Người đuổi 'ma đói' ở làng Le

Rơ Măm là một trong 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người, sinh sống chủ yếu ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Trước đây, khi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Rơ Măm gặp nhiều khó khăn, thì A Thái, sinh năm 1992, một người con ưu tú của đồng bào Rơ Măm, chính là người có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào chung sức xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.

Người Rơ Măm tự hào có A Thái

“Cách đây 4 năm, khi A Thái, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, người dân làng Le mở hội ăn mừng. Già làng lúc đó là ông ABlong, nói với mọi người rằng: Từ nay về sau, dân làng cứ noi theo A Thái mà học hành, làm kinh tế, xóa đói nghèo, lạc hậu, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. A Thái là thủ lĩnh ưu tú của buôn làng, là biểu tượng cho sự phát triển của đồng bào Rơ Măm mình hôm nay và mai sau. Người Rơ Măm mình tự hào có A Thái”, già làng A Ren (làng Le) bắt đầu câu chuyện về A Thái với chúng tôi như vậy trong một buổi chiều muộn ở làng Le.

Theo lời kể của già làng A Ren, A Thái là tấm gương truyền cảm hứng cho đồng bào Rơ Măm về sự nỗ lực học tập, rèn luyện, vượt qua những tập tục lạc hậu, vươn lên thoát đói nghèo và đảm trách những công việc quan trọng của xã hội. “Làng Le mình hiện chỉ có 192 hộ với 582 nhân khẩu. Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn một nửa thì nay dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn A Thái, làng chỉ còn 7 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo và ngày càng có nhiều hộ vươn lên làm kinh tế giỏi, có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng như chính gia đình A Thái và các hộ gia đình: A Khải, A Glong, A Thu, A Chấp, A Glôi... Điều đáng mừng hơn nữa là 100% các cháu trong độ tuổi đến lớp đều được đi học và có nhiều cháu đang theo học hoặc đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, có việc làm, thu nhập ổn định. Văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm và các lễ hội của người Rơ Măm được bảo tồn, phát triển”, già làng A Ren nói.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trao giấy khen tặng A Thái vì có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trao giấy khen tặng A Thái vì có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

“Cụ thể, A Thái đã làm được những việc gì giúp người Rơ Măm ở làng Le có sự tiến bộ như vậy, thưa già?”. Câu hỏi của tôi đã gợi lại ký ức xa xưa và những khó khăn của đồng bào Rơ Măm trước đây, già làng A Ren chậm rãi kể, cũng giống như các dân tộc khác sinh sống trên dãy Trường Sơn-Tây Nguyên, hoạt động kinh tế của người Rơ Măm phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên với tập quán canh tác lạc hậu, thô sơ, chủ yếu là phát, đốt, chọc, trỉa. Vì vậy, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám quanh năm. Năm 2016, A Thái được người dân tín nhiệm bầu làm thôn phó, rồi năm 2018, được bầu làm Trưởng thôn làng Le khi đang theo học ngành luật của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Từ đó, A Thái luôn chứng tỏ được năng lực lãnh đạo, miệng nói tay làm, từng bước đưa người dân thoát được cái đói, cái nghèo, tránh xa hủ tục.

“Giờ này chắc A Thái về rồi, chúng ta đến nhà A Thái nhé, các anh có thể hỏi kỹ hơn!”, già làng A Ren đề nghị khi mặt trời khuất hẳn sau đỉnh Chư Mom Ray hùng vĩ. “A Thái nếu không đi họp, đi gọi vốn, đi tìm cây giống, con giống thì ở ngoài rẫy với dân, hướng dẫn người dân làm đất, xóa bỏ vườn tạp, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mặt trời đi ngủ mới về nhà”, già làng A Ren giải thích với niềm tự hào về người con ưu tú của đồng bào Rơ Măm.

A Thái (ngoài cùng, bên trái) và lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân.

A Thái (ngoài cùng, bên trái) và lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân.

Dẫn dắt đồng bào vượt qua hủ tục, vươn lên thoát nghèo

Tiếp chúng tôi trong căn nhà to đẹp, khang trang, đầy đủ tiện nghi, A Thái vừa rót nước mời khách vừa cười nói: “Ngôi nhà này tôi xây hết hơn 1 tỷ đồng, là thành quả sau nhiều năm lao động chăm chỉ của cả gia đình. Ngày trước, nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác ở làng Le này bị ràng buộc, bị hạn chế bởi nhận thức còn thấp và nhiều hủ tục. Từ nhỏ, khi nhiều bạn bè cùng trang lứa bỏ học, lấy vợ, lấy chồng, tôi vẫn quyết tâm theo học hết lớp 12, rồi nhập ngũ vào Quân đội để rèn luyện bản lĩnh, ý chí, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Sau khi xuất ngũ, tôi tiếp tục đi học đại học. Cũng nhờ học tập mà tôi hiểu được rằng, muốn thoát nghèo thì phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang các cây có giá trị kinh tế cao như cây điều, cao su. Và muốn giúp bà con thoát nghèo thì mình phải tiên phong làm mẫu trước, cán bộ, đảng viên mà không làm kinh tế giỏi thì nói ai nghe”.

Từ suy nghĩ đó, A Thái đã phát triển vườn cây của gia đình lên 3ha sắn, 6ha điều, 4,5 ha cao su và 4 sào lúa nước, thu nhập mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Anh là người Rơ Măm tiên phong đầu tư mua máy xúc và nhiều phương tiện, máy móc, vừa phục vụ gia đình, vừa giúp bà con đào hố cao su, làm đường, vận chuyển phân bón, hàng hóa nông sản.

“Làng còn 29 hộ nghèo và cận nghèo. Chiều nay, tôi vừa hỗ trợ 4 hộ trong diện này đào hố trồng cây cao su, ngày mai sẽ lên TP Kon Tum mua cây giống về cho họ trồng. Tôi cứ ứng tiền của mình ra trước, sau này cây cao su cho thu hoạch, họ thoát nghèo có tiền trả tôi sau cũng được. Tôi sẽ giúp từng hộ đến khi làng Le không còn hộ nghèo, cận nghèo mới thôi”, A Thái chia sẻ.

“Trong hành trình giúp nhân dân làng Le đuổi “ma đói”, nhiều lần A Thái phải chống lại ý Yàng (trời), dẫn dắt bà con vượt qua hủ tục. A Thái kể cho mọi người nghe chuyện đó đi”, già làng A Ren gợi ý.

“Ngày mới làm trưởng thôn, tôi cứ trăn trở mãi, chuyện là từ thời xa xưa, người Rơ Măm từng nuôi bò, nhưng có một thời gian bò bị bệnh chết hàng loạt, bà con cho rằng, Yàng không cho bà con nuôi bò. Từ đó, người Rơ Măm lập lời thề không bao giờ nuôi bò nữa mà chỉ nuôi trâu, nếu ai nuôi bò thì cả làng sẽ bị Yàng phạt. Có lần, Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống cho bà con nhưng không ai dám nhận. Tôi và cán bộ các cấp đến từng hộ dân giải thích, vận động để bà con nhận bò về nuôi. Khi thấy bò nuôi ở làng phát triển tốt, một số hộ dân đã mua thêm bò về nuôi, dần dần bỏ được hủ tục đó. Giờ thì nhiều hộ đồng bào Rơ Măm phát triển đàn bò từ 3 đến 5 con, tích lũy được nguồn vốn, đầu tư sản xuất để thoát nghèo”, A Thái kể.

Cũng theo A Thái, trước đây, người Rơ Măm thường mổ nhiều trâu, dê, heo để cúng Yàng và các vị thần; tổ chức đám cưới, đám ma dài ngày, cúng chữa bệnh, ăn uống rất tốn kém. Nhiều gia đình có việc hiếu, việc hỷ, đau ốm phải làm cỗ hết sạch gia tài, thậm chí phải đi vay mượn, 3-4 năm sau cũng không trả hết. A Thái phải tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo xã Mô Rai, cán bộ chuyên trách huyện Sa Thầy, Bộ đội Biên phòng, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) tuyên truyền, vận động người dân bỏ các hủ tục. “Xóa được các hủ tục, người Rơ Măm như bỏ được cái gông trên cổ đè nặng từ bao đời nay, cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum và chính quyền các cấp với nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đã giúp người Rơ Măm có cuộc sống như ngày hôm nay”, A Thái nói.

Theo đồng chí Lê Văn Cao, Phó chủ tịch UBND xã Mô Rai, từ ngày A Thái trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum đã mang được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người Rơ Măm đến nghị trường, đồng thời là cầu nối, góp phần để tỉnh Kon Tum có nhiều quyết sách quan trọng, tiêu biểu như Đề án "Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025" của UBND tỉnh Kon Tum với nhiều chính sách, giải pháp, nguồn lực ưu tiên phát triển làng Le. Trong thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, A Thái cũng là một nhân tố tiêu biểu. Đặc biệt là sáng tạo, quyết liệt trong giúp nhân dân xóa vườn tạp. Anh là người đưa ra sáng kiến chọn các đảng viên: A Niểu, A Ék, A Việt, A Kinh, A Trinh, Y Vác... tiên phong xóa vườn tạp để người dân học tập, làm theo. Nhờ đó, hơn 10,470ha vườn tạp của người dân ở làng Le được cải tạo để trồng rau sạch, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. A Thái cũng có nhiều cách làm hay trong thành lập các tổ an ninh, tập hợp nhân dân giữ gìn an ninh chính trị, an ninh biên giới, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Rơ Măm.

“Những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của làng Le rất đáng khích lệ. Song, A Thái và cấp ủy, chính quyền các cấp còn nhiều việc phải làm lắm các anh ạ”, đồng chí Lê Văn Cao nói với chúng tôi khi rời nhà A Thái. Chúng tôi hiểu suy nghĩ và tâm tư của đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Mô Rai khi nơi đây vẫn là vùng khó khăn, mức sống của đồng bào còn thấp so với mặt bằng chung.

“Làng Le và cả vùng biên giới Mô Rai được thắp sáng bởi các công trình “Sao sáng buôn làng”, “Thắp sáng đường quê”, ánh điện từ những căn nhà kiên cố, khang trang của người dân và “Vì sao A Thái”. Tôi tin là người Rơ Măm và đồng bào các dân tộc xã Mô Rai sẽ tiếp tục phát triển, tiến tới no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Quá trình công tác, A Thái được tổ chức đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum, Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Kon Tum trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 2020, A Thái vinh dự tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và được trao tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-duoi-ma-doi-o-lang-le-829214