Bài 5: Nhận diện, nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới
'Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ'.
Khẳng định trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 cũng là một trong những nội hàm căn cốt để nhận diện nền văn hóa mới của thời kỳ kháng chiến kiến quốc, từ sự lan tỏa của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
“Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, giữa bộn bề công việc, bộn bề khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt tới văn hóa. Người cho rằng: văn hóa không tách khỏi sự nghiệp cách mạng. Quán triệt tư tưởng của Đề cương văn hóa, Người đề ra khẩu hiệu: “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”. Theo đó, văn hóa được coi như một mặt trận, một động lực và mục tiêu của cuộc kháng chiến. Văn hóa trở thành nội dung đồng hành của sự nghiệp kháng chiến.
Bước sang năm thứ hai của kháng chiến chống thực dân Pháp, trong ba ngày (từ ngày 3 đến 6/4/1947), Hội nghị cán bộ Trung ương của Đảng đã ra nghị quyết, bổ sung và phát triển đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa ra chủ trương về văn hóa: “Động viên tất cả giới trí thức, văn nghệ tham gia kháng chiến dùng các nhà trí thức văn hóa, chuyên môn vào các ngành công tác như quân giới, quân y, giáo học, tuyên truyền kháng chiến… năng dùng những hình thức tuyên truyền, thông tin dân dễ cảm và dễ hiểu… Vừa kháng chiến, dân tộc ta vừa dựng nên một nền văn hóa mới, có tính chất hợp với tinh thần dân tộc độc lập, hợp với khoa học, tiến bộ, hợp với tính tình và trình độ của đông đảo quần chúng nhân dân”.
Và trên thực tế, trong những năm tháng ấy, từ việc đắm chìm trong những ngổn ngang, chán chường, bi lụy, giới trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam, từ việc bắt gặp ánh sáng của Đề cương Văn hóa, đã hăng hái, nhiệt thành đi theo cách mạng và kháng chiến. “Những ngày tháng Tám, chúng ta bước từ một thời đại lịch sử sang một thời đại mới. Hàng chục triệu con người ra khỏi những khoảng đêm đẫm máu, rỏ nước mắt khóc, vui sướng ôm lấy nhau, quàng nhau dưới bóng cờ đỏ, vùng dậy trước mũi súng ngơ ngác của tụi phát xít Nhật. Mỗi người chúng ta không còn yếu ớt riêng lẻ. Chúng ta đã tìm thấy bao trùm lên chúng ta, bao trùm lên gia đình làng xóm chúng ta còn cái lớn lao chung: Ấy là dân tộc”, nhà văn Nguyễn Đình Thi - một trong những lớp nghệ sĩ hăng hái “nhận đường” thuở ấy viết. Cũng Nguyễn Đình Thi, trong bài Nhận đường đã khẳng định: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta”.
Và cũng từ sự nhận đường ấy, văn hóa Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến. Trên phạm vi cả nước đã nhanh chóng xuất hiện phong trào “Văn hóa hóa kháng chiến” và “Kháng chiến hóa văn hóa”. Nội dung của Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) trong hoàn cảnh mới của cách mạng nước ta đã được triển khai sâu rộng.
Ngày 15/7/1948, ngay trước ngày khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trong đó nhấn mạnh: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được xem là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa thời kháng chiến chống Pháp. Hội nghị đã vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm của công tác văn hóa, đoàn kết các hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong hình hình mới.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, con số văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến thời ấy khá đông, có tới hàng trăm con người ở khắp các chiến trường từ Việt Bắc qua Khu 5, Khu 4 cũ, vào mãi miền Đông, miền Tây Nam Bộ và lên tận Tây Nguyên. Xóm Chòi (Đại Từ, Thái Nguyên) đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người cầm bút kháng chiến. Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Lưu Trọng Lư, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân, Nguyên Hồng... là một số trong số những tên tuổi lớn đã đi theo tiếng gọi của cách mạng, lao mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp.
“Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”
Ngày 7/10/1945, tới dự Triển lãm Văn hóa, trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt đề cao sức mạnh văn hóa. Người nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cần phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện để phát triển được”.
Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa xác định nội hàm của nền văn hóa mới. Theo đó, Người mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; học tập cái hay của văn hóa Đông - Tây để tạo ra một nền văn hóa thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ; phải làm cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; phải làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Cũng tại Hội nghị này, Người khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
Gần 4 thập kỷ sau đó, trong bài phát biểu 40 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (27/12/1983), đồng chí Trường Chinh - tác giả của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khẳng định: “Một nền văn hóa dân tộc mà không có tính khoa học và tính nhân dân thì có thể vì quyền lợi ích kỷ và hẹp hòi của dân tộc mình mà đi ngược lại bước tiến hóa của lịch sử, cố níu lấy những cái cổ truyền đã lỗi thời của dân tộc mình mà không đặc biệt chú ý đến nguyện vọng thiết tha của công, nông là đa số người cần cù và yêu nước nhất trong dân tộc.
Văn hóa có tính khoa học mà không mang tính dân tộc và tính nhân dân thì rất có thể phục vụ khoa học của kẻ địch, đem lợi ích của mình phục vụ bọn thống trị, phản lại quyền lợi của nhân dân, phản lại độc lập dân tộc và hòa bình trên thế giới.
Văn hóa có tính nhân dân mà không có tính dân tộc và tính khoa học thì sẽ trở nên hẹp hòi, chỉ nhìn thấy lợi ích của công, nông mà không chú ý đến lợi ích của dân tộc để kháng chiến thắng lợi; hoặc theo đuôi quần chúng, không làm cho họ ngày càng giác ngộ thêm về chính trị, hiểu biết thêm về khoa học, kỹ thuật để vận dụng vào sản xuất, chiến đấu và đời sống hàng ngày...”.
Những tư tưởng ấy đã là “ngọn đuốc soi đường” cho nền văn hóa mới, “nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”.