Bài 1: Điệp khúc sửa rồi lại hỏng

Ngày 02/10/2023, Báo điện tử Xây dựng có bài 'Đồng bằng sông Cửu Long nên làm cầu cạn thay vì khai thác cát biển, tro xỉ để xây dựng đường cao tốc?'. Bài viết cho rằng, khi thực hiện dự án đường cao tốc thay vì khai thác cát biển, tro xỉ làm vật liệu thay thế, nhiều chuyên gia và nhà khoa học đang đề xuất phương án xây dựng cầu cạn vì lợi ích lâu dài và bảo vệ môi trường. Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc đồng ý với những đề xuất trên. Báo điện tử Xây dựng xin trở lại vấn đề.

Đường Hồ Chí Minh, đoạn huyện Năm Căn, Cà Mau thường xuyên xuống cấp.

Đường Hồ Chí Minh, đoạn huyện Năm Căn, Cà Mau thường xuyên xuống cấp.

Đường cao tốc, quốc lộ… đều xuống cấp

Trước đề nghị, thi công tuyến đường cao tốc bằng cầu cạn, nhiều ý kiến bổ sung thêm phải xây dựng tuyến quốc lộ cũng bằng cầu cạn. Thực tế, thời gian qua, nhiều tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cứ lặp lại điệp khúc “sửa rồi lại hỏng, hỏng rồi lại sửa”. Ngân sách tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả không cao. Các tuyến đường giao thông hết hạn bảo hành, ngân sách phải chi không ít cho việc duy tu, dặm vá. Sau mùa mưa, tiếp tục lại duy tu, dặm vá.

Sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đầy ổ voi, ổ gà sau mỗi mùa mưa. Ngày 12/01/2021, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khánh thành, sau 4 năm thi công. Dự án do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị quản lý dự án. Tổng vốn đầu tư là 6.355 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài 51km, được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận thành phố Cần Thơ với chiều dài 24,17km, 11km đường gom và 13 cầu và hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27km, có 9km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước. Điểm đầu của dự án tại Km 02+104.11, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, điểm cuối tại Km 53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đưa dự án này vào khai thác, giúp người dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang thuận tiện. Về lâu dài, tuyến đường này kết nối khu vực phía Tây của ĐBSCL, tạo thành tuyến trục thứ hai song song với Quốc lộ 1, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh có dự án đi qua nói riêng và các tỉnh khu vực sông Mê Kông nói chung. Cụ thể quy hoạch tổng thể, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành - Đất Mũi của đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi bị lún.

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi bị lún.

Đưa vào sử dụng không được lâu, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi xuống cấp kéo dài tiềm ẩn tai nạn giao thông. Mặt đường biến dạng. Hàng nghìn ổ voi, ổ gà đan xen như mặt sàng. Các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Theo người dân địa phương, đoạn hư hỏng nặng nhất là từ Quốc lộ 91 đấu nối vào cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống với chiều dài khoảng 2km. Mặt đường không còn chỗ nào lành lặn để các phương tiện di chuyển. Hàng nghìn xe khách, container, xe tải nhích từng chút, chông chênh, nghiêng lắc, xen giữa là những xe gắn máy, phương tiện thô sơ rất nguy hiểm. Tuyến đường này đang là hung thần với cánh tài xế, khi tình trạng xe bể vỏ, gãy nhíp xuất hiện rất thường xuyên.

Tương tự, tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn – Đất Mũi) khoảng 50km là nỗi ám ảnh của người dân địa phương và du khách. Sau mỗi cơn mưa hay những đợt thủy triều, một số đoạn, nước tràn lên mặt đường… Mặt đường bị lún, tạo thành nhiều “ổ gà, ổ voi”. Có những vị trí hư hỏng nặng rộng hơn 50cm, sâu khoảng 15-20cm, nước đọng thành vũng, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, nhất là vào ban đêm... Địa phương phản ứng, đơn vị duy tu sửa chữa rồi sau đó đường tiếp tục xuống cấp. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau xác nhận, tuyến đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Cà Mau thường xuyên được duy tu, sửa chữa, nhưng do lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng đông, bị tác động bởi triều cường, nền đất yếu nên vẫn xuống cấp nhiều đoạn. Trong năm 2022, Khu Quản lý đường bộ IV thuộc Cục Đường bộ đã thực hiện nâng cấp, chống ngập bảo đảm giao thông thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn - Đất Mũi chiều dài khoảng 12km, kinh phí trên 77 tỷ đồng. Đồng thời, xử lý chống ngập bảo đảm giao thông, đoạn từ km 2248+300 đến km 2249+656 thuộc địa phận huyện Ngọc Hiển có chiều dài 1,3km, kinh phí hơn 30 tỷ đồng.

Chờ vốn để tiếp tục vá đường

Trước việc dặm vá đường đã tốn nhiều kinh phí nhưng hiệu quả không cao nhưng một số địa phương tiếp tục chờ kinh phí để duy tu, sửa chữa. Quốc lộ 63 là con đường huyết mạch có từ trong chiến tranh, nối liền thị xã Cà Mau với huyện lỵ Thới Bình và huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang. Dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 63 có từ năm 2010 nhưng chờ vốn. Thế nhưng, vốn khó khăn nên chờ. Công trình xuống cấp. Địa phương đề nghị, đơn vị duy tu chấp vá cho có. Hiện nay, đường xuống cấp trầm trọng, mất an toàn cho người lưu thông.

Tương tự, đường hành lang ven biển phía Tây (gọi là đường Xuyên Á), có chiều dài 110km qua hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đưa vào sử dụng không được bao lâu. Tại đoạn huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Tuyến đường này được đưa vào sử dụng từ năm 2019, là tuyến giao thông huyết mạch nên có rất nhiều xe tải trọng lớn chạy qua và gần đây xuất hiện chi chít ổ gà. Qua nhiều lần sửa chữa, giặm vá mặt đường tiếp tục bong tróc, lởm chởm, xuất hiện nhiều ổ gà, dốc cầu không bằng phẳng, dễ gây ra tai nạn giao thông.

Tuyến Quốc lộ 63 xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến Quốc lộ 63 xuống cấp nghiêm trọng.

Quốc lộ 80 là tuyến đường quan trọng nối Kiên Giang với thành phố Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Thực trạng xuống cấp nghiêm trọng đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng việc khắc phục sửa chữa gần như làm cho có lệ, chỉ sau thời gian ngắn tuyến đường lại hư hỏng nặng. Theo người dân địa phương, chỉ khoảng 2 tháng trở lại đây, trên tuyến đường này đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 3 người thiệt mạng. Nguyên nhân là người chạy xe gắn máy sụp ổ gà ngã ra đường, xe cơ giới không xử lý kịp dẫn đến tai nạn thương tâm.

Nhận định của địa phương, việc sửa chữa, nâng cấp đường tốn nhiều kinh phí. Ngày 04/5/2021, Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án) thuộc Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thông xe tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 103km qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sau hơn một năm thi công. Việc thông xe tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp nhằm tạo thuận lợi cho người dân các tỉnh miền Tây đi lại, giảm áp lực vận tải và giảm tai nạn giao thông cho tuyến Quốc lộ 1, đồng thời rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí so với đi trên tuyến Quốc lộ 1. Trước đó, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đã xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng nặng, trở thành điểm đen về giao thông. Do đó, việc nâng cấp mở rộng tuyến đường từ 7m lên 9m tạo thuận lợi cho xe cộ lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên để nâng cấp và mở rộng phải cần số tiền lớn, dự án nâng cấp tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp giai đoạn 1 có tổng mức 900 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2 sẽ đầu tư thêm 300 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước qua các đoạn có đông dân cư như thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) và thị trấn Phước Long (tỉnh Bạc Liêu).

Khánh Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-1-diep-khuc-sua-roi-lai-hong-362318.html