Bảo hiểm ghi nhận những tổn thất ban đầu về tài sản kỹ thuật hàng trăm tỷ đồng

Như Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, ngay sau cơn bão Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có Công văn số 1202/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do Bão số 3 gây ra.

Một cây cổ thụ đổ rạp trên phố Lý Thái Tổ (Hà Nội), cạnh khách sạn Metropole. Ảnh: Minh Minh

Một cây cổ thụ đổ rạp trên phố Lý Thái Tổ (Hà Nội), cạnh khách sạn Metropole. Ảnh: Minh Minh

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm lớn có trụ sở phía Nam cho biết, ngay sau khi các chuyến bay được nối lại, hãng bảo hiểm này đã cử cán bộ Ban nghiệp vụ bảo hiểm tài sản bay ra các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ để tiến hành công tác thống kê và giám định thiệt hại tài sản của các khách hàng. Ngoài bảo hiểm xe cơ giới, hãng bảo hiểm này còn có thế mạnh về bảo hiểm tàu hàng và bảo hiểm tài sản.

Lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết, ngay khi có thông tin về cơn bão, Công ty đã gửi thông tin khuyến cáo đến khách hàng bằng nhiều phương tiện khác nhau, hướng dẫn các phương thức tránh bão, bảo vệ tài sản nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, với sức tàn phá quá lớn của siêu bão, nhiều khách hàng của Bảo hiểm PVI đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong sáng ngày 7/9, khi cơn bão mới bắt đầu tiến vào đất liền, Bảo hiểm PVI đã cử đoàn công tác về Hải Phòng, Quảng Ninh để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả và chủ động rà soát, thống kê các thiệt hại.

Tính đến sáng ngày 9/9/2024, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). Là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường, Bảo hiểm PVI đang chủ động phối hợp với các bên liên quan xử lý tổn thất với thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Bảo hiểm VBI, tính đến thời điểm hiện tại, hãng bảo hiểm này đã ghi nhận hơn 100 vụ tổn thất tài sản kỹ thuật, khoảng 100 vụ tổn thất đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và hơn 70 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản tại các khu công nghiệp.

Cập nhật nhanh của hãng bảo hiểm BSH cho thấy sau cơn bão, hãng đã thống kê được gần 100 vụ tổn thất đối với các nghiệp vụ tài sản, kỹ thuật, hàng hải; trong đó, riêng bảo hiểm tài sản đã thống kê được hơn 60 vụ thiệt hại. Đại diện hãng bảo hiểm này cho biết, ngay khi cơn bão còn đang hoành hành tại nhiều địa phương miền Bắc, lãnh đạo các đơn vị đã gọi điện hỏi thăm tình hình khách hàng và kết thúc cơn bão, lãnh đạo các đơn vị, cũng như bộ phận giám định bồi thường đã nhanh chóng xuống địa bàn gặp gỡ khách hàng động viên thăm hỏi cũng như giám định nhanh các tổn thất để sẵn sàng lên phương án bồi thường...

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm con người (bảo hiểm sức khỏe toàn diện), riêng tại địa bàn Quảng Ninh, hãng bảo hiểm BSH đã có thống kê sơ bộ 1 khách hàng tử vong và 6 khách hàng hiện đang mất tích.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm khác như Bảo Minh, PVI, PTI, hay BIC cũng đang gấp rút thu thập thông tin từ các chi nhánh đơn vị để đưa ra những đánh giá thiệt hại ban đầu...

Đánh giá ban đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản có thể bị tổn thất nhiều nhất sau trận bão lịch sử này, đặc biệt là thiệt hại tài sản tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng.

Được biết, đối với một hợp đồng bảo hiểm với những điều khoản theo quy định chung của bảo hiểm thì quy định của các doanh nghiệp như nhau. Tuy nhiên, tùy từng hợp đồng khách hàng tham gia các quyền lợi như thế nào thì sẽ có các mức bồi thường tương ứng. Chẳng hạn, đối với bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm quan trọng nhất đối với ô tô là trường hợp xe bị thủy kích (ngập nước). Quy định này có trong điều khoản bổ sung của hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp xe bị thủy kích mà hợp đồng bảo hiểm có điều khoản này thì chủ xe sẽ được bồi thường. Phí bảo hiểm đối với điều khoản này dao động từ 0,01 - 0,02% giá trị tài sản. Trường hợp cây đổ đè lên xe trong gió bão thì tùy từng công ty bảo hiểm. Có công ty bảo hiểm mở rộng phạm vi bảo hiểm, khách hàng có thể chọn lựa mua thêm và phải trả thêm phí bảo hiểm.

Theo các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xe bị cây đổ cũng là vấn đề được các khách hàng quan tâm gọi tới các công ty bảo hiểm nhiều trong thời gian qua. Đối với bảo hiểm tài sản công trình nhà máy..., mức độ bảo hiểm cao nhất là bảo hiểm cho mọi rủi ro. Khi xảy ra rủi ro, kể cả thiên tai bão lũ, công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường. Nhưng phí bảo hiểm sẽ rất cao nên thường thì các doanh nghiệp tư nhân ít khi tham gia loại hình bảo hiểm này.

N.Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-ghi-nhan-nhung-ton-that-ban-dau-ve-tai-san-ky-thuat-hang-tram-ty-dong-post353357.html