Bảo vệ di sản quý báu của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp xây dựng Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trong đó, nội dung hoàn toàn mới về di sản tư liệu nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc quản lý, bảo vệ và lan tỏa giá trị của loại hình di sản mới mẻ này.
Lan tỏa những ký ức vô giá
Việt Nam hiện có 9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Đó là "Mộc bản triều Nguyễn"; "Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám"; "Châu bản triều Nguyễn"; "Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm"; "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế"; "Mộc bản trường học Phúc Giang"; "Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa)"; "Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng" và "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)".
Làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đang sở hữu 3 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Đó là “Mộc bản trường học Phúc Giang”; “Hoàng hoa sứ trình đồ” (Hành trình đi sứ Trung Hoa) và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)”.
Giáo sư, Viện sứ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu chia sẻ thông tin về bảo vệ, phát huy giá trị các di sản. Với “Mộc bản trường học Phúc Giang”, cuối năm 2016, sau khi được vinh danh, Ban gia tộc dòng lên kế hoạch biên dịch, phiên âm tài liệu từ 12 tập sách in rập. Công việc này đòi hỏi phải có chuyên gia để in rập, phiên âm, dịch nghĩa, số hóa di sản. Mộc bản trường học Phúc Giang hiện còn 383 bản, được bảo quản gìn giữ chu đáo tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy. “Hoàng Hoa sứ trình đồ” đã được xuất bản 4 tập sách liên quan, cuối năm 2018 đã xuất bản bằng tiếng Anh. Dòng họ Nguyễn Huy còn tham gia nhiều cuộc triển lãm ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội An (Quảng Nam), thực hiện nhiều phóng sự, nói chuyện giới thiệu di sản. Đặc biệt, công tác vệ sinh kho mộc bản, phơi chống ẩm “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được tiến hành đều đặn để bảo quản tốt nhất. Đối với Văn bản Hán Nôm cũng đã được giới thiệu đến công chúng một số tư liệu gốc...
Thừa Thiên - Huế cũng có 3 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, trong đó có “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” - còn được gọi là “di sản trong di sản”. Qua thống kê, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có tổng cộng 2.547 đơn vị thơ (tính bằng đơn vị ô thơ) được chạm, khảm, vẽ tráng men, đắp nổi… trên các loại chất liệu gỗ (2.386 đơn vị), pháp lam (109 đơn vị) và sành sứ (52 đơn vị) của 10 công trình di tích chính thuộc quần thể di tích Cố đô Huế...
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: Các đơn vị liên quan đã nỗ lực quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn tập gấp, xuất bản sách để làm quà tặng… Từ đó, công chúng hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của nguồn tài liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã thu hút các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm đóng góp ý kiến về bảo tồn, phát huy giá trị, đồng thời đẩy mạnh số hóa để bảo tồn di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…
Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”. Trưng bày giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc và hiện vật tiêu biểu, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố. Đặc biệt, không gian thiết kế ấn tượng kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt góp phần tôn vinh giá trị của tài liệu, hiện vật, đem đến cho người xem trải nghiệm sống động. Du khách được trực tiếp tương tác để tìm hiểu, khám phá thêm nhiều thông tin lịch sử bổ ích, thú vị từ Châu bản, nhất là học sinh, sinh viên, làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa...
Châu bản là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam và thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản. Đây cũng là di sản tư liệu độc đáo, là bản gốc và có giá trị nổi bật toàn cầu, năm 2014 đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; năm 2017 là Di sản tư liệu thế giới.
Xây dựng nội dung về di sản tư liệu trong Luật là cần thiết
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam khẳng định: Di sản tư liệu góp phần không nhỏ tuyên truyền văn hóa đọc, nâng cao tinh thần ham học, giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy bản sắc dân tộc. Có thể kể đến nội dung đơn giản giáo dục về lịch sử, địa lý, truyền thống hiếu học hay câu chuyện về đạo làm người... cho các lứa tuổi học sinh trong sách giáo khoa của “Mộc bản trường Phúc Giang”; đến triết lý sử dụng nhân tài đất nước như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” trên Bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long. Cùng với đó là chặng đường hình thành lịch sử của Phật giáo, đúc kết các bài thuốc dân gian, đánh dấu sự phát triển của y học, khoa học… trong “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm”. Ngoài ra, di sản tư liệu còn góp phần quan trọng trong việc xác định và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, nghiên cứu tổ chức, bộ máy điều hành của triều đại phong kiến (“Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn”, “Hoàng Hoa sứ trình đồ”)...
Hiện nước ta còn 2 hồ sơ di sản tư liệu đang nộp đề cử vào danh sách Di sản tư liệu thế giới chu kỳ 2022 - 2023 là “Cửu đỉnh hoàng cung Huế” và “Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sỹ Hoàng Vân”.
Di sản tư liệu là một loại hình di sản văn hóa nhưng chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật nước ta. Di sản này ở các địa phương, gia đình và dòng họ rất đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu tiềm năng, nhưng cũng có nguy cơ mai một, biến mất. Việc mất mát, thất lạc tài liệu có giá trị do nhiều nguyên nhân từ lịch sử để lại như chiến tranh, thiên tai, điều kiện tự nhiên (thời tiết, côn trùng, nấm mốc)... và do cả hạn chế về nhận thức gây nên. Sự thay thế các triều đại phong kiến cũng là nguyên nhân làm cho một số tài liệu có giá trị bị tiêu hủy... Vì vậy, di sản tư liệu cần được kiểm kê, bảo vệ, phát huy giá trị và thống nhất trong quản lý. Do đó, việc xây dựng mới một chương trong Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ nêu rõ: Điểm nổi bật nhất của Luật Di sản văn hóa sửa đổi là đã đưa di sản tư liệu vào cùng với di sản vật thể và phi vật thể. Với di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các vấn đề về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu mang tính kế thừa của luật cũ, còn di sản tư liệu là mới hoàn toàn do đó có nhiều việc đặt ra và phương thức giải quyết cũng có phần khác.
Theo ông, di sản tư liệu có thể nói là khá mới với cộng đồng, việc tuyên truyền, để người dân hiểu, bảo vệ, đề cử các danh hiệu và bảo tồn, phát huy giá trị là quan trọng. Hiện nay, hậu duệ các dòng họ ở Nghệ Tĩnh, như: họ Nguyễn Huy Trường Lưu, họ Hà ở Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần, Nam Đàn, Nghệ An... đã và đang làm tốt việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu của dòng họ. Nhưng vì là chủ sở hữu là tư nhân, nên rất khó tiếp cận ngân sách nhà nước trong việc bảo quản di sản tư liệu.
Do đó, ông đề nghị cần xem lại Điều 54 - Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Bởi hiện tại, di sản tư liệu được vinh danh chủ yếu thuộc quản lý của Nhà nước và nhà chùa, nhưng các di sản Hán Nôm như sắc phong, bia ký, trướng văn bằng thì phần lớn được lưu giữ trong các nhà thờ dòng họ, tư gia... Ví dụ như “Mộc bản triều Nguyễn” được lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, “Châu bản triều Nguyễn” ở Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia I... Ở đây có đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, kinh phí từ nhà nước và tài trợ. Còn với di sản tư liệu sở hữu tư nhân rất khó có điều kiện tiếp cận dự án nhà nước. Như vậy trong Luật cần nêu rõ trách nhiệm của địa phương, ngành văn hóa trong việc này.
Nhiều chuyên gia cũng nêu ý kiến: Những di sản tư liệu như “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” không có ở Việt Nam và rất ít trên thế giới. Hơn nữa, thơ văn được khắc, chạm, vẽ, đắp đa số là ở những vị trí không thuận tiện cho người tiếp xúc trực tiếp. Số người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về tài liệu thì rất ít. Tại Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng có không nhiều người biết chữ Hán Nôm. Việc thuyết minh để làm toát lên giá trị khối tài liệu này bằng tiếng Việt đã khó, phải phiên âm, dịch nghĩa, chuyển tải những thông tin này sang tiếng Anh chuyên ngành lại càng khó khăn hơn.
Thêm vào đó, việc đào tạo nguồn nhân lực làm công tác bảo quản, phục chế tài liệu tại các cơ sở đào tạo nước ta còn thiếu tính thực tiễn. Nên khi vào làm việc thực tế tại các bảo tàng, thư viện, lưu trữ sẽ mất một thời gian dài làm quen, thậm chí phải đào tạo lại. Đây cũng là điểm cần lưu ý làm rõ khi xây dựng Luật...