Bài tập cho người mắc lỵ trực trùng

Người mắc lỵ trực trùng trong quá trình điều trị cần lưu ý bổ sung nước, điện giải, nghỉ ngơi dưỡng sức, giữ gìn vệ sinh. Việc thực hiện các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh giúp người bệnh giảm triệu chứng, nâng cao sức khỏe.

Nội dung

1. Vai trò của các tập luyện đối với người mắc lỵ trực trùng

2. Một số bài tập cho người mắc lỵ trực trùng

2.1 Giai đoạn cấp tính của bệnh lỵ trực trùng

2.2 Giai đoạn bắt đầu có dấu hiệu phục hồi

2.3 Các bài tập vận động khi cơ thể đã phục hồi

3. Lưu ý khí tập vận động đối với người mắc lỵ trực trùng

1. Vai trò của các tập luyện đối với người mắc lỵ trực trùng

Lỵ trực trùng hay lỵ trực khuẩn là bệnh do trực khuẩn lỵ Shigella gây ra. Bệnh này thường có dấu hiệu chính là tiêu chảy, phân thường có lẫn máu, đau bụng và mất nước. Việc thực hiện tập luyện với người bệnh có thể giúp:

- Làm dịu cơn đau: Các bài tập có thể giúp thư giãn, làm dịu các cơn đau bụng và co thắt, thúc đẩy lưu thông khí trong ruột, giảm chướng bụng và khó chịu, qua đó giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh.

- Kích thích tiêu hóa: Các bài tập vận động nhẹ nhàng kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp ruột hoạt động nhịp nhàng hơn, hỗ trợ loại bỏ khí và chất cặn bã, giảm cảm giác nặng nề ở vùng bụng.

- Giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ: Căng thẳng vốn là yếu tố có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh lỵ trực trùng. Các bài tập vận động giúp tăng cảm giác thư thái và cải thiện giấc ngủ, giúp thư giãn cơ thể, giảm căng thẳng tâm lý.

- Duy trì sức mạnh cơ bắp: Khi người bệnh nằm lâu, cơ bắp có thể yếu đi. Các bài tập nhẹ nhàng giúp duy trì sức mạnh cơ bắp và ngăn ngừa tình trạng cứng khớp, giúp thúc đẩy lưu thông máu, giảm nguy cơ tụ máu hoặc phù nề.

Ngoài ra, các bài vận động nhẹ kích thích tuần hoàn máu, tăng cường oxy đến các cơ quan, giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất hiệu quả hơn.

Duy trì thói quen vận động đều đặn giúp cải thiện tâm trạng và thể lực, tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ tái phát bệnh.

2. Một số bài tập cho người mắc lỵ trực trùng

2.1 Giai đoạn cấp tính của bệnh lỵ trực trùng

Bài tập thở sâu

Người bệnh nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái. Hít vào nhẹ nhàng, từ từ thật sâu, sau đó giữ hơi thở rồi lại nhẹ nhàng từ từ thở ra. Lặp lại bài tập trong 10-15 phút.

Bài tập này giúp cải thiện lưu thông máu, làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm lý… có thể hỗ trợ quá trình hồi phục của người bệnh.

Bài tập hít thở sâu cải thiện lưu thông máu cho người bệnh nhiễm lỵ trực trùng (hình minh họa).

Bài tập hít thở sâu cải thiện lưu thông máu cho người bệnh nhiễm lỵ trực trùng (hình minh họa).

Bài tập gập gối

Người bệnh nằm thoải mái, từ từ kéo nhẹ gối về phía bụng, kéo hết mức có thể, cảm thấy căng vùng thắt lưng, trùng vùng bụng, giữ nguyên tư thế trong khoảng 10-15 giây, sau đó thả lỏng, từ từ duỗi gối ra. Lặp lại bài tập 3-5 lần tùy theo thể trạng.

Bài tập gập gối và bài tập thở sâu có thể thực hiện ngay từ khi bệnh còn ở giai đoạn cấp. Hai bài tập này giúp thư giãn cơ thể, có tác dụng giảm đau bụng và hỗ trợ tiêu hóa rất hiệu quả.

Bài tập gập gối giúp người bệnh mắc lỵ trực trùng thư giãn cơ thể.

Bài tập gập gối giúp người bệnh mắc lỵ trực trùng thư giãn cơ thể.

Xoa bụng nhẹ nhàng

Xoa bụng nhẹ nhàng có thể được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Xoa bụng là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả để giảm đau bụng, giảm co thắt ruột, hỗ trợ tiêu hóa. Người bệnh có thể tự xoa hoặc nhờ người hỗ trợ xoa bụng.

Người bệnh nằm thoải mái, hai gối hơi co lên, dùng tay xoa bụng theo chiều kim đồng hồ quanh bụng, từ nhẹ đến mạnh, thực hiện mỗi lần 5-10 phút.

Lưu ý: Cần làm ấm tay trước khi xoa và giữ ấm tốt trong quá trình xoa bụng.

Người bệnh mắc lỵ trực trùng khi xoa bụng nhẹ nhàng cần làm ấm bàn tay.

Người bệnh mắc lỵ trực trùng khi xoa bụng nhẹ nhàng cần làm ấm bàn tay.

2.2 Giai đoạn bắt đầu có dấu hiệu phục hồi

Thực hiện tư thế em bé:Bài tập này có thể thực hiện khi cơ thể đã có những dấu hiệu phục hồi.

Người bệnh ngồi quỳ trên thảm, mông đặt trên gót chân, sau đó cúi người về phía trước với 2 tay duỗi thẳng ra trước, hết mức có thể, giữ tư thế trong 15-20 giây sau đó trở lại tư thế ban đầu. Thực hiện động tác từ 3-5 lần.

Bài tập này có tác dụng như một bài tập khởi động sau giai đoạn cấp, giúp khí huyết lưu thông, rất tốt trong việc tăng cường sức khỏe toàn diện.

Tư thế xác chết

Người bệnh nằm ngửa trên sàn, hai tay đặt xuôi theo thân, lòng bàn tay ngửa, mắt nhắm, thả lỏng toàn thân và hít thở đều.

Bài tập này giúp ổn định tinh thần, thư giãn, làm dịu cơ thể.

2.3 Các bài tập vận động khi cơ thể đã phục hồi

Sau khi cơ thể đã hồi phục, người bệnh lỵ trực trùng nên thực hiện các bài tập vận động từ nhẹ nhàng rồi tăng dần thời gian, cường độ tập luyện. Đây là các bài tập giúp hồi phục cơ bắp và cải thiện sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân sau khi mắc lỵ trực trùng.

Ban đầu, bài tập có thể chỉ đơn giản là đi bộ với cự ly ngắn, có thể lựa chọn đi bộ chậm trong nhà mỗi lần từ 5-10 phút, không nên đi quá xa hoặc quá gắng sức. Sau đó, tùy vào thể trạng mà người bệnh có thể tập các bài tập kéo giãn cơ thể để duy trì sự dẻo dai, đồng thời tập các bài tập yoga nhẹ nhàng để cải thiện tiêu hóa như thực hiện tư thế ngồi gập người, tư thế xoắn cột sống nằm, tư thế con mèo - con bò…

Các bài tập kéo giãn phù hợp với giai đoạn phục hồi sau khi mắc lỵ trực trùng.

Các bài tập kéo giãn phù hợp với giai đoạn phục hồi sau khi mắc lỵ trực trùng.

3. Lưu ý khí tập vận động đối với người mắc lỵ trực trùng

Chỉ nên thực hiện các bài tập vận động khi thể trạng cho phép, các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm và có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Tránh tập luyện khi cơ thể còn yếu, sốt cao, hoặc đang trong giai đoạn bệnh nặng.

Người bệnh lỵ trực trùng nếu tập quá sức có thể làm cơ thể mệt mỏi, tăng nguy cơ mất nước và làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy. Vì vậy người mắc lỵ trực trùng nên ưu tiên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng trước, tăng dần cường độ tập luyện khi có thể.

Có thể chia các bài tập ra thành nhiều lần trong ngày. Cơ thể người bệnh thường mệt mỏi, không thể tập lâu như người khỏe mạnh, mỗi lần người bệnh chỉ nên tập từ 5-10 phút.

Tập vận động ngay sau khi ăn có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa, làm nặng hơn triệu chứng, người bệnh nên đợi ít nhất 1–2 giờ sau bữa ăn mới bắt đầu tập.

Lưu ý, bổ sung đầy đủ và kịp thời nước trước, trong và sau khi tập, tránh mất nước và điện giải khi vận động. Nên kết hợp tập luyện với chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, hoặc cơm mềm; tránh các thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ hoặc gia vị mạnh.

Nếu có dấu hiệu như chóng mặt, buồn nôn, đau bụng tăng, hoặc tiêu chảy trở lại, cần ngừng tập ngay, nghỉ ngơi và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Mời bạn xem tiếp video:

Điều trị bệnh kiết lỵ - Người bệnh nên ăn gì để mau khỏi? | SKĐS

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-mac-ly-truc-trung-169250115115049033.htm