Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) 2 lần được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới-đó là minh chứng cho những giá trị nổi bật toàn cầu và nỗ lực của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Hơn ai hết, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình trân trọng và gìn giữ nguyên vẹn các giá trị đó vì mục tiêu phát triển bền vững…
Ngày 12/12/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 189/2001/QĐ-TTg về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên PN-KB thành VQG PN-KB. Ngày 3/7/2003, tại kỳ họp thứ 27, Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) đã thông qua hồ sơ đệ trình của Việt Nam công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo.
Với những nỗ lực của nhà nước Việt Nam và hỗ trợ của quốc tế, VQG PN-KB được mở rộng lên 123.326ha để bảo tồn nguyên vẹn vùng núi đá vôi cổ lớn nhất Đông Nam Á. Ngày 3/7/2015, các thành viên của Ủy ban Di sản thế giới đã nhất trí bổ sung thêm tiêu chí các giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Di sản thiên nhiên thế giới là một dấu mốc quan trọng không chỉ ghi nhận về giá trị ngoại hạng toàn cầu mà còn đánh giá nỗ lực trong hoạt động bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tài nguyên. Việc công nhận di sản là cơ sở hướng đến sự phát triển bền vững trên nguyên tắc hài hòa vừa phát huy các giá trị, vừa bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên. Chính vì vậy, trong 20 năm qua, Ban Quản lý (BQL) VQG PN-KB lấy việc quản lý bảo tồn làm nền tảng, nghiên cứu khoa học là cốt lõi, phát huy các giá trị di sản làm động lực.
Xác định công tác bảo vệ rừng (BVR) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, 20 năm qua, BQL VQG PN-KB luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý, BVR tại gốc; thường xuyên thay đổi cách thức, phương pháp tuần tra, kiểm tra linh hoạt; đồng thời, cương quyết bắt, giữ, xử lý các đối tượng vi phạm. Việc ứng dụng công nghệ trong công tác BVR ngày được cải thiện, các ứng dụng, như: SMART, GIS, Drone…đã áp dụng trong các hoạt động tuần tra BVR, giám sát đa dạng sinh học, giám sát biến động đất, các tác động của thiên tai và con người, nhờ đó, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên không ngừng được nâng cao.
Kết quả 20 năm qua, BQL VQG PN-KB đã tổ chức được trên 41.000 đợt tuần tra, quản lý, BVR và giám sát đa dạng sinh học; phát hiện và tháo gỡ hơn 42.596 sợi dây bẫy, phá hủy hơn 579 lán trại, đẩy đuổi hơn 4.158 lượt người xâm nhập trái phép vào rừng; phát hiện và ra quyết định xử lý đối với 2.401 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Nghiên cứu được xem trụ cột trong bảo tồn các giá trị tài nguyên, bởi các kết quả nghiên cứu khoa học luôn là bằng chứng trung thực giúp nhà quản lý đưa ra quyết định kịp thời nhằm có các biện pháp can thiệp để hệ sinh thái được duy trì. Trong 20 năm qua, BQL VQG PN-KB đã chủ động hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học trên các lĩnh vực: Môi trường, địa chất-địa mạo, sinh thái, đa dạng sinh học, văn hóa-lịch sử.
Đến nay, VQG PN-KB đã tổ chức điều tra và công bố danh lục 2.953 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, phát hiện thêm 5 loài thực vật mới cho khoa học; điều tra và công bố danh lục 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, phát hiện 38 loài động vật mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới; tiếp nhận, cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã (ĐVHD), 1.575kg phong lan; thả về môi trường tự nhiên 1.335 cá thể; hiện đang nuôi cứu hộ 64 cá thể ĐVHD các loài, trong đó có 7 cá thể hổ Đông Dương...Đặc biệt, là việc ghi nhận sự phân bố của quần thể loài Bách xanh đá 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000ha, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao trên 600m…
Để bảo đảm vừa phát huy giá trị tài nguyên để phát triển du lịch, vừa bảo tồn di sản bền vững, BQL VQG PN-KB luôn chú trọng việc theo dõi, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên các hang động để có hướng bảo tồn phù hợp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực lên giá trị ngoại hạng của di sản. 20 năm qua, đã khảo sát, phát hiện mới 425 hang động thuộc 7 khu vực, hệ thống. trong đó có 389 hang động đã được đo vẽ với tổng chiều dài 243km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và PN-KB trên khắp thế giới.
Bên cạnh nhiệm vụ quản lý và bảo tồn các giá trị di sản, BQL VQG PN-KB luôn chú trọng đến công tác phát huy giá trị của di sản thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ. Với quan điểm, xác định, du lịch PN-KB là bộ mặt, trái tim của du lịch Quảng Bình, BQL VQG PN-KB đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ cả 3 hình thức tổ chức khai thác du lịch bao gồm: Tự thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê dịch vụ môi trường rừng…
Đến nay, PN-KB đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, như: Khám phá thiên nhiên, hang động, camping, trekking, zipline,... Đặc biệt, tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là một trong những tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế…Việc phát triển dịch vụ, du lịch đã thu hút lượng khách đến với di sản ngày càng tăng. Tổng lượng khách đến tham quan tại VQG PN-KB trong 20 năm qua đạt hơn 9,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,1 triệu lượt; doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.742 tỷ đồng…
VQG PN-KB được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới vừa là cơ hội, động lực hết sức quan trọng cho phát triển, vừa gắn với những thách thức, áp lực không hề nhỏ cho công tác quản lý. Nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian tới, BQL VQG PN-KB đã đề ra một số giải pháp, định hướng thực hiện nhiệm vụ, như: Xác định công tác quản lý, BVR và bảo tồn bền vững giá trị tài nguyên thiên nhiên là nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển; phấn đấu đến năm 2025, đưa khu cứu hộ ĐVHD PN-KB trở thành khu cứu hộ ĐVHD có năng lực tiếp nhận, cứu hộ đa loài đáp ứng yêu cầu cứu hộ ĐVHD trên cạn cho cả khuvực miền Trung; xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế; tập trung đẩy mạnh công tác phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; phấn đấu đưa du lịch PN-KB trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á…