BÀI CUỐI: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm

Bài 2: Đến những cung đường 'động lực'BÀI 1: Từ những công trình mang 'ý Đảng, lòng dân'

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ, Tiền Giang đang tập trung triển khai các công trình trọng điểm; đồng thời, quan tâm và trách nhiệm trong phối hợp thực hiện các công trình giao thông trọng điểm do Trung ương đầu tư trên địa bàn.

TIẾP TỤC ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN KẾT NỐI LIÊN VÙNG

Hiện nay, Tiền Giang đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh 864 (còn gọi là Đường dọc sông Tiền) là một trong những dự án động lực kết nối từ huyện Cái Bè đến huyện Gò Công Đông. Xác định tầm quan trọng của Dự án Đường dọc sông Tiền, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Dự án có chiều dài toàn tuyến 111,2 km với tổng mức đầu tư 3.263 tỷ đồng.

Tiền Giang đang tập trung triển khai thi công đường tỉnh 864.

Tiền Giang đang tập trung triển khai thi công đường tỉnh 864.

Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Dự án được đầu tư với chiều dài tuyến 43,98 km; trong đó, đoạn mở mới dài 18,7 km, nâng cấp mở rộng 11,6 km, chiều rộng mặt đường 11 m láng nhựa, nền đường 12 m (riêng đoạn qua địa bàn TP. Mỹ Tho thấm nhựa nóng).

Trong năm 2023 này, tỉnh tập trung cho công tác khởi công xây dựng các hạng mục của dự án… đảm bảo đến cuối năm 2025 thông tuyến toàn dự án. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh, dự án là một trong các tuyến đường trọng điểm có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Đây là tuyến đường kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh (vùng phía Đông, vùng Trung tâm và vùng phía Tây).

Bên cạnh Dự án Đường dọc sông Tiền đang được triển khai thực hiện, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, trong thời gian tới, ngành Giao thông sẽ tiếp tục đầu tư đường tỉnh 877C đã được quy hoạch, để hình thành thêm 1 trục giao thông song song với Quốc lộ 50 về phía Bắc.

Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư đường Hùng Vương nối dài và khu đất 2 bên đường, trục giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang để phát triển đô thị, dịch vụ thương mại… Dự án dự kiến chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2023 và nửa đầu năm 2024; dự kiến khởi công đầu tư vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Tuyến đường này sẽ kết nối Quốc lộ 1 từ nút giao cao tốc ở huyện Châu Thành đến Cụm công nghiệp Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), qua địa phận các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công, kết nối với TP. Mỹ Tho qua các tuyến giao thông hiện hữu giao cắt. Tuyến đường hình thành sẽ tạo động lực và thuận lợi phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Quốc lộ 50 và tiếp giáp với tỉnh Long An.

Ngành GTVT sẽ triển khai đầu tư đường giao thông phát triển vùng Đồng Tháp Mười kết nối đường cao tốc tại nút giao Thân Cửu Nghĩa đến thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước). Đồng thời, đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 867, đường Tràm Mù kết nối khu du lịch tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác; nâng cấp các đường tỉnh 862, 871C, 871 để đáp ứng nhu cầu giao thông và thúc đẩy phát triển du lịch khu vực Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, phát triển du lịch sinh thái biển Tân Thành; đầu tư cầu Tân Phong kết nối phát triển du lịch sinh thái miệt vườn của xã Tân Phong…

Cũng theo đồng chí Trần Văn Bon, trong thời gian tới, ngành GTVT sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương đầu tư các tuyến đường giao thông mới phát triển kinh tế - xã hội 3 vùng và phục vụ phát triển du lịch trong tỉnh tích hợp vào quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

PHỐI HỢP TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ

Tiền Giang nằm ở cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nên đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL. Để tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL, Chính phủ đang tập trung đầu tư nhiều công trình trọng điểm mang tính kết nối vùng, đặc biệt là cầu và cao tốc.

Cầu Mỹ Thuận 2 đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2023.

Cầu Mỹ Thuận 2 đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2023.

Hiện tỉnh đang phối hợp các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án gồm: Cầu Mỹ Thuận 2; cầu Rạch Miễu 2; nâng cấp, mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2; Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1…

Cầu Mỹ Thuận 2 tiến độ triển khai thi công đến nay đạt trên 80% giá trị các hợp đồng. Khi dự án đưa vào sử dụng sẽ kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Theo Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT, hiện đơn vị thi công đang tập trung nhân, vật lực để triển khai gói thầu XL.03B, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12-2023.

Đối với gói thầu này, các nhà thầu đang triển khai 3 mũi thi công gồm: Thi công thân trụ neo, kè gia cố bờ sông; thi công nhịp chính dây văng; công tác chuẩn bị vật tư thi công cáp văng. Hiện liên danh các nhà thầu đang tập trung cố gắng để có thể hợp long cầu chính vào tháng 11-2023.

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2 cũng là dự án trọng điểm đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để giải quyết “bài toán” kẹt xe tại cầu Rạch Miễu hiện hữu. Hiện tiến độ dự án đang bị ảnh hưởng do “đội vốn” và một số khó khăn trong công tác triển khai thi công. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải quyết “bài toán” kẹt xe, “tắc cầu”, Tiền Giang đang tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thi công.

Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 cũng là một công trình trọng điểm mà tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đầu tư. Trong đó, Dự án thành phần 2, thuộc tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan chủ quản. Hiện tỉnh đã tổ chức cắm và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa. Theo đó, Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43 km; trong đó thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,81 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km; thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027.

Ngoài các dự án trên, một dự án trọng điểm mà tỉnh kỳ vọng giúp khu vực phía Đông phát triển nhanh là tuyến đường bộ ven biển. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh dài khoảng 21,5 km, kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre (giai đoạn 1), điểm đầu kết nối với Quốc lộ 50 đi tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh, điểm cuối kết nối tỉnh Bến Tre đi Trà Vinh và các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.

Trong dự án này, sẽ có hạng mục cầu bắc qua huyện Tân Phú Đông kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre. Tuyến đường bộ ven biển được đầu tư nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới biển và ứng phó với biển đổi khí hậu. Hiện Tiền Giang đang tích cực phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan để xúc tiến sớm triển khai dự án.

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202306/de-ha-tang-giao-thong-tro-thanh-khau-dot-pha-bai-cuoi-day-nhanh-tien-do-trien-khai-cac-du-an-trong-diem-983336/