Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên: Đầu tư thích đáng để phát huy giá trị di sản
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn di sản, nếu không có nguồn lực đầu tư thích đáng dành cho công tác khai quật, khảo cổ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, các di sản sẽ bị che mờ bởi lớp bụi thời gian.
Rất nhiều di sản hiện vẫn còn nằm rải rác dưới lòng đất, hoặc ở các quốc gia khác, trong khi nguồn kinh phí dành cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản chưa thỏa đáng, khiến các nhà khoa học gặp không ít khó khăn trong quá trình làm việc. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn di sản.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:
Các mô hình hợp tác là động lực bảo vệ di sản văn hóa
Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 (Công ước 1972) của UNESCO đã góp phần làm thay đổi cơ bản nhận thức của lãnh đạo và cộng đồng cư dân Việt Nam về vai trò của di sản văn hóa. Nếu không có sự thay đổi về nhận thức thì sẽ không thể có những cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội. Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động thực hiện nghiêm túc những cam kết với UNESCO và các khuyến nghị của UNESCO thông qua việc xét duyệt di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Nhờ thực hiện nghiêm túc Công ước 1972 và các hướng dẫn của UNESCO nên Việt Nam đã đóng góp và nâng tầm các di sản được UNESCO công nhận theo cách riêng của mình. Từ chỗ là di sản được cứu trợ khẩn cấp, nay Cố đô Huế đã hồi sinh và phát triển bền vững. Thực tiễn bảo tồn di tích cố đô Huế là bài học lớn về công tác bảo tồn kiến trúc gỗ trong môi trường di tích. Chúng tôi mong muốn Trung tâm Di sản thế giới và Việt Nam sẽ hỗ trợ Huế xây dựng một trung tâm bảo quản kiến trúc gỗ với tư cách đại diện cho khu vực Đông Nam Á để lan tỏa những bài học kinh nghiệm về bảo quản kiến trúc gỗ cho các nước Đông Nam Á.
Qua thực tiễn bảo tồn Khu phố cổ Hội An, Việt Nam đóng góp cho thế giới kinh nghiệm bảo tồn một đô thị di sản, một không gian văn hóa có hàng trăm công trình sở hữu tư nhân nhưng lại cộng sinh phát triển cùng cộng đồng. Du lịch đã đóng góp 70% vào GDP của Hội An. Điều đó cho thấy giá trị của di sản văn hóa đã được phát huy rất tốt bên cạnh những nỗ lực bảo tồn.
Những bài học kinh nghiệm về ứng xử với một di sản văn hóa thế giới dưới dạng phế tích kiến trúc như Hoàng thành Thăng Long hay Thành nhà Hồ giúp chúng ta nhận diện một cách toàn diện, sâu sắc hơn về giá trị nổi bật của các di sản văn hóa. Nếu không khai quật khảo cổ các di tích này thì sẽ không có cơ sở khoa học để hình dung ra trung tâm quyền lực của Việt Nam qua hàng nghìn năm và không thể diễn giải giá trị di sản ấy cho người dân.
Việc bảo tồn các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam đều có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Italia, Đức, Ấn Độ... trong suốt nhiều năm, bước đầu đã thiết lập mô hình hợp tác công - tư trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới mà vịnh Hạ Long, Hội An, Tràng An là những ví dụ tiêu biểu. Việt Nam cũng đi đầu trong việc mở ra mô hình hợp tác quốc tế và quốc gia thành viên trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Mô hình hợp tác ấy chính là nguồn động lực thôi thúc chúng ta bảo vệ di sản văn hóa ngày một tốt hơn.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:
Còn hạn chế trong việc khai thác kho tư liệu về di sản
Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO về việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách xác đáng và phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề được toàn xã hội Việt Nam quan tâm. Qua quá trình đúc kết thực tiễn cho thấy, di sản chỉ phát triển bền vững nếu bảo đảm hài hòa giữa việc tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Nếu phát huy tốt thì sẽ có sự gắn kết giữa các di sản và cộng đồng, bởi vì người dân là đối tượng chính trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các nhà nghiên cứu là cần tiếp tục nghiên cứu giá trị văn hóa qua tiến trình lịch sử. Lịch sử mấy nghìn năm của chúng ta hiện gắn với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các tư liệu còn nằm ở các nước rất nhiều. Mặc dù những năm vừa qua, các nhà sử học, khảo cổ học, dân tộc học... đã rất cố gắng nhưng do điều kiện hạn chế nên chưa thể khai thác hết. Ở Pháp có rất nhiều tư liệu, tài liệu lịch sử liên quan đến các di sản văn hóa của chúng ta như kho tàng của Viện Viễn đông Bác Cổ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại, và một trung tâm lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp tại Paris. Đó là chưa kể tới rất nhiều tư liệu văn hóa, lịch sử Việt Nam hiện nằm rải rác ở nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...
Các cơ quan có trách nhiệm cần tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học khai thác nguồn tư liệu quan trọng nói trên, vì tài liệu rất nhiều nhưng kinh phí hạn hẹp chỉ cho phép các nhà nghiên cứu đi trong thời gian ngắn nên không thể đọc được hết. Nếu được cấp kinh phí đủ, chúng ta có thể có thêm cơ sở để phục dựng lại nhiều di sản đã mất. Bảo tồn văn hóa cần có sự đầu tư thích đáng để phát huy được các giá trị của di sản và liên kết các giá trị văn hóa của di sản với cộng đồng.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam:
Thiếu kinh phí nên công tác khai quật, bảo tồn gặp nhiều khó khăn
Việt Nam hiện không có một mô hình thống nhất trong việc quản lý các di sản thế giới. Có di sản thuộc cấp tỉnh, có di sản lại do cấp Sở quản lý. Việc thiếu thống nhất này khiến cho công tác chỉ đạo, quản lý, bảo tồn di sản ở nhiều địa phương khá lúng túng, đồng thời gây khó khăn cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học.
Những năm qua, công tác khảo cổ học đã có những đóng góp nhất định trong việc các di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Tràng An, Mỹ Sơn, Hội An... được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác khảo cổ học, bảo tồn di sản ở Việt Nam chưa thấm tháp gì so với nhiều nước trong khu vực, khiến công tác khảo cổ gặp khá nhiều khó khăn. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, những kinh đô cổ như cố cung Nara (Nhật Bản) hay Gyeongbokgung (Hàn Quốc) được tiến hành khảo cổ học hằng năm và quá trình này đã diễn ra từ 200 năm trước, đến nay vẫn còn tiếp tục.
Vì vậy, Việt Nam cần có kế hoạch nghiên cứu loại hình di sản này trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tốt hơn. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay Thành nhà Hồ cần được khai quật trong hàng thế kỷ nữa mới có thể thấy hết giá trị của các cố cung này. Muốn vậy, công tác khai quật, khảo cổ học cần phải được diễn ra thường xuyên, liên tục và Nhà nước phải cấp kinh phí phù hợp thì mới có thể thực hiện được.