Bảo hiểm thất nghiệp phải thành phao cứu sinh
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành chỗ dựa thiết thực cho người lao động khi mất việc. Tuy nhiên, sau 16 năm (từ năm 2009) triển khai, chính sách này bộc lộ một số bất cập, cần những điều chỉnh kịp thời để thật sự phát huy tối đa hiệu quả, hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Ánh Nguyệt ở phường Ba Đình, TP Hà Nội tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ TP Hà Nội) khi chị đi nộp đơn xin hưởng BHTN. Hơn hai tháng nay, chị mất việc do công ty của chị cắt giảm nhân sự. Chị Vũ Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: “Tôi đóng bảo hiểm ở mức 8 triệu đồng/tháng và đã đóng được hơn 10 năm. Vì vậy, mỗi tháng tôi nhận được gần 5 triệu đồng BHTN, thời gian hưởng tối đa 12 tháng. Tuy số tiền này không đủ để tôi trang trải cuộc sống nhưng cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong khoảng thời gian khó khăn này”. Trường hợp của chị Nguyệt là một ví dụ điển hình cho thấy vai trò quan trọng của BHTN trong việc hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn chuyển tiếp giữa hai công việc. Tuy nhiên, đằng sau những con số hỗ trợ, chính sách này vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Người lao động nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Luật Việc làm (sửa đổi) 2025 có hiệu lực từ ngày 1-1-2026, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được giữ nguyên theo quy định cũ bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc nhưng không quá 5 lần mức lương cơ sở (đối với đối tượng Nhà nước quy định) hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng (đối với đối tượng do người sử dụng lao động quyết định). Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại đã tồn tại từ lâu và vẫn chưa được giải quyết triệt để là nhiều công ty chỉ đóng bảo hiểm cho người lao động theo mức lương tối thiểu, chứ không phải theo mức lương thực tế họ được hưởng. Ví dụ như trường hợp của chị Nguyễn Thu Mai ở xã Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chị Mai làm công nhân tại một công ty may trên địa bàn phường Tây Tựu (TP Hà Nội). Thu nhập cả tăng ca của chị là hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng doanh nghiệp chỉ khai mức lương đóng BHTN ở mức 6 triệu đồng. Như vậy, dù tỷ lệ hưởng là 60%, số tiền thực nhận chỉ khoảng 3,6 triệu đồng/tháng, khoản tiền này khó lòng để đủ cho chi phí sinh hoạt thiết yếu như thuê nhà, ăn uống, đi lại, hay chăm sóc con cái. Việc này không chỉ gây ra gánh nặng tài chính cho người lao động mà còn làm giảm niềm tin của họ vào chính sách an sinh quan trọng này. Chính sách đóng không phản ánh đúng thu nhập thực tế và mức hưởng thấp, sẽ rất khó để thu hút người lao động tham gia một cách tự nguyện, ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHTN, làm giảm khả năng chi trả và hỗ trợ lâu dài.

Công nhân Công ty TNHH Sơn Kansai Việt Nam (Hưng Yên) trong giờ làm việc. Ảnh: HUYỀN TRANG
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến BHTN chưa thực sự phát huy hết hiệu quả là vì mức đóng không phản ánh đúng thu nhập thực tế. Việc giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp chỉ là một phần chế độ ưu việt của BHTN, mục tiêu quan trọng về lâu dài là chính sách hỗ trợ người lao động nhanh chóng tìm việc làm và quay trở lại với thị trường lao động”.
Luật sư Trần Hồng Tình, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Trí An cho biết: “Từ ngày 1-7-2025, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động thất nghiệp, đặc biệt là trong việc xác định mức đóng BHTN sát với thu nhập thực tế. Cụ thể, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề... Còn đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương”.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp chỉ khai mức lương tối thiểu vùng để đóng bảo hiểm xã hội, trong khi thực tế người lao động được trả cao hơn. Việc các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên, ổn định cũng được tính vào căn cứ đóng sẽ giúp mức đóng BHTN sát hơn với thu nhập thực tế của họ.
Tuy nhiên, việc triển khai quy định này đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý, sự minh bạch từ phía doanh nghiệp và sự chủ động tìm hiểu, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính người lao động. Chỉ khi mức đóng và mức hưởng thực sự tương xứng, chính sách BHTN mới có thể phát huy hết vai trò và ý nghĩa của nó, không chỉ là một khoản hỗ trợ tạm thời mà là một phao cứu sinh đúng nghĩa, giúp người lao động an tâm hơn, có đủ thời gian và điều kiện để quay trở lại thị trường lao động.