Bài mẫu viết thư UPU: Kế thừa một thế giới nơi trẻ em được lắng nghe
Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 với mong muốn bạn kế thừa thế giới nơi trẻ em được lắng nghe, mỗi hành động và quyết định đều dựa sự thấu hiểu, đồng thuận, tôn trọng nhau bằng tất cả trái tim và tâm hồn.
Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.
Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".
Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:
... Ngày.... tháng.... năm...
Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!
Lúc tôi viết lá thư này, thế giới đang ở năm 2024, gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính thế giới (1874-2024).
Khi biết tổ chức này phát động cuộc thi quốc tế viết thư UPU với chủ đề “Kể về thế giới mà bạn hy vọng thế hệ tương lai được kế thừa”, tôi rất hào hứng tham gia để gửi gắm những mong ước của chính mình đến các bạn của tương lai.
Và điều tôi mong muốn nhất là bạn kế thừa thế giới nơi ý kiến của trẻ em được lắng nghe.
Bạn biết đấy, trẻ em có thể phát hiện và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, sáng tạo. Vì vậy, tiếng nói của trẻ em cần được cha mẹ, cộng đồng ghi nhận và tôn trọng. Điều đó giúp tạo dựng môi trường lành mạnh, khiến trẻ có tâm lý tự tin để phát triển toàn diện, phát huy được tố chất và khả năng của mình.
Thế nhưng, bạn biết không, thế giới nơi tôi đang sống, còn không ít trường hợp trẻ em chưa được tôn trọng, bị bố mẹ áp đặt, không được thể hiện sở thích, quan điểm của mình. Nhiều học sinh bị bố mẹ gây áp lực học hành để thực hiện ước mơ của chính họ mà không quan tâm đến khả năng hay sở thích của con.
Nhiều ông bố bà mẹ không cho em thể hiện mong muốn hay quan điểm về sự việc nào đó. Họ thường xuyên kết thúc câu chuyện trong tiếng quát hoặc lời nói áp đặt. Sự khác biệt trong nhận thức, quan điểm, tâm lý của cha mẹ và con cái nếu không tìm được tiếng nói chung rất dễ khiến cho trẻ ngại giao tiếp, đóng kín tâm hồn, không muốn chia sẻ cùng bố mẹ.
Do bận rộn, nhiều cha mẹ không dành thời gian giao tiếp, tương tác, chơi với con, lắng nghe con nói. Từ chỗ ít hoặc không lắng nghe con, dần sẽ không hiểu con, không biết con nghĩ gì, muốn gì và làm gì. Từ đó, dẫn đến việc bố mẹ khó chia sẻ với con, khiến trẻ lạc lõng, có suy nghĩ, tâm lý lệch lạc, dễ dẫn tới những hành vi tiêu cực.
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai đất nước. Vì vậy, trẻ em cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em nhấn mạnh một số nội dung quan trọng: Trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến; các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.
Thực tế, nhiều cha mẹ rất yêu thương, chiều chuộng con cái nhưng chưa tôn trọng, lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của con.
Không chỉ chăm sóc về mặt vật chất mà cha mẹ còn cần quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần của con. Cha mẹ hãy luôn ở bên mỗi khi con cần, luôn lắng nghe khi con chia sẻ và đừng vội vàng phán xét hành động của con hoặc lấy cái uy của mình để áp đặt con...
Trẻ em cần được lên tiếng, bày tỏ quan điểm của mình. Tôi mong các bậc phụ huynh cũng như cộng đồng hãy nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, tôn trọng tiếng nói của trẻ.
Tôi tin chắc rằng, khi bạn được đọc được những dòng này, thế giới đã trở nên tốt đẹp hơn và nhân văn hơn. Trong đó, đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, mọi tiếng nói, nguyện vọng của trẻ đều được lắng nghe và tôn trọng.
Cuối cùng, tôi hy vọng rằng tình yêu thương và sự chia sẻ đã trở thành cốt lõi trong xã hội của bạn. Mỗi hành động và quyết định đều dựa sự thấu hiểu, đồng thuận, tôn trọng nhau bằng tất cả trái tim và tâm hồn.
Thân ái,
Ký tên