Bán hàng thời 4.0
Kinh tế toàn cầu đang ngày càng phát triển nhanh chóng, việc chuyển đổi sang hình thức bán hàng trực tuyến đã trở thành một yếu tố then chốt cho sự thành công của nhiều doanh nghiệp.
Kinh tế toàn cầu đang ngày càng phát triển nhanh chóng, việc chuyển đổi sang hình thức bán hàng trực tuyến đã trở thành một yếu tố then chốt cho sự thành công của nhiều doanh nghiệp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại cơ hội to lớn cho việc bán hàng thông qua các nền tảng trực tuyến đa dạng, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình bán hàng và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, thị trường thương mại điện tử (e-commerce) Việt Nam hiện đang do các nền tảng lớn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, và Tiki chi phối. Trong đó, Shopee là nền tảng dẫn đầu với 67,9% thị phần trong năm nay, kế đến là TikTok Shop với 23,2%, Lazada chiếm 7,6%, trong khi Tiki chỉ chiếm 1,3% thị phần.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc phụ trách Sàn thương mại điện tử, Công ty cổ phần Đầu tư WINCO Group cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp đang dần nhận thức được tầm quan trọng của việc bán hàng qua nhiều nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ tập trung vào một kênh duy nhất, khiến họ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, với sự bùng nổ của các mạng xã hội, việc không tham gia vào các nền tảng này có thể khiến doanh nghiệp bị lạc hậu. Một thách thức lớn hiện nay là việc quản lý và đồng bộ hóa thông tin sản phẩm giữa các kênh khác nhau và điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư không chỉ về công nghệ mà còn về nhân lực.
Bà Phạm Thúy Hạnh, CEO Công ty cổ phần Lumos Cosmetics Việt Nam chia sẻ, bán hàng online đa nền tảng đang trở thành xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, con đường đến với thành công không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Dù nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng cao nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc hiện diện trên nhiều nền tảng. Một số doanh nghiệp lớn đã nhanh chóng chuyển mình và họ đang tận dụng mọi cơ hội để chiếm lĩnh thị trường.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Hoàng Trung Dũng, CEO Công ty TNHH Giải pháp Thương mại Dịch vụ Hoàng Thịnh, lý do đầu tiên có lẽ là vì thiếu nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc thiếu nhân sự lẫn nguồn tài chính. Họ thường bị áp lực về chi phí khi phải đầu tư vào công nghệ mới để theo kịp với sự phát triển của thị trường. Điều này có thể khiến họ chậm chân so với đối thủ cạnh tranh lớn hơn.
Bên cạnh đó, thách thức về quản lý thông tin và việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các nền tảng. Nếu không có hệ thống quản lý hiệu quả, việc cập nhật thông tin sản phẩm, giá cả và chương trình khuyến mãi có thể dẫn đến sự không nhất quán, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Ngoài ra, còn phải kể tới thách thức cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là khi ngày càng nhiều thương hiệu ngoại, sản phẩm nhập ngoại gia nhập thị trường tiêu dùng trong nước... Tất cả những điều này, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp không chỉ cần làm tốt việc phát triển sản phẩm mà còn phải cải thiện trải nghiệm khách hàng và chăm sóc khách hàng ở tất cả các kênh.
Theo nghiên cứu của Google, 53% người tiêu dùng cho biết họ sẽ rời bỏ một trang web nếu phải mất hơn 3 giây để tải. Do đó, doanh nghiệp cần phải ưu tiên làm tốt trải nghiệm người dùng trên tất cả các kênh là điều cấp thiết. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp cũng tự đặt ra mục tiêu, bán hàng online đa nền tảng không chỉ dừng lại ở việc tăng doanh thu mà còn phải xây dựng thương hiệu, tạo sự nhận diện rõ ràng trên thị trường. Mỗi nền tảng có một cách tiếp cận khác nhau nên doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược truyền thông cho phù hợp. Qua đó, giúp khách hàng cảm thấy thú vị và gắn bó với thương hiệu qua mỗi lần tương tác hay từ những quảng cáo trên mạng xã hội, thậm chí là đến những trải nghiệm qua mỗi lần ghé thăm website.
Tìm giải pháp nâng cao nhận thức, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức trong kinh doanh, bán hàng đa nền tảng, theo các chuyên gia, tư duy đúng, tổng thể và toàn diện để cải thiện các chiến lược marketing hay bán hàng là rất cần thiết.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm quản lý đa kênh để theo dõi đơn hàng, hàng tồn kho và phân tích hành vi khách hàng. Một số công ty đã áp dụng thành công các giải pháp này, như Tiki, đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Tiếp theo là việc đầu tư vào phân tích dữ liệu, bởi lẽ phân tích dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng trong việc quyết định chiến lược bán hàng đa nền tảng. Các doanh nghiệp có thể tận dụng Big Data để thu thập thông tin chi tiết về khách hàng, từ đó dự đoán xu hướng tiêu dùng.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu McKinsey & company cho thấy, các công ty biết sử dụng cơ sở dữ liệu sẽ có khả năng tăng doanh thu từ 5-6%. Cuối cùng là việc tiến hành các chương trình khuyến mãi và marketing thông minh để tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Điển hình như vào các dịp lễ lớn Black Friday hay Cyber Monday (Thứ Hai điện tử là ngày thứ Hai đầu tiên sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ), các doanh nghiệp đều có thể tổ chức các chương trình giảm giá hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Ông Lê Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ABsoft, Chuyên gia Chuyển đổi số, cho hay, việc áp dụng bán hàng online đa nền tảng không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường mà còn giảm thiểu rủi ro khi có sự thay đổi bất ngờ từ một kênh duy nhất. Theo dữ liệu của công ty, các doanh nghiệp đang hoạt động trên ít nhất 3 nền tảng đã ghi nhận doanh thu tăng 40% so với năm trước. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Instagram không chỉ giúp tăng mối quan hệ với khách hàng mà còn tạo ra sân chơi tương tác, nơi khách hàng có thể chia sẻ và thảo luận về sản phẩm. Điều này cần thiết trong việc tạo dựng thương hiệu.
Có thể khẳng định, bán hàng online đa nền tảng đang trở thành xu hướng không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh. Từ việc đầu tư công nghệ, phân tích dữ liệu đến việc chạy các chương trình khuyến mãi, các doanh nghiệp cần có những bước đi chiến lược để tối ưu hóa quy trình bán hàng. Khi nắm bắt được xu hướng này, doanh nghiệp sẽ không chỉ tăng trưởng doanh thu mà còn tạo được thương hiệu vững mạnh trên thị trường. Sự phát triển của thị trường thương mại điện tử cùng với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng sẽ là động lực lớn để doanh nghiệp định hình tương lai trong thời đại 4.0.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ban-hang-thoi-4-0/361326.html