Bài cuối: Kiên trì mục tiêu

Mặc dù chưa hết chu trình đổi mới nhưng sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Đoàn giám sát đánh giá, giáo dục phổ thông đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và rất đáng ghi nhận. Kết quả này cho thấy, chủ trương và những định hướng lớn trong đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, “là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện và triệt để nhất so với các lần đổi mới trước đây đã từng thực hiện kể từ giữa thế kỷ XX. Nó khác về tư tưởng chỉ đạo, về tinh thần và triết lý giáo dục, về mục tiêu, phương pháp, cách thức… trong đó lấy phát triển toàn diện con người làm chỉ hướng, trên cơ sở đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, làm khởi đầu để có những thế hệ con người Việt Nam mới biết sống, sống một cách hạnh phúc và cùng nhau truy cầu hạnh phúc cho cả cộng đồng và cho sự phát triển của đất nước”.

Đoàn giám sát tham dự một tiết học tại Trường THPT chuyên Hưng Yên. Ảnh: Nhật Linh

Đoàn giám sát tham dự một tiết học tại Trường THPT chuyên Hưng Yên. Ảnh: Nhật Linh

Cũng chính bởi tính chất “toàn diện và triệt để” như thế, Quốc hội đã quyết định chọn chuyên đề giám sát này mặc dù chưa hết chu trình đổi mới (hết năm học 2022 - 2023 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đến các lớp 1, 2, 3, 5, 6 và 10). Đây là tinh thần được Quốc hội Khóa XV nhấn mạnh, vào cuộc từ sớm từ xa để các chủ trương quan trọng của đất nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tích cực. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, giám sát không chỉ đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Quốc hội, mà quan trọng là có giải pháp, đề xuất, kiến nghị để khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên thực tế, thúc đẩy việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội chất lượng và hiệu quả hơn.

“Bức tranh tổng thể, toàn diện và sâu sắc” về đổi mới giáo dục phổ thông - nhìn từ kết quả giám sát - có nhiều mảng sáng. Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới lĩnh vực giáo dục được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát các mặt, các lĩnh vực theo yêu cầu đổi mới. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, bước đầu triển khai mang lại chuyển biến tích cực. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy, giáo viên đóng vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chất lượng giáo dục các cấp học được củng cố, duy trì…

Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế. Công tác ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện ở một số khâu, một số việc còn lúng túng, chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, chưa phù hợp với quy định về pháp luật và yêu cầu của thực tiễn. Việc quyết định chủ trương áp dụng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đồng thời ở cả 3 cấp học, ở tất cả các địa phương, cơ sở giáo dục, thực hiện đồng thời cả chương trình cũ và chương trình mới tạo nên nhiều áp lực, thách thức trong quá trình thực hiện. Việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và một số chương trình môn học còn chậm so với yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13. Số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành…

Một chủ trương lớn, được triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, rất khó tránh khỏi những hạn chế, vấn đề là khắc phục như thế nào để tình hình ngày càng tốt hơn. Đoàn giám sát đã đề xuất ba nhóm giải pháp: hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; quản lý nhà nước và triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông; tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhiều kiến nghị cũng được gửi tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông đã đi được những bước quan trọng. Có điều, nửa chặng đầu chúng ta đã dồn hết những gì tốt nhất để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, và đây sẽ là thách thức cho nửa chặng đường sau. Hy vọng các nhóm giải pháp, kiến nghị sau chuyên đề giám sát này sẽ “tiếp lửa” cho ngành giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả quá trình đổi mới. “Đổi mới đương nhiên là khó, nhất là với giáo dục, và phải sau nhiều năm mới thấy kết quả. Vì thế, cần kiên trì, không nóng vội, quan trọng nhất là vì quyền lợi của học sinh, mục tiêu cuối cùng là làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn, có các thế hệ học sinh phát triển toàn diện”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Nguyên Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bai-cuoi-kien-tri-muc-tieu-i340025/