Bài học từ 'thập kỷ mất mát': Trung Quốc có đi vào vết xe đổ của Nhật Bản?

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước những thách thức mang tính cấu trúc, bài học từ Nhật Bản về các điểm bất hợp lý trong chính sách cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự phục hồi như kỳ vọng. Ảnh minh họa: BNEWS

Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự phục hồi như kỳ vọng. Ảnh minh họa: BNEWS

Theo nhận định của tờ Japan Times, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang xuất hiện nhiều điểm tương đồng đáng lo ngại với Nhật Bản trong thập niên 1990, khi bong bóng bất động sản sụp đổ đã kéo theo một thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài – thường được gọi là “thập kỷ mất mát”.

Tuy nhiên, những thập kỷ mất mát của Nhật Bản không phải là kết cục tất yếu của một chuỗi xu hướng không thể đảo ngược, mà là hệ quả trực tiếp của các sai lầm trong hoạch định chính sách – xuất phát từ việc hiểu sai bản chất các vấn đề mà nền kinh tế khi đó phải đối mặt. Câu hỏi đặt ra là: Liệu các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có đang rơi vào tình huống tương tự?Bong bóng bất động sản Nhật Bản bùng nổ trong bối cảnh tỷ lệ giá nhà trên thu nhập hàng năm tăng vọt – hệ quả của tổ hợp chính sách thuế đất đai bất hợp lý, việc dỡ bỏ các quy định tài chính và sự thiếu phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Cùng lúc, lực cầu từ nhóm người mua nhà lần đầu – chủ yếu ở độ tuổi 39-43 tuổi – cũng góp phần quan trọng trong việc đẩy giá lên cao.

Cảm giác giàu có do giá trị nhà ở tăng khiến người dân mạnh tay chi tiêu hơn, kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ và cổ phiếu leo thang. Tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp giảm là hệ quả ngắn hạn. Tuy nhiên, khi nhu cầu nhà ở bắt đầu suy giảm – đặc biệt do yếu tố nhân khẩu học – nền kinh tế nhanh chóng trượt dốc. Năm 1991, khi tỷ lệ người trên 65 tuổi tại Nhật Bản chạm mốc 13%, số lượng người mua nhà lần đầu đã bắt đầu giảm rõ rệt. Thị trường bất động sản mất giá mạnh, chứng khoán lao dốc, và nước này rơi vào vòng xoáy giảm phát kéo dài – đi kèm tỷ lệ sinh giảm, thất nghiệp tăng.
Sai lầm lớn nhất của các nhà điều hành lúc đó là chẩn đoán sai bản chất vấn đề. Một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mãn tính đã bị đối xử như một cú sốc ngắn hạn. Khi đồng yen tăng giá sau Hiệp định Plaza 1985, giới chức Nhật cho rằng đây là nguồn cơn chính gây suy yếu kinh tế, và họ đã in thêm tiền, hạ lãi suất, tăng chi tiêu ngân sách và nới lỏng định lượng để “kích cầu”. Những chính sách tưởng như hợp lý này lại càng đẩy giá nhà lên cao, khiến việc lập gia đình trở nên tốn kém và kéo theo hệ quả là tỷ lệ sinh tiếp tục giảm.
Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ quay lại thị trường lao động sau sinh, tăng trợ cấp trẻ em và cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ – song hiệu quả vẫn rất hạn chế. Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản chỉ tăng từ 1,26 (năm 2005) lên 1,45 vào năm 2015 – thấp hơn xa so với mục tiêu 1,8 mà Thủ tướng Shinzo Abe đề ra. Thực tế cho thấy các biện pháp can thiệp này không đủ mạnh để bù đắp tác động tiêu cực của chính sách tiền tệ quá nới lỏng và chi phí nhà ở leo thang. Đến năm 2023, tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn 1,15 trẻ/phụ nữ.
Bối cảnh kinh tế nội địa thay đổi – già hóa dân số và thu hẹp lực lượng lao động – cũng làm xói mòn lợi thế truyền thống của nền kinh tế Nhật là xuất khẩu. Chi phí nhân công tăng tạo áp lực lạm phát, làm suy yếu lĩnh vực sản xuất và đưa Nhật Bản từ một nước thặng dư thương mại thành quốc gia thâm hụt. Nhập khẩu lạm phát ngày càng cao khiến kinh tế Nhật dễ tổn thương hơn.
Về bản chất, Nhật Bản đã thoát khỏi bẫy giảm phát chỉ để rơi vào một vòng luẩn quẩn khác – bẫy lạm phát dài hạn – khiến sức mua suy yếu, chi phí nuôi dạy con cái tăng cao, từ đó càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân khẩu học. Những chính sách nhằm chấm dứt “thập kỷ mất mát” vô tình lại đặt nền móng cho “thế kỷ mất mát”. Đây là bài học cảnh báo đối với Trung Quốc – quốc gia hiện cũng đang phải đối mặt đồng thời với khủng hoảng bất động sản và nhân khẩu học.
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã chứng kiến quá trình đô thị hóa thần tốc, đi cùng với giá bất động sản tăng vọt – phần lớn do sự thiếu hụt đất đai mang tính chính sách, và việc các chính quyền địa phương phụ thuộc vào bán đất để tạo nguồn thu ngân sách. Kỳ vọng lạc quan về tăng trưởng cũng góp phần thổi phồng giá nhà. Đặc biệt, lực cầu từ những người mua nhà lần đầu – chủ yếu là thế hệ trẻ không có anh chị em do chính sách sinh đẻ trước đây – khiến tuổi mua nhà trung bình tại Trung Quốc sớm hơn khoảng 11 năm so với Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhóm dân số trong độ tuổi mua nhà lý tưởng (28–32 tuổi) ở đô thị Trung Quốc đã đạt đỉnh từ năm 2019 – ngay trước khi bong bóng bất động sản bắt đầu vỡ. Khu vực bất động sản – từng chiếm tới 25% GDP và 38% tổng thu ngân sách chính quyền trong giai đoạn đỉnh cao 2020–2021 – đang rơi vào tình trạng nhu cầu suy yếu, dư thừa công suất và giảm mạnh hoạt động xây dựng.
Sự lao dốc của giá nhà đã kéo theo mức giảm tài sản hộ gia đình tương đương với toàn bộ quy mô GDP hàng năm của Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu dùng, tín dụng, việc làm và đầu tư.
Cuộc khủng hoảng của Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn Nhật Bản ở nhiều mặt. Bong bóng bất động sản Trung Quốc lớn hơn về quy mô: đầu tư nhà ở so với GDP năm 2020 cao hơn 1,5 lần so với mức của Nhật Bản năm 1990; bất động sản chiếm khoảng 70% tổng tài sản hộ gia đình Trung Quốc (so với 50% ở Nhật). Tỷ lệ giá nhà trên thu nhập cũng cao gấp đôi.
Về nhân khẩu học, Trung Quốc cũng đối diện với áp lực lớn hơn. Khác với Nhật Bản từng chứng kiến làn sóng người mua nhà thứ hai xuất hiện một thập kỷ sau đợt đầu tiên, Trung Quốc không có “thế hệ kế thừa” tương tự. Dân số trên 65 tuổi tại Trung Quốc đang tăng nhanh chóng – mức độ mà Nhật Bản phải mất 28 năm để đạt được, Trung Quốc sẽ chạm tới chỉ trong vòng 15 năm, từ nay đến 2040. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Nhật Bản trong giai đoạn già hóa dân số (1997–2025) chỉ đạt 0,6% mỗi năm.
Ngoài ra, tiêu dùng hộ gia đình tại Trung Quốc chỉ chiếm 38% GDP vào năm 2020 – thấp hơn nhiều so với mức 50% của Nhật Bản năm 1990 – cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư và xuất khẩu, khiến áp lực giảm phát và thất nghiệp thêm trầm trọng.
Điều đáng lo ngại hơn là Bắc Kinh dường như vẫn kỳ vọng tăng trưởng tiềm năng ở mức 5%, thậm chí một số ý kiến còn đặt mục tiêu 8%, bất chấp các điều kiện kinh tế cơ bản đang suy giảm. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đang triển khai hàng loạt chính sách ngắn hạn như tăng cung nhà ở giá rẻ, đẩy mạnh nới lỏng định lượng – thay vì tập trung vào cải cách căn bản để tăng chất lượng tăng trưởng.
Triết gia người Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel từng nói: “Điều duy nhất chúng ta học được từ lịch sử là chúng ta không học được gì từ lịch sử”. Trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước những thách thức mang tính cấu trúc tương tự – nhưng với quy mô và độ sâu rộng lớn hơn – bài học từ Nhật Bản về các sai lầm trong chính sách, đặc biệt là sự lạc quan thiếu căn cứ về tiềm năng tăng trưởng, cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Xuân Giao/BNEWS/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bai-hoc-tu-thap-ky-mat-mat-trung-quoc-co-di-vao-vet-xe-do-cua-nhat-ban/379767.html