Bảo tồn văn hóa từ những 'mầm xanh'

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, Lai Châu đã có nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả như: bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch... Và một trong những giải pháp chiến lược, thiết thực, hiệu quả thời gian qua, đó chính là 'Bảo tồn văn hóa từ những mầm xanh'.

Các em học sinh trên địa bàn tỉnh tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhật Minh

Các em học sinh trên địa bàn tỉnh tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhật Minh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo "Thực trạng, giải pháp xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả của Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu" do UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải đã khẳng định, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học là một chủ trương lớn, giải pháp chiến lược và hiệu quả. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cần chỉ đạo trực tiếp, dành nguồn ngân sách để triển khai thực hiện; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người nắm giữ di sản văn hóa; quan tâm tổ chức các cuộc thi, lễ hội, giao lưu văn hóa để bảo tồn bản sắc văn hóa từ những mầm xanh tương lai.

Chứng kiến các em Trường Trung học cơ sở (THCS) xã Phúc Than, huyện Than Uyên cùng nhau múa sạp và mặc những bộ trang phục truyền thống theo đúng bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, bà Đỗ Thị Kim Lý, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên phấn khởi nói: “Đã thành nếp, vào các ngày thứ 2 đầu tuần, ngày lễ, Tết và hoạt động ngoài giờ lên lớp, các thầy, cô giáo, nhân viên, học sinh người dân tộc trên địa bàn huyện đều mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Năm học 2020 - 2021, các trường tiểu học và THCS đã thành lập điểm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian với các nhóm: khâu thêu, thổi khèn Mông, hát, múa Thái, đàn tính tẩu. Đến nay, mô hình truyền dạy này đã được nhân rộng tại 100% trường tiểu học và THCS. Qua đó, giúp các em hiểu biết, trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như hiểu biết hơn về văn hóa của các dân tộc khác trên địa bàn”.

Để có những cách làm thiết thực, hiệu quả ấy, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều nội dung như: Xây dựng tài liệu giáo dục địa phương; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan, khảo sát tìm hiểu thực tế tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, Bảo tàng tỉnh. Giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh qua việc xây dựng phòng truyền thống nhà trường; xây dựng thư viện văn hóa để trưng bày, lưu giữ, quảng bá các sản phẩm văn hóa dân tộc như: các bộ trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, công cụ lao động sản xuất. Bên cạnh đó là đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động trải nghiệm để truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Tiết mục múa sạp của các em học sinh Trường THCS xã Phúc Than trong ngày hội khai trường. Ảnh: Nhật Minh

Tiết mục múa sạp của các em học sinh Trường THCS xã Phúc Than trong ngày hội khai trường. Ảnh: Nhật Minh

Với sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành nên công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tại các trường học được triển khai hiệu quả với nhiều hình thức khác nhau. Nếu như Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đã phục dựng lễ hội truyền thống của một số dân tộc, tổ chức các hội thi ẩm thực giới thiệu về các món ăn truyền thống của các dân tộc, thi thêu các họa tiết đặc trưng của các dân tộc trên các sản phẩm khăn, túi, thì hiện nay, 45 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã thành lập các Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học và duy trì hoạt động hiệu quả, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của các em.

Đặc biệt, nhiều trường học còn tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số, tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc, học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tổ chức Tết dân tộc, lễ hội, hội diễn văn nghệ, thi trình diễn trang phục dân tộc; thực hành các nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian; mời nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy văn hóa cho học sinh...

Ngược dòng sông Đà đến với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) ở khu vực biên giới, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy, đó chính là 100% các em học sinh trong trường đều mặc trang phục dân tộc Hà Nhì.

Trao đổi với chúng tôi, em Chu Mỳ Hoa, học sinh lớp 9A chia sẻ: “Năm 2022, em đã đăng ký và tham gia Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Hà Nhì do nhà trường thành lập. Tham gia câu lạc bộ, em đã được các thầy cô và người già trong bản hướng dẫn và dạy những bài hát, điệu múa của dân tộc Hà Nhì, cùng các thầy cô xây dựng Thư viện văn hóa của trường với việc trưng bày các bộ trang phục, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ... của người Hà Nhì, từ đó, giúp em hiểu biết và trân trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Đến nay, huyện Mường Tè có 36/36 trường duy trì Câu lạc bộ văn hóa thể thao, 22 Câu lạc bộ văn hóa dân gian các loại và thu hút trên 2.100 học sinh tham gia. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mù Cả đã sưu tầm, dịch, biểu diễn các bài dân ca Hà Nhì sang tiếng phổ thông. Hay Trường THCS thị trấn Mường Tè đã duy trì thường xuyên các bài hát, điệu múa, trò chơi dân gian vào các buổi hoạt động giữa giờ của các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần.

Với những cách làm phù hợp với thực tiễn địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc, bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dòng họ, tộc người đang ngày càng lan tỏa từ chính những mầm xanh tương lai của đất nước. Để phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu cần có sự quan tâm bằng những cơ chế, chính sách cụ thể như: hỗ trợ Nghệ nhân dân gian trong việc truyền dạy; biên soạn, cung cấp tài liệu sinh hoạt cho các Câu lạc bộ văn hóa dân gian; hỗ trợ tổ chức các lớp truyền dạy về ẩm thực, trang phục truyền thống, làn điệu dân ca, nghề thủ công; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; hỗ trợ tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc...

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-van-hoa-tu-nhung-quotmam-xanhquot-post463731.html