Báo chí cách mạng Việt Nam - Cánh chim báo bão của Đảng - Bài 4
Bài 4: Từ đầu nguồn Pác Bó, báo Việt Nam độc lập thắp lửa cách mạng giải phóng dân tộc'Hang lạnh nhớ tay người đốt củi/Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/Ai hay ngọn núi trong hang ấy/Mà sáng muôn lòng vạn kiếp sau… (Theo chân Bác - Tố Hữu)… Từ hải ngoại trở về Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cán bộ cách mạng dù hoạt động bí mật trong hang sâu, rừng thẳm đối mặt với muôn ngàn gian khó vẫn tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941), cho xuất bản Báo Việt Nam độc lập (1/8/1941) để tuyên truyền đường lối của Đảng, vận động, giác ngộ các tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa cách mạng cả nước, giành chính quyền về tay nhân dân' - Chị Vi Thị Thoa, hướng dẫn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) xúc động kể lại.
Ông Ké giác ngộ đồng bào học con chữ, đọc báo để đi theo cách mạng
Lời kể cảm động của chị Vi Thị Thoa đã giúp đoàn công tác của chúng tôi hiểu rõ hơn về hành trình theo chân Bác (những năm 1941 - 1945) hoạt động bí mật tại Pác Bó, được đồng bào các dân tộc Cao Bằng đùm bọc, gắn bó thủy chung đã xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tại nơi đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng (ngày 10 - 19/5/1941) tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) đã xác định: Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc rộng rãi lấy tên là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức phong trào Việt Minh đến với các tầng lớp nhân dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo xuất bản tờ báo Việt Nam độc lập (1/8/1941) để tuyên truyền đường lối của Đảng, vận động, giác ngộ nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng, thắp lửa cho phong trào cứu nước rộng khắp.

Cán bộ, phóng viên Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tham quan, tìm hiểu về sự ra đời của Báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).
Đứng trước sự kiểm soát, vây bắt, lùng sục gắt gao của thực dân Pháp và tay sai, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ của Đảng như thế nào? Khó hơn nữa là đa số người dân mù chữ làm sao đọc được báo cách mạng? Chị Vi Thị Thoa, cháu ngoại của cố Lão thành Cách mạng Hoàng Thị Khìn - người đưa cơm cho Ông Ké (tên gọi thân mật của dân bản Pác Bó với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) thường được nghe cụ Khìn kể lại: “Ngày đó, hai chị em bà Khìn vào hang Pác Bó đưa cơm cho Ông Ké. Ông ân cần hỏi thăm “Các cháu có biết vì sao dân bản ta sống phải khổ cực dưới ách áp bức bóc lột của quân Pháp và quan lại phong kiến không? Vì thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, không cho dân ta đi học chữ, không hiểu biết để dễ cai trị, đàn áp, bóc lột. Vì vậy, các cháu phải học chữ để biết đọc sách, báo, theo tổ chức Việt Minh làm cách mạng đánh đuổi bọn chúng, giành độc lập, chính quyền về tay nhân dân mới hết khổ… Về nhà, hai chị em kể chuyện Ông Ké cho Pá (bố) nghe, được Pá động viên, hai chị em bà Khìn đi học chữ và vận động dân bản cùng đi học.
Ông Ké giao nhiệm vụ cho cán bộ cách mạng vừa tuyên truyền vận động, giác ngộ nhân dân theo Việt Minh, vừa dạy chữ cho dân và gây dựng tổ chức cách mạng, từ đó đã thắp ngọn lửa niềm tin trong nhân dân đi theo Việt Minh. Ông Ké chỉ đạo mấy đồng chí cán bộ dựng lán sau bàn đá mà Bác thường ngồi làm việc trên đầu nguồn hang Pác Bó để tổ chức lớp học. Thầy giáo là đồng chí Cao Hồng Lĩnh. Thường ngày, sau giờ làm việc, Ông Ké lên thăm lớp học, động viên mọi người và giảng bài về đạo đức người cán bộ. Bác tặng hai chị em bà Khìn cuốn sách Ngũ tự kinh và dặn: “Các cháu nhớ học chữ để đọc hiểu cuốn sách này. Hiểu biết rộng để làm cách mạng, sau này đứng lên giành độc lập, tự do thì Bác mới trả được hết công lao các cháu”...
Dưới sự chỉ đạo, tuyên truyền giác ngộ của ông Ké và cán bộ cách mạng, từ tháng 1 - 4/1941, phong trào học chữ, đi theo cách mạng ngày càng được đông đảo bà con Pác Bó tin tưởng, đi theo Việt Minh, thành lập 5 đội cứu quốc tham gia đóng góp lương thực, lấy củi đổi muối nuôi cán bộ, làm tốt công tác hậu cần, đưa đón, bảo vệ cán bộ 3 miền: Bắc, Trung, Nam về Pác Bó học các lớp tập huấn cán bộ, du kích… Từ Pác Bó, phong trào Việt Minh mở rộng ra châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình kết nạp thêm hàng nghìn hội viên là đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao… hăng hái học chữ và trở thành các châu Việt Minh hoàn toàn. Sau đó, cán bộ Đảng phát triển phong trào Việt Minh từ Cao Bằng theo con đường Nam tiến nối với Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên thông xuống miền xuôi…
Với sự phát triển lan rộng của phong trào Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản báo Việt Nam độc lập (xuất bản số đầu ngày 1/8/1941), là cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Minh đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, tổ chức đoàn thể đón nhận.
Tờ báo in trong rừng sâu mở đường độc lập cho dân tộc
Trước mọi gian khó, dù không có máy in, nhà xưởng… Chỉ có vài tấm đá, chiếc máy in rô-nê-ô thô sơ mang từ Trung Quốc, ít giấy in và một vài bản chì khắc bằng tay... Nhưng với trí tuệ, lòng yêu nước và quyết tâm sắt đá, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cán bộ Đảng đã biến rừng sâu thành “tòa soạn”, suối đá thành “bàn in”, mài mực từ than củi trộn dầu để xuất bản tờ báo Việt Nam độc lập đầu tiên được in trong lán Khuổi Nặm... Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp viết bài, sửa morat, rồi cùng anh em in, phát cho cán bộ đem đến các cơ sở cách mạng - Chị Vi Thị Thoa xúc động kể.
Nhìn Báo Việt Nam Độc lập ra số đầu tiên ngày 1/8/1941, được đánh số 101 xuất bản tại lán Khuổi Nặm được trưng bày tại Nhà trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng), chúng tôi càng hiểu sâu vai trò báo chí cách mạng Việt Nam mở đường của Đảng cho toàn dân dân đi theo. Ngay trang nhất của Báo Việt Nam độc lập có bài xã luận nêu rõ Tây cốt làm cho dân ta ngu hèn. Báo Việt Nam độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do. Trang nhất số 103 đăng bức tranh cổ động do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẽ một người cầm loa, dáng kêu gọi, hình người và loa hợp thành tên báo, đăng 4 câu thơ: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa/Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”.

Một số số Báo Việt Nam độc lập trưng bày tại Nhà trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng).
Theo con đường Nam tiến phát triển phong trào Việt Minh, Báo Việt Nam độc lập xuất bản từ Pác Bó được cán bộ Việt Minh chia nhau mang báo đi rải khắp các xã, bản. Đường đi cheo leo, hiểm trở, phải băng suối, chèo đèo, nhưng từng tờ báo vẫn đến được tay cơ sở cách mạng và người dân. Các đội tuyên truyền thường đọc to nội dung bài viết ở chợ phiên, hội làng hoặc giữa buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Mỗi lần báo Việt Nam độc lập đến bản, cả bản quây quần lại, người biết chữ đọc cho người không biết chữ nghe. Mỗi bài báo là một tia sáng xua đi màn đêm nô lệ, thắp lên lòng tin vào tương lai tự do.
Có những lần bị địch phục kích, cán bộ phải giấu báo vào các ống tre, gùi theo thóc lúa, bọc dưới lớp măng rừng… nhưng không ai nản lòng. Họ hiểu tờ báo ấy không chỉ là giấy và mực mà là ngọn đuốc cách mạng soi đường tương lai.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa toàn quốc, Báo Việt Nam độc lập đã đóng góp quan trọng: “Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”, Báo Việt Nam độc lập đã in Chỉ thị đến tay các tổ chức Đảng và nhân dân để chuẩn bị các điều kiện cho tổng khởi nghĩa toàn quốc. Sau khi Đội Việt Nam Tuyên tuyên truyền giải phóng quân mở trận đánh đầu tiên vào đồn Phai Khắt - Nà Ngần giành chiến thắng vang dội ngày 25 - 26/12/1944, đã được Báo Việt Nam độc lập số 201, ra ngày 5/1/1945 đăng hai bản “Thông cáo” số 1 và 2 về chiến thắng mở đầu của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, khẳng định sức mạnh, tinh thần chiến đấu của quân đội ta; có sức cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chuẩn bị thời cơ tiến lên tổng khởi nghĩa toàn quốc” - Thiếu Tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết.
Tờ báo Việt Nam độc lập xuất bản trong muôn vàn gian khó nhưng mang trọng trách to lớn, tuyên truyền đường lối cứu nước của Việt Minh, giác ngộ quần chúng nhân dân, động viên đồng bào đứng lên chống Pháp - Nhật. Mỗi số báo chỉ vài trang, nhưng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, mạch lạc. Đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn chú trọng viết gần gũi với quần chúng, viết ngắn, súc tích, sử dụng vần điệu, ví dụ dễ hiểu, tranh biếm họa, vè dân gian… Trong một bài viết đăng trên báo Việt Nam độc lập, Bác Hồ khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời hiệu triệu ấy, vang vọng giữa đại ngàn, đã lan xa về tận các bản làng xa xôi của Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn,… rồi từ đó, thấm dần xuống đồng bằng, thành phố. Tờ báo trở thành “người bạn” đồng hành, người thầy khai sáng và là lời hịch kêu gọi đứng lên của cả dân tộc đang chìm trong tăm tối… Nhà báo PHAN HỮU MINH, nguyên Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam.
Báo Việt Nam Độc lập ra 10 ngày một kỳ, mỗi kỳ 400 tờ; năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chuyển cơ quan từ Pác Pó về vùng núi Lam Sơn, Hồng Việt (Hòa An) là khu căn cứ địa Lam Sơn. Báo Việt Nam độc lập cũng từ Pác Bó chuyển về vùng này ở Lũng Hoài, Bó Hoài... và xuất bản số báo 120 (số 20) ra ngày 10/3/1942.
Thời gian đầu, Báo Việt Nam độc lập là của Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng (từ số 101 - 128). Sau đó, địa bàn hoạt động của cách mạng mở rộng từ Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn, Báo Việt Nam độc lập trở thành cơ quan của liên Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng - Bắc Kạn (từ số 129 - 186) và Liên bộ Việt Minh 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng (từ số 187 - 225). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Báo Việt Nam độc lập tiếp tục xuất bản, là cơ quan ngôn luận của 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Từ năm 1946 - 1954, Báo Việt Nam độc lập là cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, Tỉnh hội Liên Việt Cao Bằng. Tháng 7/1956, Báo Việt Nam Độc lập được chuyển về Khu tự trị Việt Bắc, là cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Liên Việt Khu tự trị Việt Bắc.
Từ tờ báo nhỏ in giữa rừng Pác Bó, Báo Việt Nam độc lập đã góp phần tích cực thúc đẩy phong trào Việt Minh lan rộng khắp Việt Bắc thông xuống miền xuôi…, vận động, giác ngộ nhân dân cả nước đoàn kết, dồn mọi sức lực, chuẩn bị các điều kiện đứng lên Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945 thành công. Báo Việt Nam độc lập từ cơ quan tuyên truyền thành ngọn cờ tiên phong của Đảng dẫn đường cho cả một dân tộc sống dưới ách nô lệ đứng lên làm cuộc cách mạng vĩ đại. Đó là minh chứng cho sức mạnh của báo chí cách mạng dưới sự dẫn dắt thiên tài nhà báo cách mạng quốc tế Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.