Bảo tồn và phát huy giá trị nền Văn hóa Hòa Bình
Hòa Bình là vùng đất cổ, nơi có cư dân cư trú từ rất sớm. Văn hóa Hòa Bình - văn hóa thời đại đá có niên đại từ 18000 - 7000 năm cách ngày nay, do bà Madeleine Colani - nữ khảo cổ học người Pháp phát hiện năm 1926. Năm 1932, tại Hội nghị Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội, thuật ngữ 'Văn hóa Hòa Bình' được cả thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ 'Văn hóa Hòa Bình' do bà Madeleine Colani đưa ra để đặt tên cho nền văn hóa này.
Văn hóa Hòa Bình có không gian phân bố rộng trên khu vực Đông Nam Á, trong đó tập trung nhiều nhất ở tỉnh Hòa Bình (tại Việt Nam đã tìm thấy trên 150 di tích, riêng tỉnh Hòa Bình có hơn 80 di tích được phát hiện và nghiên cứu). Các di tích thuộc Văn hóa Hòa Bình thường phân bổ tập trung thành các cụm hang động và được biết đến là loại hình di sản nhân văn kiểu thung lũng đá vôi rất đặc hữu, tiêu biểu của cả khu vực Đông Nam Á. Trong đó có những địa điểm mang tính trung tâm như hang xóm Trại, xã Tân Lập và mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn); di tích hang Chổ, xã Cao Sơn (Lương Sơn); di tích hang Đồng Thớt, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy); di tích hang Muối, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc)… Các di vật tìm thấy tại các di chỉ rất phong phú, trong đó đặc trưng nhất là bộ sưu tập công cụ làm bằng đá cuội, với sự kết hợp các thủ pháp: chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè, đẽo, mài, cưa khoan, phát triển qua 2 giai đoạn: hậu kỳ đá cũ và sơ kỳ đá mới. Đặc trưng nhất của nền văn hóa này là công cụ lao động sử dụng cuội suối basalt làm nguyên liệu chính. Bằng sự kết hợp các thủ pháp chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè - đẽo, mài - cưa tạo ra những công cụ hình đĩa, 1/4 viên cuội, hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, bôn, rìu mài lưỡi, cuốc... Bên cạnh đó, họ đã chế tác và sử dụng công cụ bằng xương, sừng, vỏ trai và làm đồ gốm bằng khuôn đan.
Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Văn hóa Hòa Bình đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm. Nhiều di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh đã được xếp hạng cấp quốc gia. Các nhà khoa học trong và ngoài nước không ngừng nghiên cứu, khám phá về những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của Văn hóa Hòa Bình. Năm 2022, Sở VH-TT&DL, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích cấp quốc gia mái đá làng Vành và hang xóm Trại. Đây là 2 di tích khảo cổ tiêu biểu về di sản Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Và là các di tích khảo cổ có giá trị lịch sử văn hóa hấp dẫn, độc đáo, nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh trong giai đoạn mở cửa, hội nhập và liên kết vùng.
Di tích hang xóm Trại được phát hiện năm 1975. Hang có niên đại 21000 năm cách ngày nay và đã được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia năm 2001. Qua nhiều lần điều tra, thám sát và khai quật đã phát hiện khối tư liệu khổng lồ bao gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm và đặc biệt là di vật đá lên đến hàng nghìn hiện vật. Cho đến nay, đây là di tích Văn hóa Hòa Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá.
Di tích mái đá làng Vành được bà M.Colani phát hiện, khai quật từ năm 1929 và được xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia năm 2004. Di tích còn giữ được nguyên trạng một phần tầng văn hóa gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều lớp trầm tích của kỷ đệ tứ. Di tích có địa tầng rất dày, chứa tổ hợp công cụ đá, gốm, mộ táng của cư dân Văn hóa Hòa Bình niên đại từ 17000 - 8000 năm cách ngày nay.
Với hệ thống di tích, di vật và chuỗi niên địa tuyệt đối vô cùng phong phú đã được phát hiện, nghiên cứu và bảo tồn di tích mái đá làng Vành và hang xóm Trại là đại diện tiêu biểu nhất của di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình ở tỉnh Hòa Bình, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những di tồn văn hóa còn được lưu giữ ở di tích hang xóm Trại và mái đá làng Vành, cũng như những di tích, di vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Hòa Bình, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Viện Khảo cổ học là những chứng tích về cội nguồn, lịch sử dân tộc của các cộng đồng dân cư hiện đang sinh sống trên đất Hòa Bình nói riêng và cả dân tộc Việt Nam ta.
Việc phát hiện khối lượng hiện vật phong phú, tầng văn hóa dầy đặc và những giá trị mới trong hang xóm Trại và mái đá làng Vành đã chứng tỏ các di chỉ Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình còn rất nhiều bí ẩn để thu hút các nhà khoa học tìm đến nghiên cứu tiếp về ăn hóa Hòa Bình. Với những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình, di tích khảo cổ học mái đá làng Vành và hang xóm Trại (Lạc Sơn) đang được lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.