'Bảo tàng thu nhỏ' góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

Với 18 dân tộc cùng sinh sống, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc. Những 'bảo tàng thu nhỏ' tại đây đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu...

 Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập và duy trì 240 đội, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên

Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập và duy trì 240 đội, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên

Tính đến tháng 11/2024, địa phương có 188 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản cấp quốc gia như: Nghệ thuật trình diễn Khèn, tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải và Lễ hội Gầu Tào của người Mông. Ngoài ra, 12 di tích được xếp hạng và 15 di sản khác đã được lập hồ sơ bảo tồn hàng năm.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn luôn được chính quyền và người dân quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác này ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn trang phục truyền thống, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, kiến trúc nhà ở, các nghi lễ, lễ hội dân gian…

Dự án 6 ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại nhiều kết quả thiết thực cho người dân ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Dự án 6 ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại nhiều kết quả thiết thực cho người dân ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Hàng năm, Văn Chấn đều phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể do nghệ nhân và người am hiểu văn hóa dân tộc trực tiếp hướng dẫn. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội truyền thống như Lồng tồng (dân tộc Thái), Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú), Cấp sắc (dân tộc Dao), Cầu đình (dân tộc Tày), lễ cúng cây chè tổ (Suối Giàng)… cũng được phục dựng, trở thành cầu nối quan trọng giữa các thế hệ trong cộng đồng.

Một trong những tấm gương tiêu biểu là ông Vì Văn Sang - Nghệ nhân ưu tú, già làng ở xã Nghĩa Sơn. Ông đã dành nhiều năm sưu tầm và lưu giữ 21 loại bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ Mú, từ phong tục tập quán, lễ hội, nhạc cụ đến các trò chơi dân gian, trang phục, dân ca, dân vũ… Với việc sưu tầm gần 100 hiện vật, ông đã góp phần gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu như một "bảo tàng thu nhỏ" tại địa phương. Các lễ hội Cầu mùa, Cầu mưa, Chọc lỗ tra hạt, các trò chơi dân gian đón xuân được UBND xã Nghĩa Sơn đứng ra tổ chức.

"Giá trị cốt lõi bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc rất quý báu, cần giữ gìn cũng như bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Bản sắc văn hóa là tài sản vô giá cần được bảo tồn cho con cháu mãi mãi muôn đời sau".

Nghệ nhân ưu tú Vì Văn Sang

Nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhất là Dự án 6, các hoạt động truyền dạy, trình diễn và phục dựng văn hóa dân gian ngày càng phát triển.

Giai đoạn 2022-2024, huyện đã được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang bị cơ sở vật chất cho 15 xã vùng DTTS và miền núi, cùng 2 thôn đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2024, từ kinh phí 581 triệu đồng của Dự án 6, Văn Chấn đã mua sắm trang phục cho 21 đội văn nghệ và mở 2 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể tại xã Nghĩa Sơn và Sùng Đô.

Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập và duy trì 240 đội, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng. Những đội nhóm này không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn góp phần quảng bá, gắn kết văn hóa với phát triển du lịch địa phương.

Bảo tồn văn hóa truyền thống còn là cách để khẳng định bản sắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống còn là cách để khẳng định bản sắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong thời gian tới, huyện Văn Chấn tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực từ chương trình, chính sách dân tộc và nghị quyết phát triển du lịch của tỉnh. Qua đó, từng bước lan tỏa các giá trị di sản văn hóa đến sâu rộng trong cộng đồng, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, giữ gìn hồn cốt dân tộc cho hôm nay và mai sau.

B.N - Ảnh: NVCC

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bao-tang-thu-nho-gop-phan-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-2025052215513083.htm