Bài 2: Lúng túng và bị động

Lần đầu tiên chúng ta ban hành chương trình tổng thể và chương trình môn học trước khi biên soạn sách giáo khoa. Lần đầu tiên thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học... Những cái 'đầu tiên' ấy được người dân và cả người làm giáo dục trông chờ tạo chuyển biến căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai bộc lộ sự lúng túng và bị động, khiến nhiều chủ trương trong Nghị quyết 88 chưa thực hiện được.

Tránh “sách này học kỳ I, sách kia học kỳ II”

Nghị quyết số 88/2014/QH13 yêu cầu, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Đây được đánh giá là chủ trương đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu, trình độ của học sinh ở các vùng, miền. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt đối với biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa.

Đoàn giám sát tìm hiểu sách giáo khoa mới tại thư viện một cơ sở giáo dục. Ảnh: Nhật Linh

Đoàn giám sát tìm hiểu sách giáo khoa mới tại thư viện một cơ sở giáo dục. Ảnh: Nhật Linh

Theo tinh thần Nghị quyết 88, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh, sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh. Vì chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là học liệu và có thể có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, nên về lý thuyết, đối với mỗi môn học, giáo viên và học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều sách giáo khoa khác nhau để đạt yêu cầu quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Và như thế cũng không cần quy định các nhà trường phải chọn sách giáo khoa!

Tuy nhiên, hiện nay “mỗi bộ sách sắp xếp mạch kiến thức khác nhau; tiến trình nội dung bài học một số môn học có sự lệch nhau giữa các bộ sách. Điều này gây khó khăn cho giáo viên và học sinh khi sử dụng các sách giáo khoa khác nhau cũng như khi học sinh chuyển trường mà trường cũ và trường mới không học cùng một bộ sách”, NGƯT Phạm Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường liên cấp Everest (Hà Nội) phản ánh. Đây cũng là ý kiến Đoàn giám sát ghi nhận được tại nhiều cơ sở giáo dục cũng như nhiều địa phương. “Nội dung chi tiết, cấu trúc từng bài có thể khác nhau nhưng cấu trúc chung của các bộ sách phải giống nhau, tránh tình trạng cùng một bài học, sách này học ở học kỳ I, sách kia học ở học kỳ II”, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp góp ý.

Việc hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. “Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được điều kiện này”, báo cáo giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận.

“Tôi muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ quyết tâm của chúng ta đến đâu, đổi mới đến mức độ nào, tức là đổi mới triệt để đến mức học sinh đến lớp cầm đúng sách của lớp đấy, của môn đấy, học vào giờ đấy của thầy cô là được; hay cứ phải trong lớp thống nhất một bộ sách, trong trường thống nhất một bộ sách, trong tỉnh thống nhất một bộ sách”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm đề nghị.

Áp lực chọn sách giáo khoa

Nghị quyết 88 quy định: Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm “hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông”. “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021, thực hiện theo Nghị quyết 88, việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của cơ sở giáo dục phổ thông. Sau đó, thực hiện quy định tại Luật Giáo dục 2019, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa các lớp còn lại để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Tuy nhiên, như Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nhận xét, việc chọn sách giáo khoa hiện nay có gì đấy hình thức. “Các trường hiện nay có xu thế phải gò, lớp 1 chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo”, lớp 2 vẫn “Chân trời sáng tạo”, lớp 3 cũng vậy cho đến hết cấp. Thành ra chọn sách giáo khoa chỉ chọn ở năm lớp đầu tiên, các năm sau đi theo luồng đấy; và nhiều địa phương chỉ chọn một bộ sách thực hiện chung trên địa bàn cả tỉnh”. Theo tổng hợp của Đoàn giám sát, có 14/24 tỉnh chỉ chọn 1 bộ sách giáo khoa cho lớp 1; 39/63 tỉnh, thành phố chọn 1 bộ sách giáo khoa cho lớp 2; 31/63 tỉnh, thành phố chọn 1 bộ sách giáo khoa cho lớp 6.

Giáo viên tại các cơ sở giáo dục thì phản ánh, việc chọn sách giáo khoa rất vất vả vì rơi vào cuối năm học, trùng với thời gian kiểm tra, đánh giá học sinh. “Thời gian cơ học tưởng là dài nhưng thực tế không có nhiều. Giáo viên không thể đọc nghiên cứu kỹ các bộ sách để chọn trong thời gian ngắn”, cô Phạm Thị Hồng Lĩnh, giáo viên lớp 1 Trường liên cấp Everest, cho biết. Đấy là cô Lĩnh và các đồng nghiệp còn may mắn khi có một thầy giáo trong trường thuộc nhóm tác giả bộ sách Cánh Diều nên được cũng cấp bản pdf từ rất sớm và Everest là một trong số rất ít trường được tiếp cận sách mẫu.

Tích mà không hợp

Môn học tích hợp ở bậc THCS được coi là điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng giám sát tại hầu hết cơ sở giáo dục cũng như qua phản ánh từ nhiều kênh dư luận cho thấy, việc tổ chức triển khai môn học này gặp khó khăn, ngay từ khâu viết sách giáo khoa.

Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là môn học mới nhưng sách giáo khoa của 2 môn tích hợp này có vẻ chỉ là phép cộng của các phân môn là Lý, Hóa, Sinh (Khoa học tự nhiên) và Lịch sử, Địa lý (môn Lịch sử và Địa lý). Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên được viết thành các chủ đề hoặc chương. Chương này có thể là Lý, chương sau sẽ là Hóa, chương sau nữa là Sinh. “Trong từng chương và trong từng bài học không có sự tích hợp kiến thức Lý, Hóa, Sinh như kỳ vọng mà là thuần túy kiến thức của phân môn”.

Môn Lịch sử và Địa lý thì mở sách giáo khoa ra đã thấy ngay hai phần riêng biệt: Lịch sử (nửa trước) và Địa lý (nửa sau). Cuối sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 7 có hai chủ đề chung là Các cuộc đại phát kiến địa lý; Đô thị: Lịch sử và hiện tại, có hơi hướng tích hợp. “Nhưng thú vị ở chỗ: “phát kiến địa lý” thì giáo viên Sử dạy thích hợp hơn giáo viên Địa; “lịch sử đô thị” thì giáo viên địa thuận tay hơn giáo viên Sử”, thầy Nguyễn Xuân Khang nhận xét.

Đau đầu hơn nữa là hiện nay chưa có giáo viên dạy môn tích hợp được đào tạo bài bản. Vì vậy, mỗi trường triển khai dạy môn học tích hợp mỗi khác. Trường thì bố trí giáo viên được đào tạo đơn môn qua tập huấn dạy thêm các phân môn còn lại (giáo viên Lý học thêm Hóa, Sinh; giáo viên Hóa học thêm Lý, Sinh; giáo viên Sinh học thêm Lý, Hóa); trường thì bố trí 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, 2 giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý (chủ đề thuộc nội dung nào giáo viên có chuyên môn ở nội dung đó sẽ thực hiện hết chủ đề liên tục).

Câu hỏi đặt ra là, với cách phân công như vậy, chất lượng dạy học các môn tích hợp có bảo đảm không? Nhiều lãnh đạo nhà trường cho biết, chỉ tập huấn cấp tốc mấy tháng là chưa đủ, phải đào tạo lại ít nhất 1 năm để giáo viên thấu hiểu chương trình. Còn với tình trạng hiện nay, giáo viên dạy trái môn rất vất vả và mất tự tin khi đứng lớp. “Việc nhận xét, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng khó toàn diện, triệt để khi có nhiều hơn một giáo viên cùng giảng dạy một môn nhưng lại chỉ có một bài kiểm tra, đánh giá chung”, cô Lê Thị Tượng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Chương Mỹ, Hà Nội) nói.

Nguyên Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bai-2-lung-tung-va-bi-dong-i339886/