Báo động thừa cân béo phì ở trẻ - Bài cuối: Giải pháp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, xã hội

Nhằm góp phần ngăn ngừa tình trạng thừa cân và béo phì một cách hiệu quả, PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia).

PGS.TS Bùi Thị Nhung.

PGS.TS Bùi Thị Nhung.

PV: Thưa bà, đâu là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em?

PGS.TS Bùi Thị Nhung: Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới thừa cân béo phì ở trẻ là do tâm lý thích trẻ con bụ bẫm của các bậc phụ huynh. Từ đây dẫn tới việc cha mẹ đánh giá sai về hình ảnh cơ thể của trẻ.

Chúng ta cần hiểu, nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam có những đặc điểm rất khác so với các nước trên thế giới. Nếu như ở các nước phương Tây, trẻ béo phì có nguyên nhân chính là do ăn thức ăn nhanh, thì ở nước ta, trẻ dưới 5 tuổi được gia đình quan tâm rất kỹ, các bậc phụ huynh đang cho con ăn quá nhiều. Tâm lý khác là cứ nghĩ cho trẻ ăn thoải mái, rồi khi đi học trẻ sẽ gầy đi, nhưng thực tế rất nhiều trường hợp thậm chí còn béo hơn.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh đánh giá sai về hình ảnh cơ thể của con trẻ. Trẻ bị thừa cân thì cho rằng trẻ đang gầy, lo lắng suy dinh dưỡng. Có trường hợp trẻ đã bị béo phì thì vẫn cho là trẻ chỉ bị thừa cân.

Một nguyên nhân khác, đó là sự phối hợp chưa tốt của nhà trường và gia đình các cháu cũng như những sai lầm trong cách lựa chọn thực phẩm của ông bà, cha mẹ.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của xã hội hiện đại, thời gian trẻ vận động thể lực cũng giảm hơn so với trước. Ngày nay, trẻ không cần đi bộ hay đạp xe đến trường, cũng không cần tham gia làm việc nhà như nấu cơm, giặt quần áo bởi đã có máy rửa bát, nồi cơm điện.

Song song với đó là thời gian ngồi một chỗ tương tác với các thiết bị điện tử tăng thêm. Điều này cũng khiến số trẻ thừa cân béo phì ở nước ta tăng qua từng năm.

Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý của trẻ mầm non. Ảnh: TTXVN.

Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý của trẻ mầm non. Ảnh: TTXVN.

Một số phụ huynh chọn phương pháp giảm cân cho trẻ bằng cách ăn kiêng, uống thuốc giảm cân thay vì đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở y tế. Ý kiến của bà?

- Một thực tế mà chúng tôi đã gặp khá nhiều, đó là khi trẻ thừa cân, dù lo lắng nhưng không ít phụ huynh vẫn cho con ăn thoải mái. Có những trẻ thừa 10 - 20kg, nhưng bố mẹ vẫn thấy con mình bình thường. Đến khi vào đại học, các em mới thấy lo lắng và tham khảo các phương pháp giảm cân trên mạng.

Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp giảm cân không theo khoa học chính thống, không được theo dõi trước và sau sử dụng phương pháp, trẻ có thể gặp hậu quả. Hiện nay, có nhiều hội nhóm, trào lưu để giảm cân. Song, kể cả người trưởng thành hiện nay cũng chưa có được đánh giá về lâu dài là liệu những chế độ ăn như vậy ngoài tác dụng giảm cân có để lại hậu quả gì không.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2016 nói rằng, chế độ ăn có lượng carbonhydrat (chất đường bột) dưới 40% hoặc trên 70% đều tăng nguy cơ tử vong. Với trẻ em, não sử dụng 25% tổng chất đường bột trong cơ thể. Những chuyển hóa do chế độ ăn không cân bằng, lâu dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, thuốc giảm cân là thuốc có nguy cơ bị lạm dụng. Thuốc cũng có những chất không an toàn cho trẻ nếu không được kiểm soát tốt. Việc kiểm soát, cấp phép các thuốc này cũng phải được cân nhắc kỹ. Hiện, thuốc giảm cân có nhiều cơ chế khác nhau. Một số loại có thể được sử dụng để làm chán ăn. Trong khi số khác gây tiêu chảy, hoặc có thành phần nguy hiểm, gây nguy hại cho sức khỏe.

Việc giảm cân cần một quá trình bền vững. Thực tế, khi theo dõi đánh giá về can thiệp cân nặng, rất nhiều người ăn 1 chế độ lowcarb có thể giảm từ 5-10kg. Song, số cân của họ lại về bình thường ngay sau khi ngừng ăn.

Giải pháp là thiết kế giảm cân từ từ, tăng hoạt động thể lực, cân đối giữa các bữa ăn trong ngày, ăn nhiều hơn vào sáng, trưa, vừa phải vào buổi tối. Tuyệt đối không nhịn ăn cơm vào bữa tối. Trào lưu không ăn cơm vào buổi tối, chỉ ăn hoa quả, chất đạm là rất nguy hiểm. Trong khi đó, với thuốc giảm cân, bất cứ thuốc nào có tác dụng đến cơ chế chán ăn, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng đều gây nguy hiểm tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Không nên sử dụng thuốc giảm cân cho trẻ.

Thực tế, trẻ dễ giảm cân hơn người lớn rất nhiều. Trẻ thừa cân béo phì là do ăn quá nhiều so với nhu cầu khuyến nghị. Do đó, chỉ cần cho trẻ ăn đúng tháp dinh dưỡng, theo nhu cầu khuyến nghị, mức độ hoạt động thể lực, ăn cân đối giữa các bữa, thay gạo trắng bằng gạo lứt,… tăng hoạt động thể lực là có thể giúp trẻ giảm cân. Khi áp dụng bền vững, trẻ sẽ giảm cân từ từ và duy trì trong nhiều năm.

Để giảm cân, bố mẹ phải cho trẻ ăn theo suất, đúng năng lượng, đúng bữa. Đồng thời, không cho trẻ ăn thêm các thực phẩm khác, không uống sữa trước khi đi ngủ. Không để đồ ăn nhiều trong tủ lạnh. Đặc biệt, ở trẻ ở bậc THPT, thức khuya cũng tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Nhiều trẻ thức khuya thường xuyên ăn mì tôm, uống nước ngọt. Khi đó, năng lượng vào đêm được dự trữ thành mỡ, tăng nguy cơ thừa cân béo phì.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra cảnh báo, nếu không có hành động can thiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030. Vậy, chiến lược của nước ta trong thời gian tới thế nào để có thể hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ?

- Chúng ta cần có nghiên cứu, theo dõi, chính sách để cộng đồng, bố mẹ, nhà trường, xã hội, chính quyền nhận thức được tình trạng thừa cân béo phì đang tăng. Từ đó, có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ giúp thế hệ trẻ nâng cao tầm vóc, nhưng không bị thừa cân béo phì.

Đồng thời, rất cần những hội thảo, thông tin thông qua họp phụ huynh, hoặc hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho học sinh, truyền thông cho cha mẹ. Từ đó, giúp phụ huynh biết nên phối hợp giữa bữa ăn nhà trường và trong nhà như thế nào.

Tại Nhật Bản, cải thiện được tầm vóc và tuổi thọ là một phần nhờ chương trình dinh dưỡng học đường và giáo dục dinh dưỡng. Năm 2005, Nhật Bản có luật giáo dục dinh dưỡng học đường. Qua đó, giáo dục cho trẻ thế nào là chế độ lành mạnh, lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng thế nào tốt cho sức khỏe, ăn uống thế nào để tăng trưởng chiều cao,… Những chính sách này đã góp phần cải thiện tầm vóc và tăng tuổi thọ của người Nhật. Tới nay, tuổi thọ trung bình của người Nhật gần như cao nhất thế giới, 86 tuổi ở nữ, 83 ở nam.

Tại Việt Nam, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chương trình sức khỏe học đường, trong đó có dinh dưỡng học đường, bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng, giáo dục thể chất. Việc điều chỉnh bữa ăn ở trường liên quan đến rất nhiều vấn đề. Nhiều trẻ không muốn ăn rau, mà thường thích món chiên, xào. Nếu thay đổi ngay, trẻ sẽ phản ứng và không ăn nữa. Do đó, cần phải giáo dục dinh dưỡng và đặc biệt là thay đổi thói quen ăn uống từ trẻ mầm non, tiểu học. Đồng thời, tiếp tục giáo dục dinh dưỡng cho học sinh THCS và THPT.

Chúng ta nên có giờ học dinh dưỡng trong tuần, có thể lồng ghép với các môn học, hoặc vào giờ sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm. Như vậy, trẻ sẽ nhận biết được mình đang thừa hay thiếu cân để điều chỉnh chế độ ăn cho thích hợp.

Hiện, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã xây dựng tài liệu cho THPT, đang thử nghiệm trong chương trình hợp tác với UNICEF tại TP Đà Nẵng. Trong mô hình điểm Đề án 41, Viện cũng đã thử nghiệm giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mầm non và tiểu học. Điều ngạc nhiên là trước đây, trẻ chỉ ăn 40 gram rau, khi thực hiện giáo dục dinh dưỡng, bữa ăn đa dạng, cải thiện vị nấu, các bạn có thể ăn tới 80-100 gram rau trong bữa trưa. Điều đó cũng có thể giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì.

Đây là một chiến lược cần sự lâu dài, sự vào cuộc và đầu tư của chính quyền, ngành giáo dục, y tế, làm sao để trẻ có bữa ăn học đường cân đối, hợp lý. Bởi, bữa ăn cân đối hợp lý cũng sẽ có chi phí cao hơn bữa ăn đơn điệu. Ở vùng nông thôn, vùng núi khó khăn, cần có chính sách trợ giá bữa ăn học đường. Từ đó, để trẻ có thể tiếp cận bữa ăn cân đối, đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nên có giờ học dinh dưỡng trong tuần, có thể lồng ghép với các môn học, hoặc vào giờ sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm. Như vậy, trẻ sẽ nhận biết được mình đang thừa hay thiếu cân để điều chỉnh chế độ ăn cho thích hợp.

Đức Trân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-dong-thua-can-beo-phi-o-tre--bai-cuoi-giai-phap-dong-bo-tu-gia-dinh-nha-truong-xa-hoi-5727847.html