Bảo trì kết cấu hạ tầng hiệu quả, tạo thuận lợi trong lưu thông

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo sát sao công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024 đối với hệ thống quốc lộ, góp phần tạo thuận lợi trong lưu thông, giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Công tác khắc phục sạt lở đất, đảm bảo giao thông tại vị trí Km10+950, Quốc lộ 34, Hà Giang. Ảnh: Văn Minh

Công tác khắc phục sạt lở đất, đảm bảo giao thông tại vị trí Km10+950, Quốc lộ 34, Hà Giang. Ảnh: Văn Minh

Tập trung bảo trì cả 5 lĩnh vực

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024 đối với hệ thống quốc lộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không và các cục quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện theo quy định nhằm quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên cả 5 lĩnh vực. Đồng thời, Bộ chỉ đạo các đơn vị tổ chức vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) nhằm bảo vệ kết cấu công trình và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), trong đó đặc biệt chú ý về công tác xử lý điểm đen, điểm mất ATGT, các vị trí đường ngang giao với đường sắt…

Xử lý 11 điểm đen tai nạn giao thông

Kể từ đầu năm đến 15/6/2024, Cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư xử lý 11 điểm đen tai nạn giao thông với tổng kinh phí 40,87 tỷ đồng, 7 điểm tiềm ẩn với tổng kinh phí 31,1 tỷ đồng và 62 điểm nguy cơ mất an toàn giao thông với tổng kinh phí 221,8 tỷ đồng.

Cụ thể, trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024, Bộ GTVT đã phê duyệt kinh phí khoảng 12.063 tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất. Kể từ đầu năm đến 15/6/2024, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã cho đầu tư xử lý 11 điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) với tổng kinh phí 40,87 tỷ đồng, 7 điểm tiềm ẩn với tổng kinh phí 31,1 tỷ đồng và 62 điểm nguy cơ mất ATGT với tổng kinh phí 221,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục ĐBVN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các bất cập trong tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho người tham gia giao thông.

Hiện nay có tổng số 4.772 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó: Đường ngang là 1.510 vị trí, chiếm tỉ lệ 32% tổng số giao cắt; (đã kết nối duy trì tín hiệu đường bộ - đường sắt tại 38 điểm vị trí có quy mô giao cắt lớn giữa đường bộ và đường sắt); Còn lại là lối đi tự mở với 3.262 vị trí, chiếm tỉ lệ 68% tổng số giao cắt. 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm, xóa bỏ 66 vị trí nguy hiểm so với thời điểm 15/12/2023 (đạt 1,98%). Lũy kế 4 năm giảm, xóa bỏ 838 vị trí nguy hiểm so với thời điểm 15/12/2020 (đạt 21,7%); đã rà soát các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao, đề xuất cấp thẩm quyền nâng cấp, cải tạo hoặc đề nghị địa phương cảnh giới ATGT. Trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen, giảm 1 điểm so với thời điểm 31/12/2023, 1.010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt giảm 77 điểm so với thời điểm 31/12/2023.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa hiện đang tổ chức kiểm tra, bàn giao mặt bằng phục vụ công tác khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các công trình sửa chữa định kỳ theo kế hoạch Bộ GTVT giao năm 2024. Để bảo đảm ATGT hàng hải, các đơn vị chức năng đang triển khai 5 dự án đóng tàu phục vụ công tác tiếp tế, kiểm tra và tìm kiếm cứu nạn; 5 dự án xây dựng đài vệ tinh, đèn biển, đài thông tin, hệ thống quản lý, điều hành. Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không năm 2024 với tổng kinh phí 447 tỷ đồng.

Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão

Đáng chú ý, cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ GTVT cũng chỉ đạo sát sao Cục ĐBVN thực hiện nhiệm vụ tăng cường ATGT trên các quốc lộ, đường cao tốc cũng như có các giải pháp chủ động để đối phó với tình hình thời tiết bất thường.

Trong đó, trên các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe, có dải phân cách giữa đã điều chỉnh vận tốc khai thác tối đa từ 80 km/h lên 90 km/h đáp ứng nhu cầu vận tải an toàn, thông suốt. Ngoài việc tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ, Cục ĐBVN cũng tiến hành rà soát 3.930 trường học cổng nối vào quốc lộ cho kết quả 3.225 trường học cần bổ sung các biện pháp ATGT về kết cấu hạ tầng để tăng cường ATGT. Cục ĐBVN cũng đã chấp thuận để các Khu quản lý đường bộ, sở GTVT bổ sung danh mục sửa chữa vừa đối với 17 dự án sửa chữa đột xuất, xử lý mất ATGT tại cổng trường học, với khoảng trên 40,5 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, để chủ động đối phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, đảm bảo ATGT, Cục ĐBVN luôn quán triệt phương châm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được tiến hành chủ động và thường xuyên; đồng thời ứng phó kịp thời các loại hình thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Cục ĐBVN cũng luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm ''4 tại chỗ'' (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư và phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù thiên tai gây thiệt hại, hư hỏng các công trình nhưng công tác khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 đã được triển khai kịp thời, hệ thống quốc lộ bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt./.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-tri-ket-cau-ha-tang-hieu-qua-tao-thuan-loi-trong-luu-thong-155405.html