Đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, giúp tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp.

Sáng 13/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đa số ý kiến các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải ban hành luật.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tạo sự linh hoạt và thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động, nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm, tham gia góp ý.

Đảm bảo thống nhất trong phân phối lợi nhuận

Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai cho rằng, trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét, ban hành nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, luật cần hướng đến sự hài hòa, công bằng giữa hai khối, lấy hiệu quả sử dụng vốn làm mục tiêu cao nhất.

Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai. Ảnh: VPQH

Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai. Ảnh: VPQH

Đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá cao nội dung tại Điều 25, đặc biệt là quy định cho phép để lại lợi nhuận sau thuế nhằm tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, ông đề nghị rà soát lại quy định này với các luật chuyên ngành trong đó có Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Luật này quy định cho phép để lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế, không phải theo dạng chi phí, nhằm phục vụ nhiệm vụ chiến lược.

Vì vậy, không nên sử dụng cụm từ 'xử lý chi phí theo lĩnh vực chuyên ngành' mà cần đảm bảo sự thống nhất trong việc phân phối lợi nhuận theo từng lĩnh vực đặc thù” - Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị.

Liên quan đến khoản 2 Điều 25, đại biểu đề nghị bỏ cụm “mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao” trong quy định lập quỹ khen thưởng.

Theo đại biểu, cụm từ này không rõ ràng, dễ dẫn tới cách hiểu và áp dụng thiếu thống nhất. Đồng thời, cần làm rõ thứ tự ưu tiên trong việc trích lập sau thuế, ưu tiên quỹ hay ưu tiên lương, thưởng.

Đồng thời, cũng tại Điều 25, đại biểu kiến nghị bổ sung là cho phép để lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ chiến lược, trọng điểm. Cần có cơ chế cụ thể, tiêu chí rõ ràng cho các doanh nghiệp tiên phong được giữ lại phần lợi nhuận này để chủ động triển khai các nhiệm vụ dài hạn, thay vì bắt buộc nộp ngân sách.

Đề nghị bổ sung quy định cho phép trường hợp doanh nghiệp nhận được các khoản hỗ trợ, tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn từ quỹ khác ngoài ngân sách nhà nước thực hiện dự án phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

"Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết 57 cũng như thực tiễn vừa qua trong Nghị quyết 193 đặc thù về khoa học, công nghệ, chúng ta đã cho phép hỗ trợ tài chính đối với các dự án 5G cũng như xây dựng các nhà máy sản xuất chip"- ông nhấn mạnh

Góp ý về Điều 26, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp nhà nước là bảo toàn và phát triển vốn, đóng góp ngân sách. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chính trị, xã hội, cần loại trừ tiêu chí bảo toàn vốn khỏi phần vốn đầu tư cho các nhiệm vụ đặc thù này. Việc áp dụng tiêu chí chung sẽ gây khó khăn trong đánh giá hiệu quả doanh nghiệp khi thực hiện các nhiệm vụ không mang tính thị trường.

Sáng 13/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: VPQH

Sáng 13/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: VPQH

Đối với Điều 51 về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: “Hiệu quả hoạt động tổng thể có loại trừ các yếu tố tác động do thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển công nghệ chiến lược”.

Đại biểu cho rằng, một số doanh nghiệp trọng điểm được giao phát triển công nghệ chiến lược cần được đánh giá công bằng hơn, có tính đến tính chất đặc thù của nhiệm vụ.

Cần làm rõ khái niệm “đại diện chủ sở hữu và vốn nhà nước”

Ở khía cạnh khác, đại biểu Phan Đức Hiếu - đoàn Thái Bình đề nghị chỉnh lý các khái niệm nền tảng trong dự thảo luật, đảm bảo logic pháp lý và không gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu, cụm từ "đại diện chủ sở hữu nhà nước" tại khoản 1 Điều 2 còn mơ hồ, dễ gây hiểu lầm. Đây là cơ quan, tổ chức, không phải một cá nhân đại diện vốn.

Đồng thời, dự thảo luật lại bỏ đi khái niệm "vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp" trong khi đây là mấu chốt.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - đoàn Thái Bình. Ảnh: VPQH

Đại biểu Phan Đức Hiếu - đoàn Thái Bình. Ảnh: VPQH

Đại biểu Phan Đức Hiếu phân tích, theo pháp luật, sau khi Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp, tài sản đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp, do đó Nhà nước không còn sở hữu tài sản đó mà sở hữu cổ phần, phần vốn góp. Việc xác định rõ khái niệm này là cơ sở để hiểu đúng về quyền, trách nhiệm và cách thức quản lý phần vốn nhà nước.

Ông đề xuất, chuyển Điều 6, 7 và 8 về Chương V và Chương VIII quy định về đại diện chủ sở hữu và báo cáo thông tin để đảm bảo thống nhất, tránh phân mảnh. Điều này đặc biệt cần thiết khi dự thảo đã qua nhiều lần chỉnh lý, một số nội dung chưa đảm bảo trình tự logic và gây khó theo dõi.

Liên quan Điều 10 về hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, quy định hiện tại mới chỉ đề cập đến trường hợp Nhà nước cùng nhà đầu tư khác mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp đã có sẵn mà chưa tính đến trường hợp Nhà nước cùng nhà đầu tư khác góp vốn để thành lập mới một doanh nghiệp, ví dụ như công ty cổ phần hoặc công ty TNHH mới.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hình thức đầu tư vốn vào doanh nghiệp là góp vốn mua cổ phần để thành lập mới các công ty cổ phần và công ty TNHH.

Liên quan đến quy định "hoạt động đầu tư của doanh nghiệp" tại Điều 20, đại biểu Phan Đức Hiếu băn khoăn: Khái niệm đầu tư ở đây có thể gây hiểu nhầm, bởi trong thực tế, doanh nghiệp thực hiện rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày như mua sắm tài sản, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ… Những hoạt động này không nên bị coi là dự án đầu tư và bắt buộc phải lập thành dự án.

Đại biểu đề nghị Khoản 1 Điều 20 cần làm rõ doanh nghiệp được quyền thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật.

Đồng thời, chỉ những hoạt động nào mà pháp luật chuyên ngành yêu cầu lập dự án đầu tư thì mới áp dụng, còn lại nên coi là giao dịch kinh doanh thông thường như hợp đồng mua bán, hợp tác, cung ứng dịch vụ… Nếu không sửa, sẽ gây lúng túng và làm khó cho doanh nghiệp khi vận hành.

Cần phân định rõ trách nhiệm bảo toàn vốn

Về Điều 26, đại biểu cho rằng, quy định chỉ nhấn mạnh trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của chủ tịch hoặc hội đồng thành viên là chưa đầy đủ.

Đại biểu lý giải, thực tế nhiều chủ thể cùng tham gia quyết định tại doanh nghiệp, bao gồm cả người đại diện vốn và cơ quan chủ sở hữu, nên cần thiết phải xác định trách nhiệm cụ thể cho từng chủ thể.

Tại Điều 27 và 28, ông đề xuất hợp nhất nội dung và đưa về Chương V để quy định thống nhất về người đại diện phần vốn. Nguyên tắc chung là việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp khác phải được thực hiện thông qua người đại diện vốn. Khái niệm “người đại diện vốn làm việc trực tiếp hay gián tiếp tại doanh nghiệp” cũng cần được loại bỏ do không rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 13/5

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 13/5

Đối với Điều 30, ông cho rằng nên áp dụng linh hoạt theo Luật Doanh nghiệp khi tổ chức lại doanh nghiệp, không cần thiết liệt kê từng trường hợp cụ thể. Tránh phát sinh thủ tục định giá không cần thiết khi chỉ đơn thuần chuyển đổi loại hình công ty mà không làm thay đổi vốn điều lệ.

Cuối cùng, đại biểu chỉ ra, Chương VI về giám sát, thanh tra, kiểm tra chỉ nên giữ lại phần giám sát và kiểm tra là chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Riêng hoạt động thanh tra đã được điều chỉnh bởi Luật Thanh tra, không cần quy định riêng trong luật này để tránh chồng chéo.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến phân cấp quyền hạn, vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); công tác thanh tra, kiểm tra, phân phối lợi nhuận, chính sách tiền lương, thù lao và đặc thù của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, trọng điểm.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-bao-hieu-qua-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-387350.html