Bao giờ Ngân hàng Nhà nước bỏ room tín dụng?

Nhiều ngân hàng và chuyên gia đang ngóng chờ Ngân hàng Nhà nước bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) - công cụ đang bị chê là 'hành chính', nhiều bất cập.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 diễn ra vào chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.

NHNN đang thực hiện lộ trình giảm dần

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng (room tín dụng) đã được NHNN duy trì suốt hơn chục năm qua, là công cụ để cơ quan này kiểm soát chất lượng và quy mô dư nợ cho vay của các ngân hàng, cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.

Sau thời gian dài đóng góp quan trọng vào hoạt động điều hành của NHNN, cơ chế phân bổ room tín dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế; nhất là khi nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng nền kinh tế ngày càng tăng và phần lớn các ngân hàng đã hoàn tất việc tuân thủ các tiêu chuẩn theo Basel II và Basel III theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện để ngành ngân hàng vận hành theo hướng linh hoạt hơn.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.

Có những thời điểm, không ít doanh nghiệp dù lành mạnh, có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi vẫn không tiếp cận được vốn vay do ngân hàng… hết room. Nhiều khách hàng cá nhân mua nhà bị phạt hợp đồng vì ngân hàng không giải ngân đúng hạn – không vì rủi ro tín dụng, mà đơn giản vì ngân hàng đã “hết quota”. Một biện pháp hành chính, thay vì phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô, lại đang trở thành điểm nghẽn của phục hồi kinh tế và tăng trưởng.

Việc "tiến tới bỏ room tín dụng" cũng đã được các lãnh đạo NHNN đề cập nhiều lần trong thời gian gần đây. Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại hồi đầu năm nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "NHNN sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng".

Thực tế, NHNN đang thực hiện lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Năm ngoái, cơ quan điều hành đã bỏ room tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này.

Trong năm nay, NHNN tiếp tục có sự đổi mới về cấp hạn mức tín dụng. Ông Tú cho biết trước mắt, room tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm cho các nhà băng trên cơ sở thực tế, thay vì cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng. "Việc này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Tú nói, đồng thời khẳng định cơ quan quản lý chỉ kiểm soát chung mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, tạo chủ động cho các ngân hàng thương mại. Song, điều kiện là các ngân hàng phải cho vay đúng đối tượng, đảm bảo an toàn hệ thống.

Có đủ công cụ để thay thế

NHNN cũng có lo ngại việc bỏ hẳn cơ chế hạn mức tín dụng hàng năm có thể khiến hệ thống quay lại cuộc đua tăng lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu cao như trước 2011. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều công cụ thị trường đủ mạnh để thay thế.

Chẳng hạn, quy định về hệ số CAR và Basel II, khi muốn mở rộng tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, ngân hàng buộc phải tăng vốn tự có để đảm bảo hệ số CAR – một rào cản thị trường rõ ràng, minh bạch và có hiệu lực pháp lý.

Hay như việc NHNN đang quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó, nhà điều hành có thể điều chỉnh công cụ này để điều tiết cung tiền gián tiếp. Ví dụ, tăng dự trữ bắt buộc lên 5% hoặc 10% sẽ buộc các ngân hàng “giam” bớt tiền ở NHNN, giảm khả năng cho vay quá mức.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ là nghiệp vụ thị trường mở (OMO) qua phát hành tín phiếu hoặc giấy tờ có giá để “hút tiền” hoặc “bơm tiền” vào hệ thống, linh hoạt và không cần dùng mệnh lệnh hành chính.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8%, tạo đà cho mức hai con số những năm tiếp theo. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khoảng 16%, tăng 0,92 điểm phần trăm so với thực hiện năm ngoái, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo công bố của NHNN, tính đến 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ năm 2024 (cuối tháng 6/2024), tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; xây dựng chiếm 7,53%, các ngành dịch vụ có quy mô dư nợ lớn nhất toàn hệ thống chiếm 23,74%; kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%.

Các tổ chức tín dụng đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như cho vay nhà ở xã hội; cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách...

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng đang đi đúng hướng. Dự báo trong những tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi bước vào mùa kinh doanh cao điểm và mặt bằng lãi suất ổn định ở mức phù hợp. Do đó, việc bỏ room tín dụng trong quý III/2025 là phù hợp.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/bao-gio-ngan-hang-nha-nuoc-bo-room-tin-dung-1107950.html