Bài thuốc từ 3 loại gia vị có sẵn trong bếp giúp tăng đề kháng, giảm nhẹ triệu chứng cúm
Cúm mùa đang làm nhiều người 'lao đao' với các triệu chứng cúm như sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi, mệt mỏi,... Việc tăng cường miễn dịch bằng các loại thảo mộc tự nhiên, an toàn rất được quan tâm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_338_51466382/6e830b903bded2808bcf.jpg)
Mỗi loại gia vị đều chứa các thành phần là hợp chất thực vật được ví như "kháng sinh tự nhiên" có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, có lợi cho hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Đây cũng là thành phần được thêm vào một số bài thuốc giảm triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu có cơ địa nhạy cảm hoặc đang uống thuốc chữa bệnh theo đơn thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
1. Vai trò của hệ miễn dịch trong ngăn ngừa cúm mùa, cảm lạnh
Hệ miễn dịch là một mạng lưới cân bằng các tế bào và cơ quan hoạt động cùng nhau để bảo vệ bạn khỏi bệnh tật.
Hệ thống miễn dịch có khả năng nhận biết hàng triệu kháng nguyên khác nhau và sẽ hoạt động để loại bỏ hầu hết các yếu tố gây bệnh xâm nhập, bao gồm virus, vi khuẩn gây bệnh bằng cách tạo ra các protein phản ứng gọi là kháng thể.
Đối với virus gây bệnh cúm mùa như cúm A, cúm B hay virus gây cảm lạnh thông thường, một khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ tiết ra các kháng thể để chống lại chúng, đồng thời ghi nhớ để có thể phản ứng nhanh chóng hơn nếu cùng một loại virus quay trở lại.
![Một khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ tiết ra các kháng thể để chống lại chúng, đồng thời ghi nhớ để có thể phản ứng nhanh chóng hơn nếu cùng một loại virus quay trở lại (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_338_51466382/20064d157d5b9405cd4a.jpg)
Một khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ tiết ra các kháng thể để chống lại chúng, đồng thời ghi nhớ để có thể phản ứng nhanh chóng hơn nếu cùng một loại virus quay trở lại (Ảnh: ST)
Đặc biệt, việc tiêm chủng cũng giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động chống lại cúm và cảm lạnh, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng cần phải nhập viện nếu bị lây nhiễm. Đây cũng chính là lý do nhiều bác sĩ khuyên rằng, để bảo vệ bản thân và những người xung quanh bạn cần tiêm phòng cúm ít nhất từ 2 tuần tới 1 tháng trước khi mùa cúm bắt đầu. Theo đó, những người có hệ miễn dịch suy yếu như người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người có các bệnh nền mãn tính và trẻ nhỏ có miễn dịch chưa hoàn thiện cần đặc biệt chú ý tiêm chủng đầy đủ và tiêm nhắc lại vaccine phòng cúm hàng năm để củng cố hàng rào miễn dịch chủ động.
2. Bài thuốc từ các loại gia vị tự nhiên giúp tăng đề kháng, giảm triệu chứng cúm
Dưới đây là 3 loại gia vị có nguồn gốc tự nhiên, rất phổ biến trong bếp các gia đình Việt có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy hàng rào phòng vệ khi mùa cúm, mùa bệnh hô hấp gia tăng cũng như một vài bài thuốc giảm triệu chứng cúm từ các gia vị này mà bạn có thể tham khảo:
2.1. Bài thuốc chữa cảm cúm từ tỏi
Tỏi có chứa thuốc kháng sinh tự nhiên là hợp chất có tính kháng khuẩn cao như: allicin, ajoene và allyl sulfide cùng lượng lớn vitamin C, selen, sulfur có lợi cho miễn dịch, kháng khuẩn, giảm sưng viêm và tiết nhầy. Theo Healthline, ăn 1 - 2 tép tỏi sống hàng ngày có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Một đánh giá năm 2021 trên Tạp chí Journal of Clinical and Translational Research, các nhà nghiên cứu chỉ ra tác dụng của chiết xuất tỏi đã phát hiện ra rằng nó giúp giảm viêm toàn thân và phục hồi mức độ bạch cầu do viêm nhiễm.
![Tỏi có chứa thuốc kháng sinh tự nhiên là hợp chất có tính kháng khuẩn cao (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_338_51466382/8ae3f9f0c9be20e079af.jpg)
Tỏi có chứa thuốc kháng sinh tự nhiên là hợp chất có tính kháng khuẩn cao (Ảnh: ST)
Hơn nữa, một đánh giá năm 2020 trên Tạp chí Trends in Food Science & Technology cho thấy, nhờ có các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ, tỏi có thể có hoạt tính kháng virus, chẳng hạn như virus gây cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Các nhà nghiên cứu tin rằng tỏi giúp ngăn chặn virus xâm nhập và nhân lên trong tế bào.
Nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, ăn tỏi có thể giúp giảm các triệu chứng hoặc ngăn ngừa bệnh. Để tận dụng tối đa lượng allicin trong tỏi, trước khi dùng hãy đập dập và để yên trong 10 phút.
Một số bài thuốc từ tỏi:
Theo Đông y tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn; chữa khí hư, tiểu tiện khó, bụng trướng đầy, tiêu nhọt, đờm và hạch ở phổi, tẩy uế.
- Bài thuốc phòng ngừa cảm mạo :Chuẩn bị vài củ tỏi đem nghiền nhuyễn vắt lấy nước cốt rồi pha với nước theo tỷ lệ 1:10. Vào buổi tối trước khi đi ngủ có thể nhỏ vài giọt này vào mũi nhưng cần thận trọng để tránh bị bỏng.
- Bài thuốc trị cảm mạo, phong hàn từ tỏi: Chuẩn bị tỏi và gừng tươi mỗi loại 15 gam cùng một lượng đường đỏ vừa phải. Đem tất cả sắc chung với một bát nước nhỏ tới khi cô lại còn nửa bát thì cho đường đỏ vào khuấy đều rồi uống một lần một ngày trước khi đi ngủ.
- Bài thuốc chữa cảm cúm, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, sợ lạnh: Chuẩn bị tỏi, hành và gừng theo tỷ lệ 1:1:1 rồi thêm nước sắc uống để ra mồ hôi.
![Theo Đông y tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_338_51466382/b604c117f15918074148.jpg)
Theo Đông y tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn (Ảnh: ST)
- Xông mũi bằng tỏi giảm sổ mũi và ho có đờm: Chuẩn bị vài nhánh tỏi giã nát, cho vào 1 bát tô nước nóng cùng 10 ml giấm gạo. Sau đó xông mũi, miệng để giảm bớt triệu chứng khó chịu 2 lần một ngày. Lưu ý không nên xông quá gần dễ gây bỏng niêm mạc mũi, miệng. Xông hơi tỏi trước khi ngủ sẽ giúp ngủ ngon hơn.
- Chữa cảm lạnh, ho, viêm họng, sổ mũi từ tỏi: Lấy tỏi giã nát rồi xoa lên ngực tới khi thấy nóng lên. Ngày làm từ 2 - 3 lần để đạt hiệu quả.
- Tỏi chữa ho lâu ngày: Chuẩn bị 500 gam tỏi đem bóc vỏ và 50 gam muối. Sau đó trộn hỗn hợp muối và tỏi đã chuẩn bị (còn gọi là muối tỏi) trong 3 ngày. Tiếp theo lấy ra hong khô rồi đem ngâm với giấm ăn, thêm vào một ít đường để từ 2 - 3 ngày thì ăn được. Cách sử dụng rất đơn giản, ăn 1 - 2 tép tỏi ngâm vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ và uống một chút nước giấm tỏi. Cứ ăn 15 ngày thì nghỉ 3 ngày lại tiếp tục tới khi hiệu quả.
2.2. Bài thuốc từ hạt tiêu đen
Hạt tiêu đen có đặc tính chống viêm mạnh mẽ nhờ hợp chất piperine, tinh dầu limonene và beta-caryophyllene. Piperine trong hạt tiêu đen còn có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh mẽ. Các hợp chất thực vật hoạt động của hạt tiêu đen có vai trò thúc đẩy các tế bào bạch cầu, mà cơ thể bạn sử dụng để chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập. Theo Healthline, một nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng, piperine trong hạt tiêu đen có thể ức chế tình trạng viêm đường hô hấp do hen suyễn và viêm mũi dị ứng.
![Hạt tiêu đen có đặc tính chống viêm mạnh mẽ nhờ hợp chất piperine, tinh dầu limonene và beta-caryophyllene (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_338_51466382/06417852481ca142f80d.jpg)
Hạt tiêu đen có đặc tính chống viêm mạnh mẽ nhờ hợp chất piperine, tinh dầu limonene và beta-caryophyllene (Ảnh: ST)
Ngoài các hợp chất thực vật, hạt tiêu đen còn là nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào gồm vitamin A, vitamin E, vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6), vitamin C, vitamin K, mangan, đồng, sắt, canxi, phốt pho, kali, selen, kẽm, crom cực tốt cho hệ miễn dịch, sức khỏe tổng thể cũng như quá trình trao đổi chất.
Bài thuốc từ hạt tiêu đen:
Theo Đông Y, hạt tiêu đen có vị hăng, nồng, sở hữu đặc tính nóng, khô, rất lý tưởng cho người có cơ địa lạnh, ẩm do mắc bệnh cảm lạnh, cúm,... nhờ tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng tiết mồ hôi mà giảm nghẹt mũi, đau nhức cơ thể xương khớp. Liều lượng khuyến nghị khi sử dụng hạt tiêu đen như một loại thảo là từ 1 gam đến 15 gam mỗi ngày.
- Trị cảm lạnh: Cho một chút bột hạt tiêu đen vào cốc sữa nóng, cho thêm một chút bột nghệ, sau đó khuấy đều. Uống loại nước này mỗi ngày đến khi các triệu chứng cảm lạnh thuyên giảm.
- Tiêu đen giúp long đờm: Trộn chút bột tiêu đen vào nước nóng và nhâm nhi như uống trà. Mọi người có thể áp dụng khi triệu chứng đã hết.
- Hạ sốt: Bạn có thể cho một vài hạt tiêu đen và một thìa đường vào bát, cho thêm nước, trộn đều và uống sẽ giúp hạ sốt hiệu quả.
- Trị cảm cúm:Chuẩn bị 1 hạt tiêu đen mới xay, bột gừng, bột tiêu i ốt, mật ong mỗi loại 1 thìa canh rồi trộn đều tay tới khi thành dạng sệt có thể vo thành viên tròn được. Tiếp tục viên thành các viên tròn kích cỡ 2 hạt đậu rồi lăn tất cả qua khoảng 1/2 thìa bột cam thảo để tạo thành áo thuốc có vị ngọt cũng như ngăn các viên thuốc bị dính lại với nhau. Bảo quản trong hộp thủy tinh kín khí trong vòng 6 tháng. Mỗi khi có các triệu chứng cúm như nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu hay cảm lạnh thì dùng 1 viên hoàn sau mỗi bữa ăn.
2.3. Bài thuốc từ gừng
Gừng chứa gingerol và shogaol - đây cũng là hợp chất khiến gừng có vị cay nóng. Hai hợp chất này có tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin và leukotriene cũng như các cytokine gây viêm như IL-1, TNF-α và IL-8. Nhờ vậy mà gingerol và shogaol trong gừng có thể giúp chống lại cảm lạnh vì chúng có thể hạ sốt, giảm đau cơ thể, giảm ho và đau họng.
![Gừng chứa gingerol và shogaol - đây cũng là hợp chất khiến gừng có vị cay nóng (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_338_51466382/6db9e8abd8e531bb68f4.jpg)
Gừng chứa gingerol và shogaol - đây cũng là hợp chất khiến gừng có vị cay nóng (Ảnh: ST)
Tác dụng chống viêm của gừng được biết còn tương đương với thuốc chống viêm NSAID, khiến gừng trở thành lựa chọn giảm đau cho nhiều bệnh như cúm, đau đầu hay giảm đau bụng kinh.
Bài thuốc từ gừng:
Sinh khương hay còn gọi là gừng sống có tên khoa học là Zingiber Officinale; thuộc nhóm tân ôn giải biểu, khu phong trừ hàn; vị cay, tính ấm, có mùi thơm rất đặc trưng. Qui kinh: Phế, vị, tỳ. Tác dụng khu phong tán hàn, tân ôn giải biểu. Hay nói cách khác, gừng giúp cơ thể "toát mồ hôi" nhờ tính ấm, nhờ vậy mà chất độc được thải ra bên ngoài.
- Dùng gừng giải cảm: Pha 1/2 muỗng cà phê bột gừng vào nước sôi, để 10 phút rồi gạn lấy phần nước trong để uống hoặc súc miệng.
- Giảm ớn lạnh do cảm: Chuẩn bị 2 thìa cà phê bột gừng, 3 gam quế vụn, mật ong (nếu có) và một cốc nước đun sôi. Cho tất cả các thành phần trên rồi đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút.
- Nước gừng giảmcảm phong hàn, sốt nhẹ, sợ gió, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau mỏi thân mình: Chuẩn bị khoảng 15 gam gừng cắt lát, đun với nước đường (hoặc 3 quả táo đỏ cắt lát), đun với lửa to, sôi chừng 2 - 3 phút thì tắt bếp, cho ra cốc, dùng ngay khi ấm nóng.
- Giảm tiết chất nhầy, giữ ấm khi bị cúm, cảm lạnh: Chuẩn bị nước ninh xương hầm hoặc nước rau, một vài lát gừng tươi, hạt tiêu đen, 1 - 3 muỗng canh miso và ăn khi còn nóng.
![Có nhiều bài thuốc từ gừng giúp điều trị cảm lạnh, giảm triệu chứng cúm (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_338_51466382/f14f7e5d4e13a74dfe02.jpg)
Có nhiều bài thuốc từ gừng giúp điều trị cảm lạnh, giảm triệu chứng cúm (Ảnh: ST)
- Phòng ngừa cảm mạo, phong hàn: Chuẩn bị gừng tươi và đường đen. Đem gừng băm nhuyễn rồi lấy mỗi thứ một ít đem hãm với nước sôi để uống.
- Trị cảm mạo: Chuẩn bị 1 quả lê, 25 gam gừng tươi đem thái lát mỏng, sắc cùng 1 chén nước rồi uống. Hoặc chuẩn bị 3 lát gừng tươi, 100 gam đầu hành sắc uống thay nước.
Trong phòng ngừa cảm lạnh hay cảm cúm thì sử dụng gừng tỏi ngâm mật ong có tốt không cũng được rất nhiều người quan tâm. Mật ong cũng là một loại thuốc tự nhiên lâu đời, được sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và khi kết hợp với gừng và tỏi, nó có thể cung cấp thêm các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.
Ngoài 3 gia vị kể trên thì một số thảo dược trị cảm cúm khác có thể kể đến như húng quế, tía tô, bạc hà, quế, sả,... cũng rất hữu ích nhờ khả năng làm ấm người, tiêu đờm, giảm ho, kích thích đổ mồ hôi và hạ sốt hiệu quả.
Điều quan trọng là "lắng nghe" các biểu hiện của cơ thể khi sử dụng các loại gia vị hay thảo dược trị cúm này để kịp thời điều chỉnh và sử dụng với liều lượng phù hợp, tránh lạm dụng cũng như lưu ý rằng, các bài thuốc chỉ mang tính hỗ trợ điều trị không thể thay cho chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Nếu các triệu chứng cúm, cảm lạnh kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc tăng nặng lên kèm theo sốt cao, người lừ đừ, li bì, mê man, khó thở, đau tức ngực, ho đờm đặc lẫn máu,... cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra.