Báo chí thúc đẩy phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Nếu như trước đây, bão vào Biển Đông không vượt quá cấp 15 thì từ năm 2016 đã xuất hiện siêu bão (tức là cấp 16 trở lên). Bình quân 10 năm qua, mỗi năm có khoảng 240 người chết và mất tích do các loại hình thiên tai gây ra.
240 người chết và mất tích mỗi năm
Thông tin tại Hội nghị tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống tiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức chiều 10/7, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) cho biết, giai đoạn 1961-2024, đã có 454 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng tới Việt Nam.
Bắc Trung Bộ là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất do bão và áp thấp nhiệt đới, tiếp đó là khu vực Nam Trung Bộ. Đáng chú ý, trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016 đã xuất hiện siêu bão, tức là cấp 16 trở lên. Bình quân 10 năm trở lại đây, có khoảng 240 người chết và mất tích mỗi năm. Thiệt hại về kinh tế ước tính từ 1,0 - 1,5 GDP (tổng sản phẩm trong nước).

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại hội nghị.
Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết thêm, thời gian qua, hệ thống văn bản về phòng, chống thiên tai ngày một được hoàn thiện. Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Đặc biệt, sau khi tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 131/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp, Nghị định số 136/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 về phân quyền, phân cấp.
Theo đó, cấp tỉnh được phân cấp thực hiện nhiệm vụ của cấp tỉnh trước đây. Đối với cấp xã, Trung ương phân cấp thực hiện các nhiệm vụ cấp huyện và cấp xã trước đây (12 nhiệm vụ trong công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai).
Nâng cao chất lượng thông tin đến cộng đồng
Tại hội nghị tổ chức chiều 10/7, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao đổi về thực trạng báo chí Việt Nam và huy động các cơ quan báo chí tuyên truyền về phòng, chống thiên tai.
Ông Lợi cho rằng, để nâng cao chất lượng tin, bài tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, các cơ quan báo chí cần chủ động triển khai nhiều giải pháp số hóa hoạt động tuyên truyền: từ thiết lập các website hiện đại, fanpage, kênh YouTube, TikTok của báo đến ứng dụng các công nghệ mới như AI, chatbot…

Tập huấn sơ cấp cứu người bị nạn trong tình huống thiên tai.
Thông qua các công cụ kỹ thuật số và hệ thống phân tích dữ liệu lớn (big data), bộ phận tuyên truyền có thể xây dựng các chiến dịch tiếp cận nhóm đối tượng mục tiêu theo từng khu vực, ngành nghề, sở thích. Đồng thời, toàn bộ hoạt động tuyên truyền được quản lý, đánh giá theo thời gian thực, qua đó tối ưu hóa nội dung, phương thức tiếp cận và tiết kiệm chi phí cho các cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai.
Tại buổi tập huấn, đội ngũ phóng viên chuyên trách phòng, chống thiên tai đã được nghe các chuyên gia, báo cáo viên trao đổi, chia sẻ kỹ năng tác nghiệp báo chí trong tình huống thiên tai; chia sẻ câu chuyện tác nghiệp tại các điểm xảy ra thiên tai… Đồng thời, đề xuất các giải pháp đổi mới phù hợp với bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, truyền thông số và yêu cầu ngày càng cao của công chúng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, báo chí đồng hành nâng cao nhận thức xã hội và thúc đẩy hành động chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và người dân, giúp truyền tải thông tin chính xác, kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai sẽ phối hợp với cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về thể chế chính sách về phòng, chống thiên tai trong tình hình mới. Trong đó, ưu tiên truyền thông dựa trên cảnh báo sớm và hướng dẫn hành động cụ thể, giúp người dân chủ động ứng phó theo từng loại hình thiên tai...
“Báo chí không chỉ là kênh truyền thông quan trọng mà còn là một lực lượng “ứng cứu tuyến đầu” về mặt thông tin trong thiên tai, giúp giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường năng lực cộng đồng…” - Bà Nguyễn Thị Thúy Ái - Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và Truyền thông (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-chi-thuc-day-phong-ngua-giam-nhe-rui-ro-thien-tai.766008.html