Bản lĩnh tuổi trẻ 'dệt' giấc mơ tằm tơ
Chị Trương Ngọc Hoàng ở thôn Sài Lương, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên là một trong những thanh niên tiêu biểu phát triển kinh tế nông thôn từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Vượt qua khó khăn ban đầu chị đã gây dựng thành công Hợp tác xã (HTX) trồng dâu nuôi tằm xã Tân Đồng tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân trong và ngoài địa bàn.

Chị Trương Ngọc Hoàng giới thiệu mô hình nuôi tằm của gia đình.
Sinh năm 1987 tại xã Tân Đồng, chị Hoàng là đoàn viên thanh niên năng nổ, hiện còn kiêm nhiệm thêm công tác chữ thập đỏ, khuyến học của xã. Không sinh ra trong một gia đình làm nghề tằm tơ, nhưng kể từ khi lập gia đình năm 2013, về làm dâu ở thôn Sài Lương, chị đã bén duyên với nghề theo cách rất đỗi tự nhiên. Chị Hoàng chia sẻ: "Những ngày đầu bỡ ngỡ, nếu không có mẹ chồng tận tình chỉ bảo từ cách trồng dâu, chăm tằm, lên nong kén thì chúng tôi không thể có ngày hôm nay. Nghề nuôi tằm tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, hiểu biết không ngừng. Chúng tôi phải học cách tự nghiên cứu, phòng bệnh cho từng lứa tằm”.
Không dừng lại ở việc giữ nghề, chị Hoàng và chồng từng bước phát triển kinh tế lớn mạnh. Năm 2017, vợ chồng chị thầu thêm gần 1 ha đất để trồng dâu, đầu tư sửa chữa nhà tằm, mở rộng quy mô nuôi tằm. Năm 2023, chị Hoàng tiếp tục mua thêm gần 1 ha đất trồng dâu. Tháng 5/2024, sau nhiều trăn trở chị bàn với chồng tập hợp thêm một số hộ nuôi tằm khác trên địa bàn thành lập HTX trồng dâu nuôi tằm xã Tân Đồng do chị làm Giám đốc. HTX ra đời, quy tụ 7 thành viên, phần lớn là thanh niên trong xã cùng có hướng phát triển kinh tế từ nghề truyền thống. Vừa cung cấp giống tằm khỏe mạnh cho bà con, HTX vừa đứng ra bao tiêu sản phẩm kén giúp người dân yên tâm sản xuất.
Chị Hoàng tâm sự: "Trước đây, người nuôi tằm luôn phập phồng vì không có đầu ra ổn định. Bây giờ, HTX cung cấp cả giống và tiêu thụ kén, bà con đỡ lo nhiều rồi”.
Con đường lập nghiệp của gia đình chị Trương Ngọc Hoàng tưởng như bằng phẳng, thuận lợi khi tháng 5/2024, chị đã mạnh dạn mua thêm đất, đầu tư hơn 150 triệu đồng cải tạo đất, mua giống, thuê người trồng dâu. Nhưng khi dâu vừa bén rễ lên xanh thì hoàn lưu cơn bão số 3 ập đến. Chỉ trong một đêm, toàn bộ những luống dâu non xanh tốt bị cuốn trôi. 150 triệu đồng tiền giống, tiền công trồng coi như mất trắng. Đứng trước mất mát lớn, nhiều người có thể sẽ bỏ cuộc nhưng với chị Hoàng khó khăn lại là phép thử của lòng bền bỉ.
Ánh mắt rắn rỏi, chị Hoàng nói: "Vợ chồng chúng tôi động viên nhau nghề này là máu thịt rồi, không thể bỏ. Còn đất là còn nghề, còn nghề là còn hy vọng. Hiện, phần đất bị sỏi đá vùi lấp vẫn đang chờ được cải tạo, còn vợ chồng tôi tiếp tục dồn sức vào các lứa tằm hiện có, giữ vững chất lượng giống, bảo đảm đầu ra ổn định cho HTX”.
Hiện, từ trồng dâu, nuôi tằm, mua bán kén tằm, gia đình chị thu về gần 300 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, không chỉ giỏi làm kinh tế, chị Hoàng còn là đoàn viên tích cực trong công tác xã hội tại địa phương. Từ việc vận động thanh niên chăm lo cho người khó khăn, đến việc khuyến khích học sinh nghèo vượt khó thông qua các hoạt động của Hội Khuyến học, ở đâu cũng thấy dấu chân, nụ cười của người phụ nữ trẻ ấy.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Đoàn xã Tân Đồng nhận xét: "Chị Hoàng là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông thôn. Ở chị là sự kết hợp giữa nghị lực, lòng kiên trì và tinh thần vì cộng đồng, những phẩm chất rất cần có trong thế hệ trẻ hôm nay. Chị là đoàn viên năng động, vừa xây dựng được kinh tế gia đình vững vàng, vừa lan tỏa được mô hình liên kết sản xuất hiệu quả cho bà con địa phương”.
Bằng ý chí vươn lên, khát vọng làm giàu chính đáng, chị Trương Ngọc Hoàng đã và đang từng ngày góp một phần công sức đổi thay diện mạo nông thôn, hình thành mô hình sản xuất bền vững gắn với khởi nghiệp nông nghiệp, tạo nền tảng cho một thế hệ trẻ làm chủ tương lai trên chính mảnh đất quê hương. Đó cũng là hướng đi cần được khuyến khích, tiếp sức và nhân rộng, để tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/349807/ban-linh-tuoi-tre-det-giac-mo-tam-to.aspx