Bánh dây - Món ăn dân dã của miền đất võ
Bánh dây là một món ăn được làm từ gạo, nhưng lại mang hương vị rất đặc biệt là đặc sản của thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Mới nhìn ai cũng bảo bánh dây trông giống bún thì có gì mà đặc biệt thế? Điểm đặc biệt trong công đoạn chế biến đó chính là muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ đã thu hoạch từ nhiều tháng trước. Gạo đem ngâm nước sạch rồi phơi cho khô, sau đó ngâm với nước tro củi đã được lọc sạch khoảng 6 tiếng. Còn nước tro ngâm gạo thì phải là tro củi dừa, sàng mịn, rồi cho vào nước khuấy đều, đợi đến khi lắng xuống thật trong thì lọc bỏ sạch tạp chất mới đem vào sử dụng. Nhờ nước tro mà bánh dây mới có màu vàng đặc trưng cũng như độ dai mà không phải dùng đến “hàn the” và bảo quản được lâu hơn. Chính vì được ngâm cùng nước tro củi nên người dân ở đây còn thường gọi bún nước tro.
Gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay nhuyễn thành bột và hấp chín. Đặc biệt, trong quá trình hấp, người làm bánh phải liên tục dùng tay khuấy để bột được chín đều và không bị cháy khét. Khi bột chín đều và ráo nước thì đem ra nhào bột thật dẻo mịn, rồi cắt thành miếng nhỏ cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi nhỏ, sau đó đem đi hấp cách thủy cho chín đều và phải có màu vàng nhạt tự nhiên và bắt mắt.
Bánh dây phải ăn theo kiểu bún trộn và để nguội thì mới ngon. Khi ăn người ta sẽ dùng một ít dầu hẹ để thoa đều vào từng sợ bánh và rải đậu phộng giã nhỏ lên. Vị dai của sợi bánh dây hòa lẫn với mùi thơm của đậu phộng cùng vị chua ngọt của nước mắm tạo nên một món ăn dân dã, mộc mạc nhưng vẫn mang đậm hương vị riêng khó quên của vùng đất Bình Định.
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/banh-day-mon-an-dan-da-cua-mien-dat-vo-682573.html