Bài 2: Làm rõ nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm

Nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí đã được chỉ ra, từ nhận thức, trách nhiệm trong hành động, đến thiếu tiêu chí đánh giá, việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe… Từ đó, việc xác định rõ trách nhiệm để xử lý đang là vấn đề được đặt ra.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động sau 10 năm khởi công. Ảnh: Hải Linh

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động sau 10 năm khởi công. Ảnh: Hải Linh

Chế tài xử lý đã có nhưng tính răn đe chưa cao

Khi nói về nguyên nhân dẫn đến lãng phí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho rằng, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí (CLP) ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Cùng với đó, một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.

Đặc biệt, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Luật Thực hành tiết kiệm, CLP đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở, có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí, đó là Điều 179 tội thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, DN và Điều 219 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về CPL chưa cao.

Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra, trực tiếp và dễ nhận diện nhất là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn, đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý Nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất, đây là một trong những nội dung cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi các luật liên quan.

Từ thực tế, việc làm rõ nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục triệt để là vấn đề được đặt ra. Sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn, điều đó tiếp tục đòi hỏi sớm rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, các chính sách quản lý. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận), ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này Chính phủ đã trình rất nhiều nội dung, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công… hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc của các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở một số địa phương. Điều đó đã thể hiện tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, việc tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, những công trình có vướng mắc về mặt thể chế, để tháo gỡ, có thể ban hành các cơ chế đặc thù thí điểm đối với một số dự án cụ thể nhằm phát huy nguồn lực phát triển cũng là vấn đề cần quan tâm.

Phải có địa chỉ chịu trách nhiệm

Việc chỉ rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí là đòi hỏi từ thực tiễn. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), những con số biết nói về hàng trăm dự án, hàng trăm nghìn héc ta đất, hàng chục nghìn tỷ đồng bị lãng phí là một cảm giác rất xót xa. Tình trạng lãng phí đã xảy ra một thời gian dài mà chúng ta đều nhận định được, đều nhận thấy được, rất cần xử lý dứt điểm; mà để xử lý vụ việc này thì chúng ta phải chỉ rõ được trách nhiệm của ai, của cá nhân nào, của tổ chức nào.

Tại phiên họp tổ tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (ngày 26/10), nói về vấn đề CLP, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, rất bức xúc và có nhiều người bức xúc về tình trạng lãng phí. “Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ, Nhà nước, DN hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại” - Tổng Bí thư nói. Từ đó, theo Tổng Bí thư, phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước cấp như thế nào để lãng phí thế này? DN hay ai được cấp, tại sao không làm? Nếu không làm thì Nhà nước thu lại theo quy định. Nếu bảo "tôi đang làm nhưng vướng", thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó.

Trong kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 30/10), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. “Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân. Trước mắt, rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài của những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn…”- Tổng Bí thư nói.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Hữu Đông, trong báo cáo của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kết luận của Tổng Bí thư, trước mắt các cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý với Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (tại Hà Nam), dự án chống ngập do triều cường tại TP Hồ Chí Minh; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối vận hành. "Những dự án này phải làm rõ trách nhiệm, quan trọng nhất là định ra thời điểm để các dự án này đưa vào hoạt động, mang lại hiệu quả, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân"- ông Nguyễn Hữu Đông cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 6/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công gây lãng phí nguồn lực… Ngày 9/11, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu trong 6 tháng nữa, Bộ Y tế phải hoàn thiện cơ sở 2 của hai bệnh viện và đưa vào sử dụng.

Đây là những thông tin được dư luận, người dân rất đón nhận và mong chờ. Theo PGS.TS Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng), nhiều dự án tiền tỷ đắp chiếu, những khu nhà có giá trị lớn nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, thực sự gây lãng phí nguồn lực. Do đó, việc rà soát, làm rõ được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và thực hiện các giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm các tồn tại kéo dài, lãng phí lớn, cương quyết xử lý sai phạm nếu có là mong mỏi lớn của người dân và cử tri.

Một chuyên gia nước ngoài đã nhận định rằng lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người, khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, DN, bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương và đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa

(Còn nữa)

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-lam-ro-nguyen-nhan-chi-ro-trach-nhiem.html