Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN
Ngày 27-2, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến vào báo cáo đánh giá Chương trình phát triển Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các Ban của Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025, nêu rõ: Sau 5 năm triển khai thực hiện, KKT Nghi Sơn và các KCN đã và đang trở thành động lực quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và là một trong những nhân tố quyết định kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đến nay, KKT Nghi Sơn và các KCN có trên 400 dự án đã hoàn thành toàn bộ hoặc một phần và đi vào hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn, có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh, như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn… Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chủ yếu của chương trình. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp – thương mại dịch vụ ước đạt 577.034 tỷ đồng, vượt kế hoạch 30,8%; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 8.576 triệu USD, vượt kế hoạch 39%; thu ngân sách ước đạt 56.379 tỷ đồng; giải quyết việc làm đến thời điểm năm 2020 ước đạt 104.000 người, đạt 62,3%. Đầu tư hạ tầng các KCN 3, 4, 5, 6 thuộc KKT Nghi Sơn ước đạt khoảng 100 ha, đầu tư hạ tầng các KCN ngoài KKT Nghi Sơn ước đạt 400 ha…
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Mục tiêu phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN giai đoạn 2021- 2025, đó là: Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, huy động nguồn vốn của tỉnh và các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong KKT Nghi Sơn và các KCN. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển đồng bộ, hiện đại, trọng điểm của cả nước; kết hợp phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh; hình thành các hợp tác công nghiệp mũi nhọn, thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của các vùng miền để xây dựng và phát riển các KCN, tạo tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế của tỉnh…
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Kết luận nội dung này, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020 là một trong 5 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Sau 5 năm triển khai thực hiện, KKT Nghi Sơn và các KCN đã và đang trở thành động lực quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và là một trong những nhân tố quyết định kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế cần được bổ sung trong báo cáo, đó là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN còn hạn chế; sự nhiệt huyết, sáng tạo chưa cao, nhiều việc giải quyết chưa kịp thời. Ngoài ra, việc kêu gọi đầu tư chưa được chú ý sâu; công tác xúc tiến đầu tư, sự phối hợp giữa huyện Tĩnh Gia và Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN chưa chặt chẽ. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính, xuất phát từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cơ quan chức năng.
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Quang Đảng phát biểu tại hội nghị.
Từ những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần rút ra một số bài học kinh nghiệm. Theo đó, cần xác định tầm quan trọng đặc biệt của chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN; đồng thời phải nhận thức đầy đủ và phải có sự quyết tâm, quyết liệt trong điều hành nhiệm vụ. Chú trọng công tác thu hút đầu tư; lựa chọn, đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong KKT Nghi Sơn và các KCN; quan tâm đào tạo bồi dưỡng về trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và nhiệt huyết trong công tác cho đội ngũ cán bộ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTT Nghi Sơn và các KCN giai đoạn 2021- 2025 được nêu trong báo cáo. Đồng thời đề nghị cần bổ sung thêm mốt số nhiệm vụ, giải pháp đó là: Tập trung ngăn chặn những vi phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; tập trung xúc tiến kêu gọi những dự án lớn. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn để đầu tư và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của KTT Nghi Sơn và các KCN. Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lại thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe báo cáo đánh giá chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giai đoạn 2016-2020. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,0%; tổng sản lượng lương thực bình quân đến năm 2020 ước đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng giảm nông nghiệp và tăng lâm nghiệp, thủy sản. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 ước đạt 53,46%, vượt 0,43%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 36,9 triệu đồng/người/năm, gấp 2,05 lần so với năm 2014; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020 ước đạt 95,5%. Đến nay, toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện, 367 xã, 917 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, trong giai đoạn qua, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong XDNTM được tăng cường; các ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai ở nhiều địa phương…
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền phát biểu tại hội nghị.
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả…, Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,7%; sản lượng lương thực có hạt hàng năm ổn định 1,5 triệu tấn/năm; tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2025 đạt 54%; thu nhập bình quân đầu người nông thôn đến năm 2025 gấp 1,53 lần so với năm 2020. Đến hết năm 2025, có thêm 8 huyện, thị xã; có 88% số xã, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã…
ĐỒng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Kết luận nội dung trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM, giai đoạn 2016- 2020 là một trong 5 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Chương trình được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào sự thành công chung của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế cần được bổ sung trong báo cáo, đó là: Việc xây dựng sản phẩm có thương hiệu còn chậm; cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp thời gian vừa qua chậm nên một số ít chỉ tiêu chưa đạt; một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp kéo dài thời gian, song chưa có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để giải quyết; việc chuyển đổi ruộng đất và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chưa đạt ưu cầu; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp nông thôn hiện nay chưa được cải thiện tích cực, trong đó các HTX hoạt động kém hiệu quả. Quy hoạch phát triển NTM còn chậm và kém hiệu quả. Tình trạng nợ đọng trong XDNTM chưa giải quyết hết. Vệ sinh môi trường nông thôn phần đa chưa chú trọng…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM, giai đoạn 2021- 2025; đồng thời cũng cho ý kiến điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về tỷ lệ che phủ từng đến hết năm 2025; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2025; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2025…
Cũng tại hội nghị, sau khi nghe các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo đề nghị điều chỉnh chủ trương thực hiện bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, phát biểu kết luận, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ công an, trên cơ sở kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hội nghị này Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn trên địa bàn trước ngày 31-3-2020. Theo đó, đối với những xã, phường đã bố trí được thì tiếp tục củng cố; còn đối với những đơn vị chưa bố trí được thì bố trí theo phương án: Trưởng công an các đơn vị còn lại đều được bố trí là công an chính quy; phó trưởng công an có thể bố trí là công an chính quy hoặc trưởng phó công an xã, phường, thị trấn hiện nay. Đối với công an viên cũng trên tinh thần nếu có công an chính thì bố trí, còn nếu không có thì bố trí công an viên hiện nay. Quá trình triển khai bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Chế độ chính sách thực hiện theo đúng Kết luận số 891-KL/TU, ngày 19-9-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian bố trí theo quy định về công tác cán bộ; giao Công an tỉnh bố trí lực lượng theo đúng tinh thần kết luận này.