Bài 3: Những cung đường cao tốc mở ra cơ hội mới

Thi công '3 ca, 4 kíp', 'vượt nắng, thắng mưa', 'ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương', phấn đấu thông xe vào dịp 30/4/2025 kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đây là những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây để dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Những ngày này, trên công trường, các đơn vị thi công cũng đang chạy nước rút để dự án sớm hoàn thành. Hình hài một cao tốc huyết mạch 'băng núi', 'xuyên rừng' đang dần hiện rõ, mở ra không gian phát triển rộng lớn.

"Vượt nắng thắng mưa", quyết tâm vượt tiến độ

22 giờ đêm, nằm giữa lõi rừng An Mã (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), công trường thi công khu vực cầu An Mã 2 vẫn rực sáng ánh đèn, tiếng máy khoan, máy cẩu hoạt động ồn ã giữa núi rừng đang lất phất mưa nhẹ. Trên bản mặt cầu An Mã 2, hàng chục công nhân lành nghề vẫn đang miệt mài đan sắt cho kịp giờ đổ bê tông. Cách đó không xa, trên vách núi, những công nhân khác cũng đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống lưới bảo vệ, tránh đất đá rơi xuống bảo vệ công trường thi công. Trên đường gom phụ vụ thi công, những chiến dầm cầu nặng cả trăm tấn cũng đang được vận chuyển đến chân công trình chờ giờ lắp ghép.

Thượng tá Nguyễn Văn Tươi, Phó Giám đốc Ban điều hành Công ty Trường Sơn 6, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (đơn vị thầu thi công cầu An Mã 2) cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, đơn vị đã bố trí công nhân thực hiện tăng ca hằng ngày đến 23h đêm. Những hôm thực hiện lao dầm thì công việc có thể diễn ra đến 2 giờ sáng.

Ngày cũng như đêm, không lúc nào vắng bóng công nhân trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Ngày cũng như đêm, không lúc nào vắng bóng công nhân trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình, Hà Tĩnh.

"Thời điểm này đã bước vào mùa mưa, thời tiết rất thất thường. Tuy nhiên, chỉ cần có thể làm được là chúng tôi sẽ tận dụng thời gian để thi công, chỉ nghỉ khi trời mưa quá lớn, không đảm bảo. Toàn bộ cán bộ, công nhân đều dựng lán ở tại chân công trình, công ty cũng thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động khi phải làm thêm giờ, tăng lương vào các ngày nghỉ, dịp lễ, Tết. Vì cầu An Mã 2 nằm trong lõi rừng, điều kiện kỹ thuật để đáp ứng thi công rất khó khăn, thế nhưng phải bắt buộc sớm hoàn thành cầu An Mã 2 thì mới đảm bảo tiến độ thi công toàn tuyến của dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ. Chính vì thế, cán bộ, công nhân viên công ty đều quyết tâm bám sát công trường, có những người đã 3, 4 tháng chưa về thăm nhà", Thượng tá Nguyễn Văn Tươi cho biết.

Cách công trường cầu An Mã 2 khoảng chừng hơn 10km, công trường đắp nền do nhà thầu Tập đoàn Trường Thịnh thi công cũng đang rộn ràng tiếng máy. Vì đang là mùa mưa nên các đơn vị thi công phải tranh thủ bất kỳ thời điểm nào thời tiết phù hợp để thi công, đặc biệt đối với các đoạn tuyến đang trong giai đoạn đắp nền. Giám đốc điều hành của Tập đoàn Trường Thịnh Lê Đình Anh cho hay, theo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nên nhà thầu cũng bố trí "tăng ca, tăng kíp", huy động các nguồn lực máy móc phụ vụ thi công để bù lại những thời điểm thời tiết bất lợi. "Ngoài việc bổ sung thiết bị, nhân lực, cán bộ kỹ thuật, Tập đoàn Trường Thịnh đã bố trí tăng giờ làm thông trưa, ăn ở tại công trường. Buối tối sẽ tăng ca đến khoảng 22h. Khu vực này nằm ở giữa rừng nên buổi tối, cứ chỗ nào sáng đèn là chỗ đó các nhà thầu vẫn đang triển khai thi công", ông Lê Đình Anh cho hay.

Đưa chúng tôi thực tế công trường vào ban đêm trên tuyến dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ (dài hơn 62km từ Quảng Bình sang Quảng Trị), Phó trưởng Phòng Điều hành dự án 4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Lê Văn Long cho biết, đặc thù thời tiết của vùng đã bước vào mùa mưa, tuy nhiên trên toàn tuyến, chủ đầu tư vẫn yêu cầu các nhà thầu duy trì hơn 1.500 công nhân thường xuyên ăn ở tại công trường để có thể thi công bất cứ khi nào thời tiết nắng ráo. "Sản lượng thực hiện của toàn bộ gói thầu này là gần 3,6 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, các khối lượng chính như nền đường đã hoàn thiện đạt hơn 82%, móng đường đã hoàn thành đạt gần 79%, triển khai thi công các cầu có mặt bằng được 29/29 cầu. Triển khai thi công theo hình thức cuốn chiếu nên nhiều đoạn hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành thảm xong lớp nhựa cuối cùng, đã có thể đưa vào sử dụng. Do vẫn còn một số điểm chưa được bàn giao mặt bằng, nên nếu đảm bảo bàn giao mặt bằng trong tháng 11 này thì chúng tôi tự tin có thể hoàn thành theo đúng tiến độ mà Thủ tướng đặt ra", ông Long khẳng định.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn này có tổng chiều dài tuyến 35,28km trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nên Ban quản lý đang đặt ra mục tiêu vượt tiến độ. Trưởng phòng Điều hành dự án 3, Giám đốc Quản lý dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi Hoàng Chiến Thắng cho biết, dự án được khởi công từ ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành tháng 10/2025, đến nay khối lượng hoàn thành đã đạt hơn 80%, thậm chí có những đoạn đã vượt 90% khối lượng. "Lúc cao điểm, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu đẩy mạnh tiến độ làm ngày, làm đêm. Các đơn vị thi công đã phải huy động thêm xe cơ giới từ Thanh Hóa, Nghệ An vào để chở vật liệu đắp nền.

Hiện nay, do đang là mùa mưa nên việc thi công có chậm hơn, nhưng làm cuốn chiếu nên nhiều đoạn đã thảm lớp cuối cùng, chỉ còn gia cố lề nữa là xong. Trên toàn tuyến cũng còn 3 điểm đang phải chờ lún, khiến tiến độ có chậm lại đôi chút. Nhưng chúng tôi cùng các nhà thầu đang quyết tâm và kỳ vọng sẽ có thể vượt tiến độ hơn 6 tháng so với mục tiêu đặt ra", ông Hoàng Chiến Thắng cho biết.

Đường mở đến đâu, kinh tế sẽ phát triển đến đó

Kinh tế xã hội sẽ được thúc đẩy phát triển và diện mạo tỉnh Hà Tĩnh sẽ có có nhiều thay đổi. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải tự tin khi đề cập đến việc chỉ trong thời gian ngắn nữa, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thông tuyến và đưa vào sử dụng. "Cao tốc Bắc - Nam là huyết mạch, tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh nói chung, chứ không chỉ riêng Hà Tĩnh. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cao tốc Bắc - Nam sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại, rút ngắn thời gian kết nối với cảng Vũng Áng", Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đánh giá.

Theo ông Võ Trọng Hải, hiện nay Hà Tĩnh đang có quy hoạch hàng loạt khu công nghiệp như khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Gia Lách, khu công nghiệp Bắc thành phố… có nút giao ngay với đường Hàm Nghi. Khi hoàn thành, cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp rút ngắn thời gian kết nối với khu kinh tế Vũng Áng xuống chỉ còn 15 phút. Hàng hóa vận chuyển đến cảng Vũng Áng để xuất khẩu rất thuận lợi. Cao tốc Bắc - Nam còn giúp kinh tế Hà Tĩnh kết nối được với kinh tế các vùng, giữa các tỉnh trong khu vực. Hàng hóa của các địa phương lân cận chạy vào cảng Vũng Áng cũng thuận tiện hơn, rút ngắn được nhiều thời gian.

Kinh tế phát triển, Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh được thu hút đầu tư và người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông hiện đại. Cao tốc Bắc - Nam chủ yếu chạy ở khu vực miền Tây của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng còn khó khăn, nay sẽ được hưởng lợi từ hệ thống giao thông hiện đại. "Phải nói một cách khách quan là hệ thống giao thông đi đến đâu thì sẽ kéo theo sự phát triển đến đó.

Không có hạ tầng thì làm sao kinh tế xã hội phát triển được. Trong khi đó, cao tốc Bắc - Nam chủ yếu chạy qua khu vực phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, đây là những vùng còn nhiều khó khăn. Có hạ tầng thì người dân không thể lạc hậu được. Điều này đã chứng minh rất rõ qua việc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh chạy chủ yếu qua các vùng sâu, vùng xa của các tỉnh, từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, từ kinh tế cho đến tư duy của người dân dọc theo trục đường này đã đổi mới rất nhiều", Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phân tích.

Không chỉ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa cũng là một địa phương có hơn 100km đường cao tốc Bắc - Nam đi qua. Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa từng chia sẻ: Tuyến cao tốc này đã và đang tạo động lực quan trọng, mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội cho địa phương. Từ ngày tuyến cao tốc (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu) thông xe, đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 66 dự án (49 dự án đầu tư trong nước, 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 15.200 tỷ đồng và hơn 276 triệu USD. Một số dự án lớn có thể kể đến như: Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (tổng vốn đầu tư hơn 868 tỷ đồng); Dự án sân golf tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (tổng vốn đầu tư 1.616 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (tổng vốn đầu tư 996 tỷ đồng)...

Không chỉ thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông còn đang tạo cú hích cho ngành du lịch xứ Thanh cất cánh. Riêng quý I/2024, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa đạt hơn 2,5 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Khách quốc tế cũng tăng tới 11%. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước…

Phan Hoạt-Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/bai-3-nhung-cung-duong-cao-toc-mo-ra-co-hoi-moi-i751622/