Bài trừ hủ tục mở lối phát triển

Trong cộng đồng 19 dân tộc của tỉnh có chứa đựng nhiều nét văn hóa đã và đang trở thành giá trị di sản văn hóa của nhân loại và cấp quốc gia. Song, bên cạnh đó còn không ít những tập quán lạc hậu vẫn hiện hữu trong đời sống. Vì vậy, để có thể thay đổi các hành vi, nhận thức đến hành động xóa bỏ hủ tục, mỗi người dân cần là một tuyên truyền viên tích cực ngay trong gia đình, bản làng, quê hương của mình.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận của nhân dân, hủ tục trong đồng bào các dân tộc dần được xóa bỏ. Nhiều nơi trong tỉnh đã có mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo. Tiêu biểu trong việc cưới, huyện Đồng Văn tổ chức đăng ký kết hôn tập thể; thành lập các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản; xây dựng gia đình hạnh phúc; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; phòng, chống mua bán người. Tại huyện Bắc Mê có mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới tại 13/13 xã, thị trấn. Đối với huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần làm tốt công tác vận động mọi người không dự lễ cưới các gia đình cho con tảo hôn. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11.520 cặp đôi đăng ký kết hôn, các đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh, với tinh thần vui tươi, tiết kiệm. Các địa phương đã vận động, can thiệp hoãn tổ chức cưới 330 cặp chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn.

Đội tuyên truyền lưu động huyện Yên Minh vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Đội tuyên truyền lưu động huyện Yên Minh vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Trong việc tang, thành phố Hà Giang có phong trào đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng. Ngoài ra, huyện Quản Bạ thành lập ban tang lễ tại tất cả 107 thôn, tổ dân phố, vận động 13 dòng họ dân tộc Mông thực hiện đưa người chết vào áo quan khi làm đám tang. Riêng huyện Mèo Vạc có 4 dòng họ đưa nội dung xóa bỏ hủ tục vào quy chế hoạt động gắn với dòng họ tự quản về an ninh trật tự. Thời gian qua, các huyện, thành phố đã tổ chức trên 400 lễ hội. Nhìn chung, các lễ hội được tổ chức đúng quy định, đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần cũng như nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, các địa bàn dân cư tổ chức được hơn 38.000 buổi vệ sinh công trình công cộng, thôn xóm, tổ dân phố; cải tạo, di dời 13.500 chuồng trại ra xa nhà ở; cải tạo, làm mới 11.091 nhà tắm, 13.731 nhà vệ sinh. Đặc biệt, toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động 338 hộ từ bỏ tà đạo “San sư khẻ tọ” để quay lại phong tục truyền thống.

Đồng chí Lương Đình Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Mèo Vạc cho biết: “Với hình thức đa dạng, phong phú, Trung tâm đã xây dựng các chương trình phát thanh, phóng sự, chuyên trang bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông; tổ chức tuyên truyền lưu động tại cơ sở được 47 buổi, thu hút hơn 13.000 lượt người nghe; treo pa nô, áp phích, băng zôn và cấp phát hàng nghìn tờ rơi xóa bỏ hủ tục đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Vừa qua, tại liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh, Đội tuyên truyền lưu động huyện đã mang đến vở kịch “Phải cải tiến thôi”, phản ánh thực trạng chưa cho người chết vào áo quan trong đám tang của một số dòng họ người Mông. Qua những thông điệp được truyền tải, không chỉ đội ngũ tuyên truyền viên mà mỗi người dân, đặc biệt các dòng họ, nghệ nhân dân gian, Bí thư, Trưởng thôn, người có uy tín chính là nhân tố tích cực trong tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục”.

Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, những nơi vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có đến 525 cặp tảo hôn, 11 cặp hôn nhân cận huyết thống. Cộng động dân tộc Mông, Tày, Dao… vẫn làm đám tang nhiều ngày, người chết chưa đưa vào áo quan và giết mổ nhiều trâu, bò, lợn gây lãng phí. Việc tổ chức lễ hội ở một số nơi còn lúng túng, chưa thành nền nếp, mang tính tự phát, thiếu sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của chính quyền. Để bài trừ các hủ tục là việc làm không thể một sớm, một chiều mà cần có sự chung sức và trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì cùng với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức cho phù hợp với mỗi dân tộc, vùng miền nhằm đảm bảo vừa xây dựng đời sống văn hóa mới, song vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Đúc rút những kinh nghiệm, bài học quý sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27, xác định con người là trung tâm, chủ thể trong việc xóa bỏ hủ tục, từ nơi có điều kiện thuận lợi đến những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới đang tiếp tục duy trì, nhân rộng cách làm hiệu quả, kiên quyết xóa bỏ cái phi văn hóa, phản văn hóa trong đời sống của cộng đồng các dân tộc để mở lối, tạo động lực phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/bai-tru-hu-tuc-mo-loi-phat-trien-1587d97/