Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên (Kỳ II)

Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên là một dòng chảy riêng và nó đang tồn tại trong những nghịch lý phát sinh cần được giải quyết. Nhưng trước hết, cần một sự hiểu biết, sự tôn trọng và chất chứa trong đó cả những ưu tư khi lý giải về sự biến đổi của không gian văn hóa đó theo tiến trình thời gian. Thực tế cho thấy, một vùng văn hóa Tây Nguyên đã và đang có những đổi khác rất rõ ràng so với những gì mà các nhà nghiên cứu dân tộc học như Henri Maitre, Georges Condominas, Sabatier, Jacque Dournes rồi Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, Mạc Đường, Phan Đăng Nhật, Đặng Nghiêm Vạn, Tô Ngọc Thanh, Ngô Đức Thịnh…từng ấn định như những giá trị nguyên thủy bất biến.

Kỳ II: Những biến động và tác động

Vũ điệu Tămya-Arya của người Churu

Vũ điệu Tămya-Arya của người Churu

CHẤM PHÁ THỰC TRẠNG

Ngày nay, đi suốt mọi nẻo đường Tây Nguyên, nơi nào cũng khang trang, trù phú, đời sống của người dân khá lên từng ngày. Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày xưa lạc hậu, đói nghèo, nay đã là những điểm sáng trên bản đồ phát triển. Nhiều buôn làng đã trở thành quê hương của những tỷ phú, triệu phú. Thế nhưng, sự nhạt nhòa vốn văn hóa cổ truyền đã làm cho những miền quê có sự khởi sắc kinh tế - xã hội hao hụt dần bản sắc và thiếu sự hấp dẫn. Trong những chuyến điền dã, chúng tôi đã gặp những con người cụ thể, những vùng quê cụ thể và ghi nhận thực tế. Già làng Ywan R’tung, sống tại buôn Sa Luk của người Mơ Nông Gar bên dòng K’rông Ano (Đắk Lắk) nói: “Buôn làng giờ khá giả, nhưng mà buồn lắm! Ít khi được ngồi cùng nhau uống rượu cần hát kể Ot Ndrong, cùng đánh cái chiêng, thổi cái khèn bầu. Rừng không còn, nhà dài không còn, bếp lửa cũng không còn. Con cháu giờ lo làm ăn, ít nhớ chuyện xưa của ông bà”.

Tân Châu, xã Anh hùng thời kỳ đổi mới ở huyện Di Linh (Lâm Đồng), một trong những địa chỉ giàu có nhất vùng Tây Nguyên, bởi chuyên canh chè và cà phê. Ở xã có tới 64% đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không thiếu thứ gì của xã hội hiện đại, nhưng cái thiếu rõ nhất lại là một không gian văn hóa mà vùng đất đa sắc tộc này cần phải có như xưa từng có. Xã Lộc Bắc của người Mạ ở huyện Bảo Lâm cũng vậy. Xã vùng sâu này vốn là một hình mẫu về bảo tồn văn hóa cổ nhưng chỉ mấy năm quay lại, những ngôi nhà dài truyền thống đẹp như sử thi đã biến mất; tìm người hát Yalyău cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Mấy cụ ông, cụ bà trong những lần điền dã trước từng thổi khèn bầu cho chúng tôi nghe nay đã về rừng Yàng và mang theo biết bao tri thức tộc người. Xã Đồng Nai Thượng của người Mạ, Stiêng ở tận tít trên đỉnh núi Bờ Xa Lu Xiêng nơi đầu nguồn Đồng Nai ngày xưa đậm đặc hồn cốt núi rừng, nay thì những người trẻ chỉ còn biết cầm Kinh Thánh mà quên dần tên các vị Yàng trong tín ngưỡng đa thần…

Một lớp trẻ Tây Nguyên vừa bảo tồn các giá trị truyền thống vừa tiếp cận với văn minh hiện đại

Một lớp trẻ Tây Nguyên vừa bảo tồn các giá trị truyền thống vừa tiếp cận với văn minh hiện đại

Dù ở Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai hay Lâm Đồng, dù ở vùng người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Churu, K'Ho, S’Tiêng hay Mạ… thì hình ảnh nhạt nhòa văn hóa cổ đều hiện ra rõ nét. Sự mất dần căn cốt núi rừng thể hiện từ văn hóa vật thể đến phi vật thể. Nhiều vùng bây giờ thật khó phân biệt đó là không gian sống của các dân tộc gốc Tây Nguyên hay của người Kinh và các tộc người mới di cư đến. Chúng tôi đã từng dừng chân ở những buôn M'Nông bên rừng già, sông lớn đẹp như mơ bởi lối kiến trúc đại ngàn độc đáo nay chỉ còn là những dãy nhà bê tông nối liền nhau “đồng phục”. Chúng tôi từng lạc vào những khu “rừng ma” Ba Na nơi đầu nguồn sông Ba đầy huyền bí với nhà mồ, tượng gỗ, nay thì đã hoàn toàn bị xi-măng hóa và những sự phá cách lệnh lạc. Những ngôi nhà dài Ê Đê soi mình bên bến nước thiêng các dòng sông K’rông Ana, K’rông Ano cũng đã vắng bóng, nghi lễ cúng bến nước chỉ còn được “diễn” thưa thớt trong các lễ hội không phải do người dân tự thân tổ chức.

Cũng như cồng chiêng mất dần không gian diễn xướng tự nhiên trong các nghi lễ, lễ hội cổ truyền và nghi lễ vòng đời mà chủ yếu phô diễn “sân khấu hóa” trong các liên hoan và hoạt động du lịch, các hình thức nghệ thuật diễn xướng và biểu diễn nhạc cụ cổ truyền đang có nhiều biến đổi. Những đêm kể sử thi, những nhạc cụ dân tộc và các hình thức dân ca, dân vũ đang được cố gắng duy trì qua phong trào văn nghệ nhưng lại thiếu linh hồn. Những yếu tố tích cực của hệ thống luật tục không được phát huy. Nghề thủ công truyền thống như rèn, đan lát, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần cũng tồn tại lay lắt trước khi biến mất. Số lượng nghệ nhân am hiểu văn hóa cổ trong cộng đồng ngày một giảm sút…

Các nghệ nhân cồng chiêng người Mạ

Các nghệ nhân cồng chiêng người Mạ

THỬ LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN

Vì sao mà nhiều giá trị văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang mai một, biến dạng, có nguy cơ thất truyền? Đã có nhiều nghiên cứu lý giải, mà lý do quan trọng nhất là bởi mất dần các điều kiện và không gian thực hành văn hóa.

Thực tế cho thấy là làng (thiết chế xã hội cổ truyền) tan rã và rừng (không gian sinh tồn) đang bị phá vỡ. Các dòng sông bị chặn. Cơ cấu dân cư đảo lộn. Tập quán sống dựa vào tự nhiên ít dần cùng với sự thay đổi phương thức canh tác. Đó là những nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ khó cưỡng về văn hóa truyền thống bản địa. Khi nói đến văn hóa Tây Nguyên, người ta thường nhắc đến hệ thống các lễ hội, nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ… Đó là những thiết chế, thực hành văn hóa gắn chặt máu thịt với không gian rừng và thiết chế làng. Mất rừng thì con người và cộng đồng người mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất của mình, trở nên bơ vơ, tha hóa, mất gốc, mất cội nguồn. Mất rừng và làng, mất những cơ hội thực hành văn hóa thì hệ thống giá trị đó không còn biết bấu víu vào đâu. Sợi dây thắt chặt một cộng đồng văn hóa hình như đang lơi lỏng, đang tuột dần theo nhịp sống hiện đại. Như trên đã nói, văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng. Khi không còn rừng thì tất yếu văn hóa rừng sẽ mai một và dẫn đến biến mất. Mất bản sắc, những tộc người bản địa sẽ sống trong trạng thái cô đơn trên chính quê hương ngàn đời của chính mình.

Thanh niên dân tộc K'Ho biểu diễn trang phục truyền thống

Thanh niên dân tộc K'Ho biểu diễn trang phục truyền thống

Bên cạnh sự biến đổi không gian sinh tồn thì sự thay đổi phương thức mưu sinh và tác động của các tín ngưỡng du nhập là những lý do quan trọng dẫn đến sự phá vỡ một không gian văn hóa vốn hình thành trong môi trường thiết chế xã hội bộ tộc và kéo dài sang xã hội hiện đại. Trong đó, những dịch chuyển kinh tế-xã hội có tác động sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy nhiều loại hình văn hóa dân gian. Chẳng hạn như ngày nay cây lúa ở vùng Tây Nguyên chỉ còn thưa thớt, cây công nghiệp lên ngôi cùng với sự biến mất dần các chuỗi nghi lễ liên quan đến vòng đời cây lúa. Đó là lý do làm cho cơ hội thực hành văn hóa suy giảm. Sự thay đổi cơ cấu cây trồng cũng khiến cho môi trường diễn xướng, truyền dạy các tri thức cổ truyền dẫn đến tiêu vong.

Hình ảnh các vị thần trong tín ngưỡng dân gian không còn giữ vị trí độc tôn với cư dân thiểu số Tây Nguyên thay vào đó là các thánh linh đến từ các tôn giáo du nhập. Bởi lẽ đó, những nghi lễ dân gian từ bao đời nay cộng đồng dành cho các vị thần totem, shaman giáo đã được thay thế bằng các nghi lễ tôn giáo mà họ là tín đồ. Các phép thánh liên quan đến vòng đời trong các đạo cũng đã thay thế chuỗi nghi lễ vòng đời của mỗi cá thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đó là chưa nói đến những biến tướng mang yếu tố tiêu cực của các “nghi lễ vòng đời” ngày nay đang phổ biến ở vùng Tây Nguyên (thách cưới cao, mở tiệc thôi nôi, sinh nhật thu tiền mừng…).

Biểu diễn cồng chiêng và xoang

Biểu diễn cồng chiêng và xoang

GIẢI MÃ NGUỒN “ZEN” VĂN HÓA TỪ LỚP NGƯỜI TRẺ

Khi phân tích những nội dung trên, chúng tôi thử đặt mình trong dòng tâm thức của những người trẻ Tây Nguyên để được buồn vui cùng nỗi vui buồn của họ. Họ, một thế hệ lớn lên trong những nỗi niềm băn khoăn. Họ muốn được “hát giữa mọi người không ngại ngần” (Đi tìm lời ru mặt trời, Yphôn Ksor) như khẳng định về sự tồn tại với thời cuộc hiện đại. Họ đang tìm cách níu giữ những không gian, những khoảnh khắc huyền thoại. Họ muốn đổi thay và phát triển nhưng lại chưa biết tìm con đường nào để không đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Họ cất lên những thông điệp của niềm khát khao cần một sự sẻ chia, một lời giải đáp. Những đứa con của đại ngàn yêu biết bao những ngôi nhà dài, những bến nước xưa, những bức tượng nhà mồ đầy ma lực, tiếng chiêng khắc khoải đêm trường hay những đêm khan huyễn hoặc. Họ khao khát được đắm chìm trong ngôn ngữ tộc người, trong dòng chảy văn hóa của xứ sở mình. Họ đi ra với thị thành, với rộng dài đất nước, tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau. Họ tìm đến cái mới và thích nghi dần với đời sống hiện đại. Nhưng nơi họ trở về với chính tâm thức của mình vẫn là làng buôn, nương rẫy, núi rừng, với thiên nhiên bí ẩn mà gần gũi.

Nhiều giá trị văn hóa cổ truyền đang đứng trước nguy cơ phai nhạt và thất truyền nhưng những người con Tây Nguyên vẫn mãi lưu tồn tình yêu tha thiết với làng buôn của mình, yêu trong cảm thức níu kéo nền văn hóa ngàn đời của ông cha truyền lại. Một tình yêu như máu chảy trong huyết quản. Một tình yêu như niềm tiếc nuối những gì đang dần rời bỏ. Những người trẻ Tây Nguyên đang sống trong hoài niệm về những câu chuyện của mình, của làng buôn mình ngay chính trên xứ sở quê hương ngàn đời của họ…

(CÒN TIẾP)

UÔNG THÁI BIỂU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-ky-ii-04a13f5/