Bài toán chi phí và công nghệ: Thách thức kép trên con đường 'xanh hóa'
Chi phí cao, công nghệ chưa theo kịp, thói quen tiêu dùng manh mún... đó là những 'điểm nghẽn' lớn trên con đường 'xanh hóa' nền kinh tế. Tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã tìm kiếm lời giải đồng bộ.
Phát biểu tại Diễn đàn Tiêu dùng Bền vững 2025 do Bộ Công thương và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức hôm nay 2/7, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhấn mạnh: "Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên xanh, với giá trị kinh tế không thể tách rời giá trị môi trường và xã hội. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng bền vững không còn là lựa chọn mang tính đạo đức mà đã trở thành một trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia".
Ông cũng khẳng định, để các chiến lược đi vào cuộc sống, chúng ta cần làm cho tiêu dùng bền vững trở nên dễ tiếp cận, dễ thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, chuyển từ khẩu hiệu thành hành vi hàng ngày.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" cho tiêu dùng xanh: Cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách đến doanh nghiệp.
Trước sự chuyển dịch mạnh mẽ của chính sách và nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lớn và những thách thức không hề nhỏ.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó tổng giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Unilever Việt Nam - một trong những tập đoàn đa quốc gia tiên phong về phát triển bền vững, đã đưa ra những con số ấn tượng: "Chúng tôi đã cải tiến hơn 70% bao bì sản phẩm để có thể tái chế, tăng cường sử dụng nhựa tái chế, ví dụ như sản phẩm Sunlight đã sử dụng 100% nhựa tái chế cho bao bì. Mỗi năm, chúng tôi thu gom và đưa vào tái chế khoảng 13-15 nghìn tấn rác thải nhựa".
Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn thừa nhận, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu tái chế sạch, đảm bảo chất lượng về màu sắc, mùi và các tiêu chuẩn an toàn là một thách thức lớn. "Giá của nhựa tái sinh hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với nhựa nguyên sinh, điều này tạo ra áp lực về chi phí. Hơn nữa, thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân chưa phổ biến cũng khiến nguồn cung nguyên liệu sạch không ổn định", bà Nhi chia sẻ.

Hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp là một con đường dài.
Để giải quyết, Unilever đã phải trực tiếp làm việc với các nhà tái chế như Duy Tân, Lamtran, thậm chí đưa chuyên gia đến tận nhà máy để hỗ trợ cải tiến công nghệ và cam kết bao tiêu đầu ra để họ mạnh dạn đầu tư.
Nếu các tập đoàn lớn có nguồn lực để đi đầu, thì khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) – chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp – lại đang đối mặt với nhiều lúng túng. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho biết: "Rất nhiều doanh nghiệp còn chưa hình dung được ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là gì. Khi chúng tôi đi phỏng vấn, khảo sát, họ gần như không thể đáp ứng được các tiêu chí của bộ chỉ số phát triển bền vững vì nó quá phức tạp và thường dành cho các doanh nghiệp lớn".
Theo bà Hường, các DNNVV thường chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng. Họ không thể tự mình thay đổi cả một quy trình lớn, trong khi nguồn lực về tài chính, công nghệ và nhân sự đều hạn chế. Đây là một điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ.
Ghi nhận thực tế này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết VCCI đã và đang nỗ lực để lan tỏa tinh thần phát triển bền vững. "Bảng xếp hạng các doanh nghiệp bền vững (CSI 100) mà chúng tôi tổ chức hàng năm, năm nay đã là năm thứ 10, chính là một công cụ để khuyến khích. Nhận thấy khó khăn của DNNVV, chúng tôi đã xây dựng một bộ chỉ số riêng, đơn giản hơn, chỉ với 87 chỉ tiêu, trong đó 2/3 là tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ tốt các quy định về môi trường, lao động, kinh tế là đã có thể tham gia," ông Vinh nói.
Kinh nghiệm quốc tế cũng là một bài học quý giá. Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, chia sẻ về mô hình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và Hệ thống thu gom hoàn trả (DRS) đã được áp dụng thành công tại Na Uy từ những năm 90. "Nhờ hệ thống này, chúng tôi đã đạt được tỷ lệ hoàn trả lên tới 92,3% đối với chai nhựa và vỏ lon. Người tiêu dùng trả một khoản tiền cược nhỏ khi mua sản phẩm và nhận lại khi trả vỏ. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ," bà đại sứ chia sẻ. Hiện tại, Na Uy đang hợp tác với UNDP và các cơ quan Việt Nam để triển khai thí điểm mô hình này.