Bài 2: Xộc xệch phần 'xác' lắt lay phần 'hồn'

Tiền điện, tiền nước, tiền internet; tiền thuê người trông coi, quét dọn, nhà văn hóa..., những thứ tưởng như rất nhỏ nhưng không tìm được nguồn chi. Bên cạnh đó, việc khai thác, vận hành để phát huy hết giá trị công trình nhà văn hóa sau đầu tư cũng là bài toán khó đối với các địa phương.

Thiếu nhà văn hóa đương nhiên bất cập nhưng nhiều thôn có nhà văn hóa mà dùng “được chăng hay chớ”. Tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền thuê người trông coi, quét dọn... là những khoản cần thiết để duy trì hoạt động của nhà văn hóa thường xuyên. Những tưởng chúng rất nhỏ nhưng nhiều thôn không tìm được nguồn chi trả. Bên cạnh đó, việc khai thác, vận hành các trang thiết bị của nhà văn hóa để phát huy hết giá trị sau đầu tư cũng là “bài toán khó” đối với các địa phương. Chính vì thế, nhiều nhà văn hóa thôn đang trong tình cảnh xộc xệch phần "xác", lắt lay phần "hồn".

Nhà văn hóa thôn Bảo Lộc 1, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) được xây dựng năm 2022 từ nguồn ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng. Nhà văn hóa được hình thành trên khuôn viên hơn 1.400m2, trong đó diện tích xây dựng là hơn 500m2, gồm một hội trường lớn, có bàn, ghế, loa đài, bục bệ. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, nhân dân trong thôn còn lợp một mái tôn bên đầu đốc nhà để làm nơi để xe; trang bị ghế đá, camera giám sát; trồng cây xanh… với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Bảo Lộc 1 (xã Võng Xuyên) Đoàn Văn Lưu cho biết, không chỉ là nơi hội họp, từ khi có nhà văn hóa, có 15 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa mới đã diễn ra ở đây, nhân dân rất phấn khởi. Thế nhưng, theo quy định, nhà văn hóa thôn không có chức năng tổ chức tiệc cưới. Trong khi đó, kinh phí để hỗ trợ cho nhà văn hóa hoạt động là chưa có. “Mỗi năm, thôn phải chi gần 3 triệu đồng tiền internet không dây (wifi), 5 triệu đồng tiền điện và nước. Không có chi phí thuê người trông nom, quét dọn nên Ban chủ nhiệm nhà văn hóa gồm các ông bà là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, trưởng các hội đoàn thể phải tự xoay xở”, ông Lưu nói.

Các nhà văn hóa trên địa bàn thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố Tây Sơn Bùi Hồng Sáu kể: “Tổ dân phố có 530 hộ dân. Trước đây, ngân sách huyện Đan Phượng bố trí hỗ trợ cho chúng tôi 5 triệu đồng/năm để vận hành nhà văn hóa. Nguồn kinh phí này chúng tôi chi cho người trông nom, quét dọn, tiền điện, nước hằng tháng, chăm sóc hoa và cây xanh, thay thế sửa chữa nhỏ những trang thiết bị hư hỏng… Nhưng hiện nay không còn nguồn hỗ trợ này nữa”.

Nhà văn hóa phố Phan Đình Phùng, thị trấn Phùng đang thiếu thốn cơ sở vật chất. Ảnh: Hữu Tiệp

Nhà văn hóa phố Phan Đình Phùng, thị trấn Phùng đang thiếu thốn cơ sở vật chất. Ảnh: Hữu Tiệp

Nhà văn hóa thôn Lũng Vị đã bị xuống cấp về mọi mặt. Ảnh: Nguyễn Mai

Nhà văn hóa thôn Lũng Vị đã bị xuống cấp về mọi mặt. Ảnh: Nguyễn Mai

Nhà văn hóa dột nát, ẩm mốc là hiện trạng chung ở các thôn hiện nay. Ảnh: Hữu Tiệp

Nhà văn hóa dột nát, ẩm mốc là hiện trạng chung ở các thôn hiện nay. Ảnh: Hữu Tiệp

Về những khó khăn đang gặp phải, Trưởng thôn Lũng Vị (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) Phan Ngọc Quyết giãi bày: “Phục vụ công tác chuyển đổi số cho nông thôn, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đề xuất miễn phí hỗ trợ thôn lắp đặt mạng internet không dây. Tuy vậy, mỗi tháng chúng tôi sẽ phải chi trả khoảng 200.000 đồng tiền thuê bao. Việc này, tôi phải xin ý kiến tập thể thôn mới dám quyết. Thôn không có nguồn nào để chi hợp lý, lắp xong sợ không có tiền trả hằng tháng. Ở đây, cũng không có người mở cửa thường xuyên nên mỗi khi sử dụng nhà văn hóa, các hội, đoàn thể phải qua nhà đồng chí trưởng thôn để lấy chìa khóa. Dùng xong, nhà văn hóa lại “cửa đóng, then cài”…”.

Vừa tập thể dục ngay trên đường giao thông trước nhà, chị Lê Thị Phượng, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ vừa than thở: “Chúng tôi rất muốn có nơi tập thể dục, thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe, nhưng chẳng biết tập ở đâu. Thôn có nhà văn hóa nhưng chỉ dùng để hội họp, không có không gian hay thiết bị để người dân tập thể dục hay chơi thể thao. Các cháu thiếu nhi đang trong kỳ nghỉ hè, phụ huynh rất muốn cho các cháu tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí tập thể hoặc đọc sách, truyện… để chúng bớt sử dụng điện thoại thông minh và chơi trò chơi điện tử, nhưng cũng không thấy nhà văn hóa thôn tổ chức”.

Thôn có nhà văn hóa nhưng chỉ dùng để hội họp, không có không gian hay thiết bị để người dân tập thể dục hay chơi thể thao. Ảnh: Nguyễn Mai

Thôn có nhà văn hóa nhưng chỉ dùng để hội họp, không có không gian hay thiết bị để người dân tập thể dục hay chơi thể thao. Ảnh: Nguyễn Mai

Nhà văn hóa thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Mai

Nhà văn hóa thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Mai

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, vấn đề nan giải để duy trì hoạt động nhà văn hóa thôn là người vận hành. Đa số Ban chủ nhiệm nhà văn hóa chưa qua bồi dưỡng, chỉ dựa vào kinh nghiệm nên hoạt động còn hạn chế về nghiệp vụ, nhất là lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Trong khi đó, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở có mặt còn hạn chế. Một số địa phương bố trí cán bộ chưa phù hợp nên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chưa hiệu quả.

Ngoài ra, những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, như điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi kết nối internet... và các hình thức giải trí sôi động khác đã hạn chế việc phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nói chung, đặc biệt là ở các đô thị phát triển, gây ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư lâu dài.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, trên địa bàn huyện có 163 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà hội họp, trong đó, mới có 155 nhà văn hóa thành lập được Ban chủ nhiệm, 8 nhà văn hóa chưa có. Ban chủ nhiệm hầu hết đều là cán bộ của thôn, kiêm nhiệm nhiều vai trò, nên khó thường xuyên có mặt tại nhà văn hóa. Vì vậy, công tác quản lý cũng như việc phát huy tối đa công năng của thiết chế này ở thôn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thành phố hiện chưa có trợ cấp cho việc trông nom, quản lý nhà văn hóa thôn. Ban Chủ nhiệm làm việc trên tinh thần tự nguyện là chính. Do đó, phải là người tâm huyết, say mê “vác tù và” mới có thể khởi xướng, duy trì, phát huy được các hoạt động tại nhà văn hóa.

Gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã của huyện Sóc Sơn đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang đưa vào khai thác, vận hành hiệu quả. Ảnh: Mai Nguyễn.

Gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã của huyện Sóc Sơn đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang đưa vào khai thác, vận hành hiệu quả. Ảnh: Mai Nguyễn.

Để tháo gỡ khó khăn và phát huy hết những giá trị thiết thực, các thiết chế văn hóa thôn, tổ dân phố cần được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí hoạt động; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa để huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội cho việc xây dựng và tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần có chính sách thu hút, xây dựng lực lượng cộng tác viên quần chúng (ngoài biên chế) có tài năng, tâm huyết tham gia các hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao; có các chương trình tập huấn nghiệp vụ cho Ban chủ nhiệm các nhà văn hóa…

Rõ ràng, khó khăn sẽ còn tồn tại nếu những chủ nhân thực sự của các thiết chế văn hóa không bắt tay nhau để cùng tháo gỡ. Có nhà văn hóa rồi mà hoạt động không hiệu quả thì thực sự là một sự lãng phí lớn.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-2-xoc-xech-phan-xac-lat-lay-phan-hon-674471.html