Báo chí cách mạng - Tổ quốc và nhân dân

Ngày 21/6/1925, tờ báo cách mạng đầu tiên mang tên Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và tổ chức ra đời tại Quảng Châu (Trung Quốc). Bác Hồ đã thấm nhuần và thực hiện rất đúng quan điểm của Lênin về báo chí: 'Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị' và 'Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung'.

Với gần 90 số, báo Thanh niên đã làm tròn nhiệm vụ cao cả mà lịch sử giao phó là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhân dân ta, góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức cho Đảng cộng sản Việt Nam ra đời để đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo dân tộc rũ bùn đứng lên chống thực dân, đế quốc xâm lược tàn bạo, chống phong kiến lạc hậu phản động nhằm giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do, hòa bình thống nhất non sông, mang lại hạnh phúc cho đồng bào.

Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm sóng gió lịch sử dữ dội, những khúc quanh thời cuộc éo le, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Những người làm báo cách mạng thực sự xứng đáng là các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đồng hành bền bỉ với Đảng và nhân dân qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong dựng xây đất nước xã hội chủ nghĩa.

 Phóng viên tác nghiệp tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang.

Phóng viên tác nghiệp tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang.

Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của báo chí Việt Nam gắn liền với những bước đi kỳ diệu của cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo; những kỳ tích, thành tựu của đất nước trong thế kỷ XX và các thập niên đầu thế kỷ XXI. Tổ quốc và nhân dân đã, đang và sẽ mãi mãi là cảm hứng, đề tài, nội dung phản ánh trung thực của báo chí. Báo chí nước ta gắn chặt với những vấn đề đó như yêu cầu, đòi hỏi của lịch sử, cũng là trách nhiệm, tình cảm của mỗi người cầm bút chân chính. Không có gì lớn hơn Tổ quốc và nhân dân; báo chí cách mạng phục vụ vô điều kiện cho lợi ích dân tộc Việt Nam trong khát vọng hòa bình và dựng xây cuộc sống hạnh phúc cho muôn người.

Gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng thực sự là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Người làm báo có quyền tự hào là được góp phần tích cực vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 “Bắc Trung Nam khắp ba miền/ Đứng lên khởi nghĩa chính quyền về tay” (Thơ Tổ Hữu); thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tiếp đó là những thành tựu quan trọng của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bây giờ là nền kinh tế số, kinh tế xanh…

Không thể nói khác được, báo chí cách mạng đang đồng hành với Tổ quốc, với nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong bước đồng hành đó, nhiều nhà báo xuất sắc đã xuất hiện, có nhà báo đã ngã xuống trên chiến hào chống giặc ngoại xâm trở thành liệt sĩ được nhân dân vô cùng kính trọng, thương tiếc. Không ít nhà báo là thương binh, bệnh binh vẫn giữ mãi “lòng trong, bút sắc” phục vụ Tổ quốc, cống hiến cho nhân dân.

Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của báo chí Việt Nam gắn liền với những bước đi kỳ diệu của cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo; những kỳ tích, thành tựu của đất nước trong thế kỷ XX và các thập niên đầu thế kỷ XXI.

Báo chí cách mạng trở thành một bộ phận rất quan trọng của văn hóa Việt Nam. Thông qua các tác phẩm báo chí, những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc được truyền bá, chuyển tải như một dòng chảy không bao giờ ngừng; những giá trị văn hóa mới được phát hiện, phản ánh, nêu gương và lan tỏa góp phần bồi đắp, hội tụ, gạn đục khơi trong dựng xây phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới của thời đại mới. Xây và chống cùng đồng thời tiến hành trong công cuộc phục hưng văn hóa lâu dài, phức tạp. Nêu gương, xây dựng, phát triển cái tốt nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ phê phán cái xấu để xã hội trong sạch, tốt đẹp hơn. Không ít các hiện tượng tiêu cực, sai phạm bị báo chí phát hiện, phản ánh, lôi ra ánh sáng. Cần phải ghi công lớn cho báo chí trong cuộc đấu tranh chống lại những sai trái, tiêu cực đang diễn ra trong xã hội. Người làm báo vẫn là người chiến sĩ đi đầu trên mặt trận chống “giặc nội xâm” không kém phần gian nan, phức tạp và hiểm nguy.

 Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đưa tin các trận thi đấu cầu lông tại SEA Games 31 tổ chức ở Bắc Giang.

Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đưa tin các trận thi đấu cầu lông tại SEA Games 31 tổ chức ở Bắc Giang.

Báo chí cách mạng vừa là tiếng nói của nhân dân, vừa là nhịp cầu nối rất quan trọng giữa Đảng với dân, dân với Đảng; giữa Nhà nước với dân, dân với Nhà nước. Thông qua báo chí, quyền lợi dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra sẽ có cơ hội được thực hiện minh bạch và có hiệu quả. Từ đó dân có điều kiện phát huy quyền làm chủ của mình và điều đó khẳng định tính ưu việt của chế độ ta là của dân, do dân, vì dân như cương lĩnh Đảng ta đã xác định. Báo chí là một trong những phương tiện quan trọng hàng đầu để nhân dân thực hiện tốt quyền giám sát của mình. Và đó cũng là nơi người dân thực hiện tốt quyền tự do ngôn luận đã được ghi vào luật. Những tờ báo có uy tín hiện nay rất chú trọng tính phản biện, luôn coi đó là yếu tố sống còn của một ấn phẩm báo chí trong thời đại 4.0 này. Nhân dân mong đợi như thế ở nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập và tổ chức.

Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần khắc sâu lời Bác dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” và đừng quên: “Một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”…

Trong sự kết nối rất sâu rộng mang tính toàn cầu hóa, báo chí cách mạng còn góp phần tích cực vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới, thúc đẩy quá trình chủ động hội nhập quốc tế của đất nước ta. Hình ảnh Việt Nam qua báo chí sẽ đến với bạn bè gần xa, giúp họ hiểu biết và yêu mến đất nước này. Phong cách ngoại giao “cây tre” cứng cỏi mà lại rất uyển chuyển như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von sẽ được trợ lực từ báo chí cách mạng. Đấy là điều không phải nghi ngờ gì nữa. Cái quan trọng hơn mỗi tờ báo, tạp chí phải biết biến ý tưởng đó, tinh thần đó thành hiện thực sinh động thông qua những tác phẩm hay có sức truyền cảm mạnh mẽ. Điều rất đáng mừng hiện nay là báo chí đang được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những giải báo chí quốc gia, giải báo chí ngành đã thể hiện một phần điều tuyệt vời đó.

Trong một bài ngắn rất khó để nói hết những gì báo chí cách mạng đã làm được trong gần một thế kỷ qua. Bao nhiêu chặng đường đã đi qua. Bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã thấm trên từng trang viết. Bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn đã trải. Có cái thành công nhưng cũng có thất bại. Có người trưởng thành nhưng cũng có kẻ thoái lui, biến chất. Dòng đời vẫn trôi đi, sự đục trong, sáng tối là chuyện thường tình nhưng nhìn lại, đội ngũ nhà báo đông đảo vẫn giữ vững phẩm chất chiến sĩ cầm bút của mình. Vẫn viết cho Tổ quốc và nhân dân bằng tình yêu và trách nhiệm thiêng liêng cao cả. Lớp ông cha đến lớp con cháu vẫn lấy lòng yêu nước, thương dân làm cốt lõi đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần khắc sâu lời Bác dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” và đừng quên: “Một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”…

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-chi-cach-mang-to-quoc-va-nhan-dan-082719.bbg