Bảo hiểm xã hội tự nguyện và thách thức 'bốn không'

HNN - Một người hàng xóm mới đây chia sẻ về quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH) với mức đóng hơn 1 triệu đồng/tháng, nhằm đảm bảo khoản lương hưu ổn định khi về già. Quyết tâm này bắt nguồn từ việc chứng kiến hoàn cảnh của nhiều người, ngoài 60 tuổi, không có lương hưu, lại rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật nên cuộc sống rất chật vật. Chị hàng xóm của tôi không muốn rơi vào tình cảnh tương tự.

 Chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí

Chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí

Câu chuyện trên phản ánh thực trạng đáng lo ngại: Số lượng người cao tuổi rơi vào tình trạng “bốn không” ngày càng nhiều: Không lương hưu, không trợ cấp xã hội, không người chăm sóc và không sức khỏe. Trong bối cảnh xã hội già hóa nhanh chóng, việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi sự phối hợp từ chính sách Nhà nước, nhận thức cộng đồng và hành động của mỗi cá nhân.

Không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội khiến nhiều người cao tuổi rơi vào cảnh túng thiếu và phụ thuộc. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã khắc phục tình trạng này. Hạn chế rút BHXH một lần sẽ khuyến khích người lao động duy trì đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu khi về già. Thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu được rút ngắn từ 20 năm xuống còn 15 năm, đồng thời phạm vi tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng. Độ tuổi nhận trợ cấp xã hội giảm xuống còn 75 tuổi, và người hết tuổi lao động có thể nhận trợ cấp hàng tháng thay vì rút một lần. Những thay đổi này hứa hẹn giảm đáng kể số người cao tuổi không có nguồn thu nhập ổn định.

Tôi vẫn nghĩ chính sách chỉ là một phần giải pháp. Thực tế, suốt thời gian dài, nhiều người trẻ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tham gia BHXH và sớm lập kế hoạch tài chính. Thiếu sự chuẩn bị này có thể đẩy họ vào nguy cơ “không lương hưu” trong tương lai. Đáng lo ngại hơn khi thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Bộ Y tế cho thấy, phụ nữ Việt Nam trung bình sống chung với bệnh tật khoảng 11 năm cuối đời, trong khi con số này ở nam giới là 8 năm. Mỗi người cao tuổi thường mắc từ 3 đến 6 bệnh nền mãn tính, không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn gây áp lực tài chính và tinh thần cho cả người già lẫn gia đình.

Tình trạng “bốn không” là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội, đòi hỏi các giải pháp toàn diện để đảm bảo người cao tuổi có cuộc sống an vui. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục cải cách hệ thống, khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện và mở rộng các chương trình trợ cấp. Các chiến dịch truyền thông cần nâng cao nhận thức cho người trẻ về việc lập kế hoạch tài chính từ sớm. Bên cạnh đó, đầu tư vào hệ thống y tế chuyên biệt và các dịch vụ chăm sóc tại nhà sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật và cô đơn cho người cao tuổi. Xây dựng các trung tâm cộng đồng và viện dưỡng lão chất lượng cao, kết hợp khuyến khích văn hóa chăm sóc người già trong gia đình, sẽ tạo nên mạng lưới hỗ trợ bền vững.

Sáu tháng đầu năm, thành phố Huế có 23.764 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt trên 57% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Con số này vẫn còn phải tăng tốc, song, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng đã dần thay đổi để đảm bảo người cao tuổi không rơi vào cảnh “bốn không”, mà được sống trọn vẹn, đủ đầy khi về già.

Bài, ảnh: An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-va-thach-thuc-bon-khong-155493.html