Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạoLàm rõ ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật

Khẳng định quy định về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là rất tiến bộ, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, khắc phục được nhiều điểm nghẽn lớn hiện nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần làm rõ ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật, tránh lạm dụng rủi ro được chấp nhận.

Kiểm soát, xử lý kịp thời các rủi ro phát sinh

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là “huyết mạch”, khơi thông mọi nguồn lực, kết nối các lĩnh vực nhằm thúc đẩy hoạt động này trở thành một động lực mới trong tăng trưởng và phát triển, bứt phá kinh tế - xã hội. Cho ý kiến với dự thảo Luật này, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết, quan điểm cũng như tên gọi và phạm vi điều chỉnh, nhằm tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí.

Điểm c, khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật quy định tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm sau khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự. Theo quy định của dự thảo Luật, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm nếu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đây là điểm mới được kế thừa, có sửa đổi, bổ sung từ quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cơ bản thống nhất với quy định này, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhấn mạnh, quy định như trên sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, khuyến khích sáng tạo, đổi mới, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các đề tài khoa học có tính đột phá cao.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung những quy định sao cho hài hòa giữa việc khuyến khích sáng tạo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, làm rõ định nghĩa cụ thể về “rủi ro”; phân biệt rành mạch với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu cũng như cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Đại biểu cũng đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba là những người, tổ chức không trực tiếp tham gia nghiên cứu nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả nghiên cứu hoặc quá trình thực hiện nghiên cứu; bổ sung quy định thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá và báo cáo định kỳ để kiểm soát và xử lý kịp thời các rủi ro phát sinh.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhấn mạnh chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là tư duy rất tiến bộ, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) khẳng định, quy định theo hướng này sẽ tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, khắc phục được nhiều điểm nghẽn lớn hiện nay về chính sách nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như triển khai thực thi những chủ trương lớn của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Song, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, cần làm rõ ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật để tránh lạm dụng rủi ro được chấp nhận. Thực tế cho thấy, những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến đạo đức, môi trường, con người và những hậu quả cũng khó lường trước được, khó tính bằng con số cụ thể so với các lĩnh vực khác. Đồng thời, cần bổ sung quy định khung về cơ chế đánh giá, phân biệt cũng như giám sát rủi ro và giao Chính phủ quy định chi tiết để xác định ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận cũng như những hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Nghiên cứu bổ sung chủ thể được loại trừ trách nhiệm

Lưu tâm đến nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu rõ, khoản 1 và khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật quy định loại trừ trách nhiệm đối với hai nhóm chủ thể là cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá, thử nghiệm và tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm. Theo quy định của dự thảo Luật, các chủ thể này không phải chịu trách nhiệm dân sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính, không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp theo quy định. Và, có 3 loại trách nhiệm được loại trừ là trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhận thấy, trong pháp lý có 4 loại trách nhiệm, bên cạnh 3 loại trách nhiệm pháp lý nêu trên còn một loại trách nhiệm pháp lý nữa là trách nhiệm kỷ luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, việc không quy định xem xét loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với 2 nhóm chủ thể nêu trên dẫn đến các chủ thể này đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm nhưng khi thiệt hại xảy ra có thể vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật.

Do đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với hai nhóm chủ thể nêu trên khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Nghị quyết số 57-NQ/TW quy định có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Như vậy, Nghị quyết đặt ra yêu cầu có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với 3 chủ thể là doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Khoản 4, Điều 20 dự thảo Luật cũng quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm.

Tuy nhiên, khoản 2, Điều 21 dự thảo Luật mới chỉ quy định loại trừ trách nhiệm đối với tổ chức, doanh nghiệp mà chưa quy định loại trừ trách nhiệm đối với cá nhân được cấp phép thử nghiệm. Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung chủ thể được loại trừ trách nhiệm theo quy định đối với cá nhân được cấp phép thử nghiệm.

Cho rằng, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là hai loại trách nhiệm pháp lý khác nhau, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh lý lại quy định nêu trên để bảo đảm tính chính xác và phù hợp.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-lam-ro-ranh-gioi-giua-rui-ro-duoc-chap-nhan-va-vi-pham-phap-luat-10372316.html