Bài 3: Nên để một đầu mối quản lý, điều hành (Tiếp theo và hết)

Tình trạng thiếu xăng, dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, thành phố kéo dài trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế nhưng do hiện nhiều bộ, ngành cùng quản lý mặt hàng xăng, dầu nên quả bóng trách nhiệm trong quản lý kinh doanh, cung ứng xăng, dầu cứ đẩy tới, đẩy lui giữa các đơn vị, đặc biệt là giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sẽ giao một bộ duy nhất để quản lý toàn diện về xăng, dầu.

Quản lý, điều hành ở tình trạng cắt khúc

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu đã quy định rõ trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan. Theo đó, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 5 bộ, ngành, đơn vị và chính quyền 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng tham gia quản lý, cung ứng xăng, dầu. Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm chính quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của doanh nghiệp... Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý về giá, cách tính các loại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy về cảng, premium trong nước (khoản chênh lệch so với giá thế giới), thuế phí liên quan, hướng dẫn việc quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu... Bộ Giao thông vận tải bảo đảm lưu thông; quản lý chất lượng xăng, dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) chủ trì, phối hợp công tác phòng, chống buôn lậu trong lĩnh vực xăng, dầu. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cấp phép và quản lý trực tiếp hệ thống tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu...

Tăng cường nhập dầu thô để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: HIỀN ANH

Tăng cường nhập dầu thô để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: HIỀN ANH

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng, dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới. Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những đứt gãy cục bộ trong chuỗi cung ứng xăng, dầu kéo dài vừa qua cho thấy cơ quan điều hành cần thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm về công tác quản lý, điều hành giá và bảo đảm nguồn cung để có sự điều chỉnh phù hợp. PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, khả năng phối hợp và điều hành thị trường xăng, dầu của liên Bộ Công Thương-Tài chính chưa thực sự hiệu quả, còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, khiến cho doanh nghiệp gặp khó, thị trường thiếu nguồn cung cục bộ. Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhìn nhận, hiện công tác quản lý, điều hành xăng, dầu đang trong tình trạng cắt khúc, không hợp lý. Bộ Công Thương thì điều hành giá nhưng Bộ Tài chính lại làm mỗi nhiệm vụ tính toán và công bố chi phí lưu thông định mức, xong hai bộ cứ chờ nhau, rồi mới công bố giá cơ sở. “Nếu vẫn để cả hai bộ cùng điều hành giá như trước đây sẽ vừa chậm, vừa khó phân định trách nhiệm khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu rõ.

Nên giao một đầu mối điều hành, quản lý xăng, dầu

Thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có nhiều đề xuất khác nhau về điều hành xăng, dầu. Trong khi Bộ Công Thương đề xuất nhiều phương án và phân công chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành thì Bộ Tài chính lại đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá cho Bộ Công Thương.

Quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP theo hướng giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý về xăng, dầu. Bộ Tài chính nêu rõ, việc phân tán quản lý như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá. Việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng, dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân. "Việc giao toàn bộ công tác điều hành giá về một đầu mối và tính toán các chi phí kinh doanh xăng, dầu cho Bộ Tài chính chủ trì là không phù hợp", Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Ngược lại, trước đây, Bộ Công Thương đã có đề xuất giao đầu mối quản lý xăng, dầu về Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tại dự thảo lần 2 tờ trình trình Thủ tướng về sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng việc quản lý nhà nước với mặt hàng này vẫn cần sự tham gia, phối hợp của các bộ theo từng lĩnh vực. Theo đó, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên như cách điều hành hiện nay, tức sẽ có nhiều bộ ngành tham gia, trong đó Bộ Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của Bộ Tài chính, các bộ khác theo chức năng quản lý nhà nước với mặt hàng này, nhưng sẽ làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành. Lý do được Bộ Công Thương cho phương án này là để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các bộ đang được Chính phủ phân công, đồng thời nhằm bảo đảm có sự tính toán, giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan, minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ từ Bộ Tài chính.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất chuyển quản lý xăng, dầu về một đầu mối bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành. Điều này cũng phù hợp với định hướng trong việc sửa đổi Luật Giá. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi) theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý giá. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, phương án hiệu quả nhất là chúng ta giao về một đầu mối là Bộ Công Thương. Bởi hiện nay bộ này đang làm nhiệm vụ từ quy hoạch sản xuất, kinh doanh xăng, dầu, xây dựng hệ thống, quy hoạch cầu cảng, kho bãi; điều hòa cung cầu, theo dõi thị trường thế giới và trong nước. Có cùng quan điểm, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính là giao việc điều hành giá xăng, dầu về cho Bộ Công Thương, để thống nhất một đầu mối quản lý. Bởi giá của những mặt hàng mang tính đặc thù Nhà nước hiện đang quản lý như giá xăng, dầu, giá vật tư y tế... sẽ do các cơ quan chủ quản xây dựng và quyết định. Nhìn ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng vấn đề không phải là giao cho ai mà cần làm rõ trách nhiệm của mỗi bên, đặc biệt là quy định rõ, tránh sự đùn đẩy hoặc chậm trễ khi thị trường biến động như kinh nghiệm từ đợt điều hành xăng, dầu vừa qua.

Thực tiễn bất ổn thị trường xăng, dầu thời gian qua đòi hỏi cần cấp bách sửa đổi cơ chế quản lý, điều hành cho phù hợp với tình hình, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-3-nen-de-mot-dau-moi-quan-ly-dieu-hanh-tiep-theo-va-het-719308