Bàn giải pháp tiêu thụ trái sầu riêng

Mới đây, UBND H.Định Quán tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp (DN), cơ sở đóng gói xuất khẩu trái sầu riêng chính ngạch với các HTX, tổ hợp tác (THT), hộ nông dân sản xuất có mã số vùng trồng để bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trên địa bàn H.Định Quán.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan các gian hàng sầu riêng tại lễ công bố xuất khẩu sầu riêng 2023 tại TP.Long Khánh. Ảnh: N.Liên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan các gian hàng sầu riêng tại lễ công bố xuất khẩu sầu riêng 2023 tại TP.Long Khánh. Ảnh: N.Liên

Buổi gặp gỡ diễn ra với mong muốn ngày càng nhiều vườn sầu riêng của các hộ dân trên địa bàn huyện đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

* Vùng trồng sầu riêng tiềm năng

Theo thống kê của UBND H.Định Quán, trên địa bàn huyện hiện có hơn 2,3 ngàn ha diện tích đất trồng sầu riêng. Trong đó, có gần 1,7 ngàn ha cây sầu riêng đã cho sản phẩm. Sản lượng sầu riêng trên địa bàn huyện đưa ra thị trường khoảng 17,3 ngàn tấn/năm. Diện tích cây sầu riêng tập trung chủ yếu tại các xã: Thanh Sơn (716ha), Phú Tân (555ha), Phú Lợi (226ha), La Ngà (114ha)… Nhận định sầu riêng là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nên những năm gần đây, nhiều người dân đã tự chuyển đổi từ các cây trồng như: cà phê, tiêu, điều... sang trồng cây sầu riêng dẫn đến diện tích sầu riêng tăng đáng kể (năm 2017 toàn huyện có 53ha).

Ông Vũ Xuân Ân, thành viên THT sầu riêng ấp 4, xã Thanh Sơn cho biết, THT sầu riêng đang hoàn thành hồ sơ đăng ký thực hiện các tiêu chuẩn theo Nghị định thư đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc với kỳ vọng mùa thu hoạch tới sẽ có thêm nhiều diện tích sầu riêng của bà con đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường tiêu thụ lớn nhất, nhì thế giới.

Theo ông Ân, để trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cần tuân theo các quy định trong quá trình chăm sóc. Khi trái sầu riêng đủ các tiêu chí đưa ra thì mới có cơ hội xuất ngoại. Ông Ân cho rằng, những năm gần đây, người nông dân đã có nhiều thay đổi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây ăn trái, do đó, nếu có sự quyết tâm, kiên trì thì nhất định trái sầu riêng của người dân sẽ đủ các tiêu chuẩn xuất sang những thị trường lớn.

Một DN có mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn H.Định Quán cho biết, Định Quán có diện tích trồng sầu riêng lớn, các địa phương nằm ở vị trí giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, chất lượng trái sầu riêng chưa được đồng đều. Theo DN trên, để các vườn sầu riêng có chất lượng đồng đều, các hộ dân cần có sự kết nối, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong trồng trọt để cùng nhau phát triển, tạo thương hiệu bền vững cho trái sầu riêng Định Quán.

Cũng trong tâm thế chuẩn bị cho vụ mùa tới, ông Phạm Trung Việt, Tổ trưởng THT sầu riêng ấp 94, xã Túc Trưng cho rằng, nếu trái sầu riêng của bà con đạt tiêu chuẩn xuất ngoại thì đây sẽ là cơ hội lớn không chỉ nâng giá trị cây trồng mà còn tăng thu nhập cho người dân, tạo được đầu ra ổn định với giá thành tốt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn.

* Thêm cơ hội, thêm thách thức

Lâu nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn huyện chủ yếu bán cho thương lái với giá trung bình khoảng 30 ngàn đồng/kg, thời điểm cao nhất khoảng 50 ngàn đồng/kg và thấp nhất là 22 ngàn đồng/kg. Quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng của nông dân trên địa bàn chủ yếu dựa vào kiến thức có được từ các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai hoặc theo kinh nghiệm thực tế của một số nhà vườn truyền miệng với nhau, do đó chưa có một quy trình chuẩn cho việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng.

Để nâng cao kiến thức cho bà con, từ đầu năm đến nay, H.Định Quán phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (TP.HCM) tổ chức triển khai các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc xử lý ra hoa, nuôi trái đối với cây sầu riêng cho 240 hộ dân các xã: Thanh Sơn, Phú Tân, Phú Lợi, La Ngà, Túc Trưng.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết, từ khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này đã mở ra cho người dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện một cơ hội lớn trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân; đồng thời, cũng tạo ra một thách thức không nhỏ trong việc sản xuất đảm bảo theo tiêu chí xuất khẩu chính ngạch.

Theo ông Tài, để trái sầu riêng trên địa bàn huyện được phát triển ổn định và bền vững, huyện đã đề nghị các ngành liên quan của huyện phải tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng trồng cây sầu riêng, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng; vận động nông dân liên kết phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, thu nhập của nông dân; vận động nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi sản xuất từ khâu trồng đến tiêu thụ nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo quy trình xuất khẩu của đối tác; đối với các vùng sản xuất đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu cần chủ động phối hợp với DN và đơn vị tư vấn thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đánh giá, cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202306/ban-giai-phap-tieu-thu-trai-sau-rieng-3169631/