Bài học từ Singapore: khi rau sạch nhà trồng bị bỏ không
Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, việc sử dụng sản phẩm được trồng tại địa phương không chỉ đơn thuần là vấn đề cái ăn, mà đó còn là cam kết nuôi dưỡng một hệ sinh thái thực phẩm bền vững và kiên cường cho tương lai của quốc gia.
Thách thức kép
Hiện phải nhập khẩu khoảng 90% lương thực, Singapore được đánh giá là quốc gia dễ bị tổn thương trước tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu và các nguy cơ địa chính trị khó lường cũng như dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đảo quốc từ lâu đã tìm cách đẩy mạnh sản xuất thực phẩm tại địa phương nhằm đáp ứng được 30% nhu cầu dinh dưỡng quốc gia vào năm 2030 - đề xuất “30x30”, các báo cáo truyền thông gần đây đã nhấn mạnh những thách thức của mục tiêu này.
Chia sẻ với báo giới, một trang trại địa phương ở Singapore có khả năng cung cấp 500kg rau mỗi ngày cho biết họ đã phải bỏ đi lượng rau xanh bị ế lại đến 40% do không có người mua.
Một cuộc khảo sát của Urban Origins cho thấy, đại đa số người dân Singapore nhận thức được rằng sản phẩm địa phương tươi hơn, tốt cho môi trường hơn và việc mua chúng sẽ đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Nhưng người mua không hài lòng với mức giá, khi mà sản phẩm địa phương có thể đắt hơn tới 20% so với hàng nhập khẩu.
Theo phản ánh của CNA tại một số siêu thị ở Singapore, một gói rau cải làn 100g từ Trung Quốc được bán với giá 0,71 SGD (0,53 USD), trong khi một gói rau tương tự được trồng ở Singapore có giá 1,63 SGD/100g. Một bó rau mùi từ Thái Lan có giá 4,06 SGD/100g, trong khi loại tương tự được trồng tại địa phương có giá 5,10 SGD/100g.
Người làm vườn Singapore cũng chỉ ra sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về lĩnh vực bán lẻ, cũng như ở các trang trại trồng rau trên sân thượng. Kết quả là, lượng mua vào của người tiêu dùng không ngang bằng với sản lượng rau địa phương, dẫn đến mất cân bằng cung và cầu trong nước.
Nhưng chính xác, người Singapore có yêu thích rau củ không? Câu trả lời là có: tổng cộng, Singapore đã nhập khẩu 518.000 tấn và sản xuất được khoảng 19.800 tấn rau vào năm ngoái. Nhưng thực tế đáng tiếc là giá rau trồng trong nước cao hơn và thiếu nhận thức về các lựa chọn thay thế nhập khẩu khiến cơ hội thúc đẩy hệ sinh thái nông nghiệp bền vững tại địa phương bị lãng phí.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thực phẩm Singapore, chỉ 3,9% lượng rau tiêu thụ ở đây năm ngoái là được trồng tại địa phương, giảm so với mức 4,3% của năm trước. Nhưng điều này được tin không chỉ là về sự mua vào của người tiêu dùng. Hơn hết, việc thiết lập chuỗi giá trị toàn diện cho các trang trại, không chỉ tập trung vào sức mua vào của người tiêu dùng, được tin là rất quan trọng để Singapore hướng tới đề xuất “30x30”.
Nhìn chung, nông nghiệp Singapore được cho hiện phải đối mặt với vô số vấn đề, bao gồm cả mối quan tâm về môi trường và tính kinh tế. Hai thách thức đáng kể là khí thải và chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Bên cạnh một số trang trại ngoài trời truyền thống ở Lim Chu Kang, những người trồng rau mới ở Singapore có xu hướng chuyển sang hình thức canh tác trên mái nhà, canh tác thẳng đứng ngoài trời và thậm chí là canh tác ngay trong nhà.
Đặc biệt, canh tác trong nhà sẽ thiên về công nghệ để thích ứng với khí hậu hơn, nhưng cùng với đó là chi phí vận hành cũng cao hơn nhiều, đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào máy móc. Ví dụ, nông dân địa phương chia sẻ với CNA rằng một trang trại trên mái rộng 200m2 sẽ tốn khoảng 500 SGD/tháng để vận hành, trong khi một trang trại trong nhà có cùng quy mô cần hơn 7.000 SGD/tháng.
Đây thực sự là một bài toán khó, bởi các trang trại truyền thống ở ruộng vườn ngoài trời có thể cần ít năng lượng và công nghệ hơn, nhưng lại cần nhân lực tốn kém, trong khi cho năng suất sản xuất thấp hơn so với canh tác trong nhà và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Các cân nhắc về môi trường cũng được giới chức Singapore đặt lên hàng đầu. Người ta ước tính rằng để sản xuất 1.000kg rau diếp, 540kg khí thải CO2 sẽ được tạo ra từ canh tác đồng ruộng truyền thống. Các trang trại trong nhà và trang trại thẳng đứng trên mái nhà lần lượt tạo ra 5.744kg và 158kg khí thải CO2 để sản xuất cùng một lượng rau diếp như vậy.
Xét về tính bền vững lâu dài, nông nghiệp đô thị - trồng trọt trên mái nhà và trong nhà - được cho sẽ tiết kiệm tới 95% lượng nước sử dụng. Ở trong môi trường đô thị được kiểm soát chặt chẽ hơn, rau trồng tại địa phương sẽ tươi hơn và có thể bổ dưỡng hơn, với việc sử dụng phân bón hữu cơ được sản xuất phù hợp.
Đầu tư cho “lời giải” canh tác đô thị
“Để phát huy hết tiềm năng của rau xanh trồng tại nhà, và rộng hơn là thực phẩm địa phương, Singapore cần có một cách tiếp cận đa diện” - William Chen, Chủ tịch Michael Fam, đồng thời là Giám đốc Chương trình Khoa học & Công nghệ Thực phẩm, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, nhận định.
Giáo sư, hiện cũng là cố vấn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc, tin rằng việc kết hợp các biện pháp canh tác đô thị sẽ là “lời giải” cho kết quả tốt nhất về năng suất, khả năng phục hồi khí hậu và tính bền vững môi trường. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng ngành này cũng có thể được hưởng lợi từ Nông nghiệp hỗ trợ cộng đồng (CSA) - thúc đẩy mối quan hệ trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng.
Theo liên kết CSA, người tiêu dùng sẽ đăng ký sản lượng của một trang trại hoặc một nhóm trang trại nhất định và nhận được một phần sản phẩm thu hoạch của trang trại đó một cách thường xuyên. Ngoài các hộ gia đình, yếu tố thúc đẩy nhu cầu cũng có thể bao gồm lĩnh vực nhà hàng, siêu thị, chợ và trường học.
Một số quốc gia bao gồm Italia, Thụy Sĩ, Đức, Vương quốc Anh và Mỹ cũng đã thực hành CSA. CSA không chỉ cho phép kết nối trực tiếp và có thể điều chỉnh giữa cung và cầu, điều này có thể được hỗ trợ thêm bởi các nền tảng mua hàng trực tuyến, mà còn bảo đảm giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cao hơn do chuỗi cung ứng được bản địa hóa nhiều hơn, rút ngắn khoảng cách giữa trang trại và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh của Singapore, CSA được cho có thể phù hợp với những người mới tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị, vì họ có thể quyết định nên trồng cây gì dựa trên thông tin thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. CSA cũng có thể đóng vai trò điều phối trong việc xin giấy phép canh tác cho các thành viên và nhập khẩu vật tư nông nghiệp, giảm chi phí cho nông dân địa phương.
Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, tầm quan trọng của việc hỗ trợ sản phẩm được trồng tại địa phương là không thể phủ nhận. Sử dụng sản phẩm được trồng tại địa phương không chỉ đơn thuần là vấn đề cái ăn, mà đó còn là cam kết nuôi dưỡng một hệ sinh thái thực phẩm bền vững và kiên cường cho tương lai của quốc gia.
Câu chuyện này có lẽ không chỉ là của riêng Singapore. Đại dịch vừa qua thực sự là lời cảnh tỉnh để nhiều quốc gia phải có cái nhìn sâu sắc vào vấn đề an ninh lương thực. Người dân nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành thị tưởng chừng no đủ, có thể vẫn chưa quên cảnh phải chen chúc trước những kệ hàng trống rỗng trong mùa dịch, xếp hàng dài tại các siêu thị khi nỗi lo sợ về nguồn cung thực phẩm sẵn có đã gây ra làn sóng mua sắm hoảng loạn hồi đầu năm ngoái.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-hoc-tu-singapore-khi-rau-sach-nha-trong-bi-bo-khong.html