Bảo đảm lợi ích, tăng tính thực thi
Theo quy định của pháp luật, việc lấy ý kiến Nhân dân trong công tác quy hoạch là một trong những quy trình quan trọng, bắt buộc. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch và giảm bớt khoảng cách giữa quy hoạch trên giấy và thực tế cuộc sống, bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhân dân.
Tạo sự đồng thuận
Ngày 8/5, quận Đống Đa tổ chức Hội nghị công khai lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan đến nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch chi tiết Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ và phụ cận, tỷ lệ 1/500 trên địa bàn phường Thịnh Quang và Trung Liệt. Tại hội nghị, người dân sinh sống tại khu vực tham dự hội nghị đã tích cực đóng góp ý kiến, tập trung vào các vấn đề như: diện tích nhà ở sau tái định cư, hệ số K, dân số khu vực sau cải tạo, việc bảo đảm thời gian xây dựng lại chung cư theo kế hoạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn: “Việc lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư là bước quan trọng để bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Đồng thời phát huy vai trò giám sát và đồng thuận của người dân trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị”. Được biết, Đồ án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ là một trong 7 đồ án liên quan đến khu tập thể, chung cư cũ gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam, 30 - 32 Hào Nam; Vĩnh Hồ, Nam Đồng. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, UBND quận Đống Đa đã tổ chức lấy ý kiến người dân về đồ án quy hoạch, kết thúc niêm yết công khai và đang trong quá trình tổng hợp, tiếp thu giải trình theo quy định đối với 4 khu: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng và Hào Nam. Sau khi tiếp thu báo cáo giải trình sẽ trình Sở QH - KT, Hội đồng thẩm định Quy hoạch TP để trình UBND TP phê duyệt.

Khu chung cư cũ Trung Tự, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Cũng mới đây, quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị công bố công khai và bàn giao hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, tỷ lệ 1/500. Theo UBND quận Cầu Giấy, trong quá trình lập nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết đã lấy ý kiến đầy đủ các sở, ngành, TP và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; các ý kiến góp ý đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình UBND TP trước khi phê duyệt theo quy trình, quy định. Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường khẳng định việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng lại tập thể cũ Nghĩa Tân đều đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. “Mục tiêu của việc cải tạo, xây dựng lại là để phục vụ cho cư dân, nên chính họ được đóng góp ý kiến, bảo đảm quyền lợi một cách tối đa” – lãnh đạo quận Cầu Giấy nhấn mạnh.
Thể hiện tính dân chủ
Không chỉ riêng đối với quy hoạch, cải tạo, xây dựng tập thể, chung cư cũ, việc triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn Thủ đô đều được lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên cho biết: "Việc lấy ý kiến của người dân trong công tác quy hoạch nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, để người dân nắm được thông tin. Vì vậy, tất cả các đồ án quy hoạch trên địa bàn quận Cầu Giấy từ trước đến nay đều lấy ý kiến của Nhân dân, cộng đồng dân cư. Ở quận Cầu Giấy có các đồ án quy hoạch được TP phê duyệt hoặc UBND quận phê duyệt. Trong quá trình phát triển đô thị sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch phân khu. Tất cả đồ án UBND quận đều giao cho phòng Kinh tế Hạ tầng đô thị phối hợp với các phường để lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vòng 30 ngày. Hình thức công khai lấy ý kiến tại UBND phường sở tại và trang chủ của UBND quận gồm hồ sơ mặt bằng, phương án kiến trúc, các chỉ tiêu mật độ… Ngoài ra, chúng tôi sẽ mời các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền. Trong quá trình lấy ý kiến cộng đồng, nếu người dân có ý kiến, chúng tôi sẽ tập hợp lại. Nếu phản ánh của người dân là đúng theo thẩm quyền tại thời điểm điều chỉnh quy hoạch thì sẽ căn cứ để chỉnh sửa đồ án, sau đó phê duyệt. Nếu ý kiến phản hồi chưa đúng hoặc chưa đến mức xem xét nội dung, thì sẽ trả lời trong giai đoạn sau. Bởi vì, trong quá trình lập đồ án quy hoạch có những thời điểm người dân hỏi, phản ánh về giải phóng mặt bằng, chính sách đền bù thì việc này là bước sau”.
Để quy hoạch mang tính khả thi, có tính thực tiễn cao, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân là vấn đề tiên quyết. Một bản quy hoạch khi có sự ủng hộ của người dân sẽ đạt hiệu quả cao khi triển khai, không có nguy cơ trở thành quy hoạch treo. Tuy nhiên, để việc góp ý có chất lượng, phát huy hiệu quả, các cấp, ngành chức năng cần xây dựng lộ trình, xác định cụ thể đối tượng tham gia vào các đồ án quy hoạch, các dự án phát triển đô thị.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Vừa qua, liên quan đến Quy hoạch tổng mặt bằng cải tạo không gian khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đơn vị đã giao UBND phường Hàng Gai phối hợp với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, UBND các phường Hàng Bạc, Lý Thái Tổ, Hàng Trống thông báo về việc niêm yết công khai để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đối với quy hoạch tổng mặt bằng cải tạo không gian khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, tỷ lệ 1/500. Có 5 địa điểm được niêm yết công khai để người dân có ý kiến, gồm: trụ sở UBND phường Hàng Gai (44 phố Hàng Nón); trụ sở UBND phường Hàng Bạc (22 phố Hàng Dầu); trụ sở UBND phường Hàng Trống (24 phố Chân Cầm); trụ sở UBND phường Lý Thái Tổ (30 phố Lò Sũ) và tòa nhà trung tâm thương mại - dịch vụ - ăn uống Hồ Gươm (tòa nhà "Hàm cá mập") (số 1 - 3 - 5 phố Đinh Tiên Hoàng).
Theo các chuyên gia quy hoạch, việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bên cạnh lợi ích về kinh tế - xã hội, khi được tham gia quá trình quy hoạch, các thành viên cộng đồng sẽ thấy mình được coi trọng hơn, sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, các nhà chuyên môn. Người dân cũng nhận thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện, quản lý các đồ án, dự án, họ sẽ duy trì sự tham gia của mình để đạt tới thành công.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc huy động cộng đồng xã hội tham gia vào công tác quy hoạch là nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch. Do đó, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng đồ án quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.
Vừa qua, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi, quy hoạch là phải đồng bộ, dài hạn, phải bảo đảm tính minh bạch, công khai quy hoạch, lấy ý kiến Nhân dân, đặc biệt là ý kiến của những nhóm đối tượng ảnh hưởng do quy hoạch; bảo đảm quy hoạch không tùy tiện. Chúng ta từng có việc bí thư, chủ tịch tỉnh khóa này duyệt quy hoạch đến khóa sau lại sửa đổi. Nếu không có tính công khai, đồng bộ thì quy hoạch sẽ luôn thay đổi. Vì vậy, phải tính toán thật kỹ, quy hoạch là phải triển khai. Ngoài quy hoạch chung phải có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kinh tế - xã hội... Khi triển khai đòi hỏi cơ chế thực thi và giám sát. Theo đó, Quốc hội, HĐND, MTTQ, các đoàn thể, Nhân dân giám sát. Nếu được giám sát chặt chẽ thì triển khai quy hoạch mới tốt, khả thi”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-dam-loi-ich-tang-tinh-thuc-thi.702771.html