Báo động tình trạng béo phì ở trẻ em

Tỷ lệ trẻ em béo phì tại Việt Nam đang tăng nhanh chưa từng có, đặc biệt ở thành thị, kéo theo nguy cơ mắc bệnh mạn tính và hệ lụy sức khỏe suốt đời.

Ngủ trưa như thế nào có lợi cho sức khỏe? |SKĐS

Tình trạng béo phì ở trẻ em đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại tại Việt Nam. Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, béo phì còn tác động tiêu cực đến tâm lý, khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ. Nếu không được kiểm soát kịp thời, hệ quả sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và xã hội trong tương lai.

Tập thể dục buổi sáng là hoạt động cần khuyến khích để ngăn ngừa béo phì học đường. Ảnh minh họa

Tập thể dục buổi sáng là hoạt động cần khuyến khích để ngăn ngừa béo phì học đường. Ảnh minh họa

Ám ảnh từ những con số báo động

Béo phì trẻ em không còn là câu chuyện riêng của các nước phát triển. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu hiện có hơn 493 triệu trẻ em và thanh thiếu niên (5–24 tuổi) bị thừa cân hoặc béo phì, tăng gấp đôi so với năm 1990. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 5 tuổi thừa cân đã lên tới 35 triệu em – gần một nửa số này sống tại châu Á.

Tại Việt Nam, xu hướng tăng béo phì ở trẻ diễn ra với tốc độ rất đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2010–2020, tỷ lệ trẻ từ 5 đến 19 tuổi thừa cân/béo phì tăng từ 8,5% lên 19% – tức hơn gấp đôi chỉ trong một thập kỷ. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ này cũng tăng từ 5,6% lên 7,4%.

Những con số này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong dinh dưỡng và lối sống của trẻ mà còn cho thấy một thực trạng mới: Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng "kép" trong dinh dưỡng: vừa có tình trạng suy dinh dưỡng, vừa có tỷ lệ béo phì cao.

Thành thị - điểm nóng của béo phì

Trẻ em ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM chính là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Hà Nội, hơn 41% trẻ trong độ tuổi học đường bị thừa cân hoặc béo phì, trong khi con số này ở TP.HCM là 26,8%. Với nhóm trẻ mẫu giáo, tỷ lệ béo phì ở Hà Nội lên tới 37,8% – mức đáng báo động khi còn rất nhỏ tuổi.

Sự gia tăng này có mối liên hệ chặt chẽ với lối sống ít vận động và chế độ ăn uống nhiều năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng. Các số liệu khảo sát cho thấy có đến 39–46% học sinh tiểu học và trung học tại các thành phố lớn không đạt mức vận động thể chất tối thiểu theo khuyến cáo.

Nguyên nhân béo phì ở trẻ em

Béo phì ở trẻ không đơn giản chỉ là do ăn quá nhiều. Đây là hệ quả từ một môi trường sống "obesogenic" – tức là thúc đẩy tích trữ mỡ trong cơ thể thông qua:

Chế độ ăn dư năng lượng: Trẻ tiêu thụ nhiều thực phẩm nhanh, đồ uống có đường, thức ăn chế biến sẵn – vốn có hàm lượng calo cao nhưng giá trị dinh dưỡng thấp. Riêng tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2013 đến 2023.
Ít vận động thể chất: Việc trẻ dành nhiều thời gian cho tivi, điện thoại, máy tính khiến thói quen vận động bị xói mòn. Tình trạng thiếu ngủ – ngủ dưới 8 giờ/đêm – cũng được ghi nhận là làm tăng nguy cơ béo phì lên 2,2 lần.
Yếu tố gia đình: Trẻ có mẹ bị thừa cân hoặc mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển béo phì sớm hơn bạn cùng lứa. Trong nhiều gia đình, thói quen ăn uống không hợp lý được duy trì và tiếp nối qua nhiều thế hệ.

Trẻ béo phì tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng

Trái ngược với vẻ ngoài "mũm mĩm" dễ thương, béo phì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng cho trẻ:

Bệnh mạn tính sớm: Trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, và thậm chí ung thư.
Ảnh hưởng tâm lý: Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ béo phì có nguy cơ bị bắt nạt, trầm cảm và tự ti cao hơn. Điều này ảnh hưởng đến phát triển kỹ năng xã hội và học tập.
Nguy cơ kéo dài đến tuổi trưởng thành: Khoảng 80% trẻ béo phì sẽ trở thành người lớn béo phì – dẫn tới gánh nặng y tế và kinh tế khổng lồ cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Kiểm soát bữa ăn học đường là yếu tố quan trọng trong phòng chống béo phì. Ảnh minh họa

Kiểm soát bữa ăn học đường là yếu tố quan trọng trong phòng chống béo phì. Ảnh minh họa

Việt Nam cần hành động như nào?

Trước tình trạng báo động trên, nhiều chuyên gia và tổ chức y tế đã kêu gọi chính phủ Việt Nam triển khai các giải pháp mang tính hệ thống và bền vững. Một số biện pháp khả thi bao gồm:

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% lên đồ uống có đường

Đây là chính sách được nhiều quốc gia thực hiện nhằm giảm tiêu thụ đường – yếu tố hàng đầu gây béo phì. Theo WHO, mức thuế này có thể giảm từ 10–20% lượng tiêu thụ nước ngọt ở trẻ em.

Cải thiện môi trường trường học

Tạo điều kiện cho trẻ được vận động 60 phút/ngày, đồng thời giám sát chặt chẽ thực đơn bữa ăn học đường. Cần loại bỏ đồ ăn vặt, nước ngọt khỏi căng tin học đường, và tăng cường giờ thể dục, hoạt động ngoại khóa.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Truyền thông đa nền tảng về dinh dưỡng lành mạnh, hướng dẫn cha mẹ cách xây dựng khẩu phần ăn hợp lý và khuyến khích trẻ vận động ngoài trời thay vì dán mắt vào màn hình.

Can thiệp từ sớm ở nhóm nguy cơ

Hỗ trợ dinh dưỡng và thể chất cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và nhóm có nguy cơ cao, đảm bảo trẻ được theo dõi tăng trưởng định kỳ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Quy hoạch đô thị thông minh

Phát triển không gian công cộng thân thiện với trẻ em – công viên, sân chơi, đường đi bộ – để tạo điều kiện cho trẻ vận động hằng ngày.

Nếu không can thiệp ngay từ hôm nay, Việt Nam sẽ đối mặt với một thế hệ trẻ em lớn lên cùng béo phì và những hệ lụy sức khỏe kéo dài suốt đời. Chống béo phì không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, mà là bài toán cần sự phối hợp của cả xã hội – từ gia đình, nhà trường đến chính sách quốc gia.

Bs. Nguyễn Thanh Trà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-dong-tinh-trang-beo-phi-o-tre-em-169250714095212835.htm