Rơ Măm như già làng A Blong, ông A Dói, A Ren, A Rói vẫn tiếp tục kể cho con cháu về sử thi người Rơ Măm. Trong câu chuyện đó, họ không quên căn dặn con cháu tuyệt đối phải từ bỏ những hủ tục; giữ gìn và phát huy những truyền thống độc đáo của dân tộc mình như "Thổi tai", "Ma chay", "Bỏ mả", "Lễ phát rẫy", "Trỉa lúa", "Mở kho lúa" và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như cồng chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi…

Còn đối với người Rơ Măm, những đổi thay của làng Le hôm nay giống như một câu chuyện cổ tích có hậu giữa vùng biên. Họ biết ơn Đảng, biết ơn những “bóng cây kơ nia” cổ thụ của làng như già làng A Blong, A Dói, A Rói… Họ đặt kỳ vọng về lớp đảng viên trẻ kế cận. Trong ánh lửa bập bùng nơi miền biên viễn, văng vẳng trong bốn bề không gian núi rừng là tiếng hát trong trẻo của một nàng sơn nữ: “Em hỏi cây kơ nia, gió mày thổi về đâu?/ Về phương mặt trời mọc/ Mẹ hỏi cây kơ nia, rễ mày uống nước đâu?/ Uống nước nguồn miền Bắc”…

Bách Hợp - Thanh Mai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-1-chuyen-co-tich-duoi-chan-nui-chu-gor-tong-chu-mom-ray-i305117/