Bài học sau vụ học sinh lớp 8 nhảy lầu vì bị tịch thu điện thoại
Sau vụ việc một học sinh lớp 8 ở Quảng Ninh nhảy từ tầng 4 xuống sân trường sau khi bị giáo viên tịch thu điện thoại, vấn đề xử phạt vi phạm của học sinh trong trường lại được đặt ra.
Học sinh nhảy lầu sau khi bị thu điện thoại
Mới đây, nữ sinh lớp 8 của một trường THCS ở Quảng Ninh sử dụng điện thoại trong tiết Vật lý và bị cô giáo tịch thu. Sau đó, giáo viên đã gọi cô chủ nhiệm lên lập biên bản sự việc. Vào giờ ra chơi, nữ sinh này đã đi lên tầng 4 rồi trèo qua lan can bất ngờ nhảy xuống sân trường.
Trước đó, nhiều vụ việc tương tự cũng đã xảy ra như tại Ninh Bình, một nam sinh tại Trường THCS thuộc huyện Nho Quan cầm điện thoại di động trong giờ ra chơi thì bị cô giáo tịch thu và mời phụ huynh tới trường để làm việc. Khi giáo viên đang trao đổi với phụ huynh, nam sinh này đã nhảy từ tầng 3 của trường xuống đất dẫn đến bị gãy chân phải.
Việc học sinh mang điện thoại nói riêng và thiết bị công nghệ nói chung đến trường không phải là chuyện hiếm. Bên cạnh những lý do chính đáng khi các em học sinh sử dụng điện thoại ở trường như: để đặt xe đưa đón đi học, liên lạc với cha mẹ khi có việc đột xuất hay tra cứu thông tin, cập nhật thông tin nhóm lớp, làm bài tập nhóm… thì cũng không ít học sinh lạm dụng điện thoại di động vào những việc khác như chơi game online, đọc truyện, buôn chuyện khiến việc học bị xao nhãng.
Đối với nhà trường, việc xử lý những học sinh cố tình sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ thực hiện ra sao?
Giáo viên cần nắm bắt được tâm lý học sinh
Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, ThS Quản lý giáo dục Vũ Diễm cho rằng, bên cạnh những lợi ích của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp như tra cứu tư liệu, khai thác tài liệu để mở rộng tri thức… thì việc này cũng làm cho học sinh xao nhãng, không tập trung cho việc học. Chưa kể, nếu các em mang theo những chiếc điện thoại di động có giá trị đến trường, khi xảy ra hư hỏng, mất mát sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Theo ThS. Vũ Diễm, với các em học sinh, đặc biệt học sinh cấp 2, là giai đoạn thay đổi khá nhiều về mặt tâm sinh lý, một số em coi điện thoại như tài sản quý giá, người bạn chia sẻ tâm tư tình cảm. Nếu cấm các em sử dụng điện thoại một cách máy móc, các em sẽ cảm thấy buồn bực, không được giao lưu và giải trí với bạn bè.
"Qua sự việc này, theo tôi cần có sự thống nhất giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Nhà trường có thể cho phép học sinh được mang điện thoại đến trường và có quy định rõ ràng về giờ giấc sử dụng điện thoại, có thể sử dụng trước và sau giờ học. Hoặc trong các giờ đổi mới phương pháp học tập, học sinh có thể dùng điện thoại để làm việc nhóm khi giáo viên cho phép. Nếu vi phạm sẽ tịch thu điện thoại và yêu cầu học sinh viết bản cam kết. Chúng ta không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại một cách cực đoan sẽ gây ra cảm xúc tiêu cực cho các em".
Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, từ lâu việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học đã có, và cho đến hiện tại vẫn là một cuộc tranh luận không có hồi kết. Bên phản đối và bên ủng hộ đều có lập luận của mình.
"Cuộc tranh luận về việc cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải. Tôi cho rằng, dù cấm hay không thì mỗi nhà trường đều có nội quy và mọi học sinh phải tuân theo. Mỗi giáo viên cũng có quy định riêng đối với tiết học của mình và yêu cầu các em học sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành. Vấn đề là quy tắc này phải được thống nhất ngay từ đầu buổi học, để mọi học sinh trong lớp hiểu điều này và nghiêm túc chấp hành trong sự vui vẻ, tự nguyện".
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, sẽ có những học sinh không tuân thủ quy định, đó là điều bình thường trong môi trường giáo dục. Trách nhiệm của giáo viên đó là phát hiện và xử lý những vi phạm này một cách thuyết phục, khiến các em "tâm phục khẩu phục", không tái phạm nữa chứ không phải là tạo ra sự chống đối, thậm chí cảm xúc tiêu cực ở học sinh. Giáo viên cần nắm bắt được tâm lý học sinh, xử phạt lỗi vi phạm nhưng không làm tổn thương học sinh.
Dùng điện thoại di động trong trường có bị cấm?
Về việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT có quy định: "Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Như vậy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời kì chuyển đổi số đang diễn ra.
Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ GD&ĐT có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: "Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học".
Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.